Quản lý năng lượng

Từ Đề án thí điểm tiết kiệm điện trong nuôi tôm - Bài 2: Từ ý tưởng khả thi

Thứ ba, 10/4/2018 | 09:03 GMT+7
Thực tế tại các khu vực nuôi tôm do phân tán rải rác, chưa có quy hoạch vùng nuôi đồng nhất nên việc xây dựng các đường dây truyền tải cấp điện cho nuôi tôm còn gặp nhiều khó khăn.
 
Các hộ nuôi tôm đã có ý thức hơn về sử dụng điện tiết kiệm. Ảnh: TTXVN
 
Để khắc phục vấn đề này, Bộ Công Thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang cố gắng tuyên truyền trong nhân dân việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và mang lại kết quả nhanh chóng, tối ưu.
 
Đây cũng là giải pháp phù hợp với chủ trương của Nhà nước, góp phần trong sự phát triển của ngành tôm, phấn đấu đạt được mục tiêu chung của Quốc gia về phát triển tôm bền vững.
 
Giai đoạn từ năm 2010-2016, được sự phê duyệt từ EVN, EVN SPC đã triển khai nhiều Chương trình, Đề án tiết kiệm năng lượng cho những nhóm phụ tải khác nhau như: Chương trình thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn Compact cho các hộ trồng thanh long; Chương trình quảng bá bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời thay thế bình đun nước nóng bằng điện trở; Đề án thí điểm mô hình Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO)….
 
Cũng từ đó, Chương trình “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một số tỉnh Nam Bộ giai đoạn 2016-2018” đã được EVN SPC lên ý tưởng và tiến hành khảo sát đánh giá tổng quan hiện trạng của các hộ nuôi tôm từ năm 2012.
 
Trong giai đoạn 2013-2015, chương trình tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá để chọn giải pháp tối ưu, khả thi và đạt hiệu quả cao.
 
Nguyên do phải nghiên cứu về quy trình nuôi tôm để có thể áp dụng giải pháp tiết kiệm điện thích hợp nhất, đồng thời cần có sự hợp tác, ủng hộ từ chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể, hiệp hội tôm.
 
Đến tháng năm 2016, EVN SPC mới chính thức lập thành Đề án nghiên cứu và cải tạo dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm và được EVN phê duyệt cho phép thực hiện thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng.
 
Mục tiêu của Đề án  nhằm mục tiêu giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận cho các hộ nuôi tôm thông qua giảm chi phí tiền điện; Tăng khả năng cung cấp điện trong nhân dân. Đây thực sự là bước tiến quan trọng trong thời điểm hiện nay do chi phí đầu tư ban đầu thấp nhưng đem lại lợi ích to lớn cho các hộ nuôi tôm là giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
 
Đợt đầu Đề án đã triển khai thí điểm với số lượng 161 hộ tại tỉnh Sóc Trăng trong 1 vụ nuôi tôm. Theo tính toán, các hộ nuôi tôm sẽ tiết kiệm được 1.456.351 kWh/năm nếu áp dụng giải pháp tiết kiệm điện (mức tiết kiệm là 38,7%), tương ứng số tiền tiết kiệm gần 2,5 tỷ đồng/năm trên tổng số 161 hộ dân thí điểm.
 
Theo số liệu về sản lượng điện tiết kiệm khi áp dụng giải pháp tiết kiệm điện của 161 hộ nuôi tôm đã thay thế gối đỡ con lăn tại 1.807 dàn quạt. Tổng diện tích các hộ nuôi tôm đăng ký là 206 ha.
 
Nếu tính trên diện tích nuôi tôm tại vùng ĐBSCL khi áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện thì sản lượng điện tiết kiệm trung bình trên 1ha (trung bình 9 dàn quạt/ha) là 7.070 kWh.
 
Với tổng diện tích nuôi tôm khu vực ĐBSCL là 654.813 ha, sản lượng điện tiết kiệm trung bình tại khu vực này 4.629.527.910 kWh; Thời gian vận hành trung bình của dàn quạt/ha trong 1 vụ tôm (4 tháng) là 19.440 giờ.
 
Cũng theo tính toán của EVN SPC, hiện nay, để đầu tư 1 MW điện (suất đầu tư là 0,9 triệu USD/1 MW, 1 USD tương đương khoảng 22.700 đồng) cần đến hơn 20 tỷ đồng. Như vậy, với hơn 238 MW công suất đỉnh cần thiết để cấp điện cho các hộ nuôi tôm khu vực ĐBSCL, chi phí để đầu tư sẽ vào khoảng 4.760 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ trong việc đầu tư cấp điện nuôi tôm.
 
Do đó, bằng giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm sẽ giúp EVN tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như rút ngắn thời gian đầu tư nguồn và lưới điện phục vụ cấp điện trong nuôi tôm.
 
Việc triển khai thực hiện giải pháp tiết kiệm điện còn giúp ngành Điện giảm bớt được áp lực về cung cấp điện khi các hộ nuôi tôm thâm canh (siêu thâm canh) tự nhận thức và nâng cao ý thức về tiết kiệm điện.
 
Trên thực tế sau khi triển khai thí điểm, đối với các hộ nuôi tôm tham gia Chương trình đã có ý thức hơn về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn khi hộ nuôi tôm trực tiếp thấy được hiệu quả tiết kiệm điện qua tiết kiệm chi phí trả tiền điện khi áp dụng giải pháp tiết kiệm điện vào sản xuất và nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm).
 
Mô hình đã giới thiệu đến các hộ nuôi tôm thâm canh (siêu thâm canh) về giải pháp tiết kiệm điện mới, gắn kết giữa người dân, chính quyền và ngành Điện về hiệu quả mà Chương trình mang lại.
 
Thực tế mô hình đã chứng minh và hiệu quả mang lại trong Chương trình để người dân nuôi tôm tự phát quan tâm tham khảo, từ đó sẽ mạnh dạn tham gia, tạo thuận lợi trong công tác quảng bá, tuyên truyền về giải pháp tiết kiệm điện của ngành Điện.
 
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ đã có sự tham gia để đánh giá và quảng bá về thành công của mô hình, đồng thời có thể đẩy mạnh các chỉ đạo, định hướng điều hành phối hợp với ngành Điện trong công tác tiết kiệm điện.
 
Bài 3: Lộ trình triển khai
Theo: BNews/TTXVN