Truyền tải Điện miền Tây ( PTC4): Đầu tư lưới điện tốt - vận hành an toàn

Thứ sáu, 21/12/2007 | 10:29 GMT+7

Cùng với sự phát triển của hệ thống nguồn điện, những năm gần đây, lưới truyền tải điện khu vực miền Tây không ngừng tăng trưởng và mở rộng. Đến nay, toàn miền đã có 461 km đường dây,  6 trạm biến áp, với tổng dung lượng 714 MVA. Sản lượng điện truyền tải đạt 1,58 tỷ kWh (năm 2006), phục vụ cho 9 tỉnh miền Tây, từ phía Nam sông Tiền Giang đến chót mũi Cà Mau.

 

             

Đầu tư xây dựng trạm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của TTĐ miền Tây

Hằng năm, hệ thống lưới truyền tải điện miền Tây phải chịu từ 3 đến 4 tháng sống chung với lũ. Công tác phòng chống bão lụt được quan tâm, củng cố kịp thời  trước mùa lũ, gia cố sửa chữa các hư hỏng của trạm, lưới sau khi lũ rút. Đồng thời, đơn vị đã hoàn chỉnh các quy định, qui trình vận hành thiết bị trên lưới, đảm bảo vận hành  an toàn và đúng theo yêu cầu kỹ thuật của nhà chế tạo. Một trong những công trình điện do Truyền tải điện miền Tây trực tiếp thi công, lắp đặt là Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Long. Đây là công trình mang lại hiệu quả lớn trong việc cung cấp điện ổn định, an toàn cho miền Tây, đặc biệt là khu vực Trà Nóc. Trạm được thiết kế phần điều khiển theo công nghệ mới, điều khiển bằng vi xử lý, có sự phối hợp giữa mạch nhị thứ truyền thống, cổ điển và đường truyền cáp quang; điều khiển đóng cắt thiết bị và xem các thông số vận hành đều thực hiện trên máy vi tính. Trong quá trình thi công, về kỹ thuật đã gặp rất nhiều khó khăn do công nghệ điều khiển mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên các cán bộ, kỹ sư, công nhân phải luôn vừa làm vừa nghiên cứu để lắp đặt thiết bị đúng theo yêu cầu và đã đưa công trình vào vận hành trước tiến độ 12 ngày. Từ khi đưa Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Long vào vận hành, điện áp tại các phụ tải trên được cải thiện, nâng cao rõ rệt.  

Do phụ tải khu vực miền Tây phát triển nhanh, nên các trạm 220 kV Trà Nóc, 220 kV Rạch Giá 2 luôn vận hành quá tải trong giờ cao điểm. Chính vì vậy, Truyền tải điện miền Tây đã thi công lắp đặt thêm một máy biến áp 220/110/10,5 kV - 125 MVA vận hành song song với máy biến áp hiện hữu cho các trạm hiện tại, đồng thời lắp đặt thêm các thiết bị nhất, nhị thứ, máy cắt, dao cách ly, hoàn chỉnh sơ đồ bảo vệ  nhằm tăng thêm hiệu quả vận hành cho trạm và đường dây. Việc nghiệm thu, tiếp nhận, đưa vào vận hành đường dây 220 kV Rạch Giá - Bạc Liêu dài 102 km; đường dây 220 kV Rạch Giá - Kiên Lương dài 66 km vào vận hành đã tạo cho hệ thống truyền tải điện miền Tây thêm nguồn lực mới. Đây là những công trình trọng điểm của khu vực. Khi các mạch đường dây 220 kV được kết nối liền mạch từ Rạch Giá tới Bạc Liêu, Rạch giá - Kiên Lương với các trạm  trong khu vực được đưa vào vận hành thì việc cô lập thiết bị không còn gây gián đoạn trong công tác cung cấp điện. Ngoài ra, đơn vị còn lắp đặt thêm máy biến thế tự dùng 3T  400 KVA - 22/0, 4 kV nhằm tăng cường độ tin cậy cho nguồn tự dùng của các trạm; lắp thêm máy cắt khí 66 kV SF6 để nâng sự linh hoạt trong việc hòa điện giữa nguồn hệ thống và nguồn S4 của nhà máy nhiệt điện Cần Thơ, giúp cho toàn hệ thống truyền tải điện khu vực luôn ổn định.           

Trong hệ thống truyền tải điện miền Tây, hệ thống cáp quang cũng đặc biệt được chú trọng. Đơn vị đã thi công, lắp đặt hoàn chỉnh đường dây cáp quang trên tuyến 220 kV  Cai Lậy - Vĩnh Long - Trà Nóc. Đây là công trình có kỹ thuật mới, thi công trong điều kiện không cho phép cắt điện lâu dài; đường dây đi qua nhiều địa hình phức tạp như vườn cây ăn trái, sông ngòi chằng chịt, giao chéo với các đường dây cao, trung, hạ thế... do đó, trước khi thi công cần phải khảo sát, lập phương án hết sức chặt chẽ, chọn ra phương án tối ưu nhằm hạn chế thời gian cắt điện, đảm bảo an toàn cho công nhân trong quá trình thi công nhất là công trình có số lượng công nhân đông (trên 300 người) và nhiều đơn vị khác nhau cùng tham gia. Tuyến đường dây có những đoạn vượt sông lớn (khoảng vượt sông Tiền, lớn hơn 700 mét với độ cao 90 mét, khoảng vượt sông Hậu lớn hơn 1000 mét, độ cao 130 mét) (những khoảng vượt này có giải pháp thi công riêng). Đặc biệt, khoảng vượt sông Hậu không có dây chống sét nên sử dụng công nghệ quấn sợi cáp quang trên dây dẫn điện (Sky Wrap) của đường dây 110 kV Trà Nóc - Sa Đéc, sử dụng công nghệ quấn dây bằng Robot do chuyên gia nước ngoài kết hợp với các công nhân Truyền tải điện miền Tây thực hiện. Do đặc tính của dây chống sét có kèm sợi quang bên trong, nên việc thi công phải tuân thủ các biện pháp kỹ thuật rất nghiêm ngặt, đòi hỏi công nhân phải am hiểu kỹ thuật thi công, tay nghề cao... Mặc dù có một số đặc thù và những khó khăn đáng kể như vị trí thi công cao, dây khoảng vượt dài... nhưng công trình đã đảm bảo an toàn về người, thiết bị, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đúng yêu cầu tiến độ đã đề ra.

Trong những năm qua, việc đầu tư cho hệ thống lưới điện đã được Truyền tải điện miền Tây rất quan tâm. Chính vì vậy, đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là giữ vững lưới điện truyền tải, vận hành an toàn liên tục, không để xảy ra sự cố chủ quan. Đơn vị luôn thực hiện đúng kế hoạch đại tu, sửa chữa lớn, kiểm tra, bảo trì, sửa chữa thường xuyên các thiết bị trên lưới... Phong trào xây dựng trạm, đường dây kiểu mẫu được các đội, trạm tích cực hưởng ứng. Nhiều trạm và đường dây đã phấn đấu đạt danh hiệu “Trạm kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu”, góp phần cho công tác quản lý, vận hành lưới điện miền Tây ngày càng tốt hơn.

Một số công trình Truyền tải điện miền Tây chuẩn bị thi công và tiếp nhận:

+ Lắp đặt tụ bù 50 MVAr  110 kV bank 2 trạm Rạch Giá.

+ Lắp đặt tụ bù 30 MVAr  110 kV bank 2 trạm Trà Nóc.

+ Thay thiết bị 15 kV trạm Bình Thuỷ.

+ Lắp đặt hệ thống truy xuất rơ - le từ xa trạm 220 kV Trà Nóc, 220KV Rạch Giá

+ Tăng cường công suất trạm tạm 220 kV Vĩnh Long.

+ Đường dây   220 kV  4 mạch  Cà Mau - Ô Môn.

+ Đường dây  500 kV Nhà  Bè - Ô Môn.  

Theo TC Điện lực số 11 - 2007