Nước quý như vàng ngọc
Năm 2010 là năm diễn ra tình trạng khô hạn kéo dài và khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua xảy ra trên diện rộng. Lượng mưa thấp, mùa lũ không có là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử trên nhiều hệ thống sông như sống Đà, sông Lô, sông Sê san, sông Đồng Nai... So với trung bình nhiều năm, tổng lượng nước về các hồ thủy điện trên cả nước hụt 38,6 tỷ m3, riêng Hòa Bình hụt 22,8 tỷ m3, Thác Bà hụt 1,35 tỷ m3, Tuyên Quang hụt 1,97 tỷ m3.
Tính đến ngày 31/12/2010, mực nước nhiều hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Trị An, Ialy, Hàm Thuận, Đại Ninh thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2009. Theo dự báo, mùa khô năm 2011, dòng chảy toàn mùa của hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm khoảng từ 5-30%, các tháng cuối mùa khô thiếu hụt khoảng 39-45%. Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2010 là năm rất đặc biệt vì gần như lượng mưa mùa mưa chiếm 80% dòng chảy các dòng sông khô hạn nghiêm trọng. Các hồ thủy điện mới tích được 76% thiết kế do tác động của ElNino kéo dài.
Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, dòng chảy các sông Bắc Bộ từ thượng lưu tới hạ lưu giảm nhanh và nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10-40%, riêng lượng nước đến các hồ chứa lớn thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 17-42%, các sông ở Nam Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, thấp hơn cùng kỳ từ 30-40%. Dự báo thiếu nước và khô hạn trong vụ đông xuân 2010- 2011 có khả năng xuất hiện ở nhiều khu vực. Trong khi đó, miền Bắc đang bước vào vụ đông xuân 2010- 2011. “Mười năm nay, nguồn nước phục vụ cho đổ ải và sản xuất vụ đông xuân phụ thuộc vào lịch trình các hồ thủy điện xả nước. Để có nước sản xuất cho 650.000 ha lúa và cây hoa màu trong toàn vùng cần rất nhiều nước, trong khi gần 20 hồ lớn nhỏ ở miền Bắc lại phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên”- ông Đặng Duy Hiền, Vụ phó vụ công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết.
Ưu tiên điện số 1 cho cấp nước sản xuất
Diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết đang gây tác động bất lợi, ảnh hưởng lớn đến việc cân đối giữa nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2010- 2011 cho khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ và nhiệm vụ phát điện mùa khô năm 2011 của các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang.
Trong tháng 12/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trực tiếp tổ chức các đoàn kiểm tra cấp điện cho các trạm bơm điện tại một số trạm bơm đầu mối ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và làm việc với đại diện các Sở NN & PTNT, lãnh đạo các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi để thống nhất phương thức phối hợp, nhằm đảm bảo mục tiêu lấy và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm nhất.
Ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, việc quan trọng nhất lúc này là đảm bảo điện cho cấp nước sản xuất vụ đông xuân thắng lợi. Ông cũng nhấn mạnh, EVN sẽ làm hết sức, tránh việc có máy bơm nước lên đồng ruộng nhưng không có điện. Theo tính toán, diện tích tưới vụ đông xuân 2010- 2011 là khoảng 635.328 ha và cần khoảng 2,7 tỷ m3 nước tương đương với 500 triệu kWh điện.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và EVN đã thống nhất sẽ xả khoảng 2,72 tỷ m3 nước từ các hồ thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình làm 2 đợt. Đợt 1 từ 5h00 ngày 27/1 đến 18h00 ngày 2/2/2011 và đợt 2 từ 5h00 ngày 13/2 đến 18h00 ngày 20/2/2011.
Các địa phương cần tranh thủ tối đa lượng nước xả, hoàn thành lấy nước trong 2 đợt đã định. Sau 2 đợt xả, mức nước các hồ đã rất gần mực nước chết, do vậy không còn có khả năng xả thêm nước từ các hồ thủy điện.
Ông Đặng Duy Hiền cho biết, việc cần kíp lúc này là EVN tăng cường cải tạo, bảo dưỡng đường dây, đảm bảo đủ điện phục vụ bơm nước. Các địa phương cần nạo vét các kênh mương, ao hồ, vận hành các công trình thủy lợi để trữ nước; tập trung lắp đặt trạm bơm dã chiến về điện, dầu để sử dụng chống hạn ngay các khu vực bán sơn địa; chuyển đổi một số diện tích gieo trồng lúa sang trồng các loại cây khác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tham mưu với Chính phủ để có chỉ đạo huy động lực lượng tham gia, đảm bảo đạt hiệu quả vụ đông xuân 2010- 2011.