Theo các chuyên gia, đây là mức tăng giá có thể chấp nhận được, không gây ảnh hưởng nhiều tới phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, giá điện ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay vẫn rất thấp so với khu vực. Đó là một trong những lý do khiến các dự án điện rất khó kêu gọi đầu tư hoặc vay tiền để thực hiện dự án, trong khi nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng mạnh. Dự kiến năm 2011, các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện sẽ tiếp tục tăng cao do giá than, khí, dầu đều tăng; tỷ trọng các nguồn thuỷ điện giá rẻ ngày càng giảm, tỷ trọng các nguồn điện mới có giá cao ngày càng tăng, nhu cầu đầu tư vào nguồn lưới điện tăng rất lớn nhằm đảm bảo ổn định cung cấp điện đáp ứng nhu cầu điện tăng với tốc độ cao. Việc điều chỉnh giá điện kịp thời hợp lý sẽ giúp ngành điện huy động đủ vốn cho nhu cầu đầu tư cho các công trình điện mới. Đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, giúp các doanh nghiệp trụ vững được trong điều kiện hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, mức tăng giá điện đã được Chính phủ phê duyệt trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Cùng với việc điều chính giá điện, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo, người thu nhập thấp, thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Ngọc Loan