Trong năm 2017 sau khi triển khai Chương trình, EVN SPC đã hỗ trợ cho 889 hộ dân nuôi tôm. Ảnh: TTXVN
Quá trình nuôi có sử dụng quạt nước để tạo oxy, đây chính là khâu chủ yếu cần sử dụng điện trong nuôi tôm.
Qua khảo sát thực tế tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) nhận thấy vẫn còn rất nhiều hộ nuôi tôm hiện đang sử dụng công nghệ quạt nước kiểu truyền thống (sử dụng ma sát trượt), tỷ lệ này chiếm đến hơn 60% trong tổng số hộ nuôi tôm vùng ĐBSCL.
Tổn thất điện năng và hao phí năng lượng (điện) lớn từ việc vận hành các hệ thống quạt lá tạo oxy cho tôm (sử dụng các gối trục bằng gỗ sẽ gây nhiều tổn thất điện năng) gây tác động tiêu cực đến mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Yếu tố gây tiêu hao nhiều năng lượng của hệ thống quạt nước tạo oxy chính là việc kết nối trục truyền động của động cơ với trục quay của hệ thống quạt.
Do đó, với mục tiêu giảm áp lực về cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm công nghiệp, giúp hộ nuôi tôm tiết kiệm chi phí đầu tư; Tiết kiệm điện sử dụng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.
Được sự chỉ đạo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN SPC đã nghiên cứu đến việc thiết kế cải tiến một phần hệ thống dàn quạt tạo oxy nuôi tôm nhằm tăng hiệu suất sử dụng cho dàn quạt. Đây thực sự là một giải pháp rất cần thiết và hiệu quả nhằm tiết kiệm điện cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm tôm.
Thiết kế, cải tiến dàn quạt bằng cách đưa động cơ điện và hộp số xuống ao và đặt trên hệ thống phao, thay đổi cách đặt động cơ có trục truyền động chưa đồng trục với trục quay hệ thống quạt nước sang cách đặt đồng trục với trục quay của hệ thống quạt nước.
Đồng thời, chuyển đổi từ sử dụng ổ trục ma sát trượt (chữ U) sang sử dụng ổ trục ma sát lăn (gối đỡ con lăn).
Phần tiếp xúc của trục quay hệ thống quạt lá tạo oxy với ổ trục ma sát trượt chiếm từ 40-45% diện tích trục quay gây ra lực ma sát lớn đối với việc vận hành hệ thống quạt.
Độ ma sát cao làm tốc độ quay của cánh quạt giảm dẫn đến lượng oxy cung cấp cho nuôi tôm không đủ, ảnh hưởng đến năng suất và tốc độ tăng trưởng của tôm; hoặc có thể gây ra hiện tượng tôm chết hàng loạt nếu không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho tôm.
Để khắc phục, bằng cách thay gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn sẽ giải quyết được sự cản trở của lực ma sát trượt do được thay thế bằng lực ma sát lăn bởi vì theo nguyên lý vật lý, độ lớn của lực ma sát lăn luôn luôn nhỏ hơn lực ma sát trượt.
Quá trình áp dụng thực tế tại 1 hộ nuôi tôm thuộc Chương trình, nhận thấy ưu điểm là Tối ưu hóa hiệu suất truyền động của động cơ thông qua việc lắp đặt đúng cách với trục quay của hệ thống quạt nước.
Giá thành con lăn thấp nhưng mang lại hiệu suất cao cho động cơ. Hiệu quả tiết kiệm điện được thể hiện cụ thể. Thời gian hoàn vốn nhanh.
Đồng thời mở rộng và nâng cao hiệu quả mô hình phối hợp giữa Điện lực và các Đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, thuận lợi cho việc phát triển đầu tư dịch vụ hỗ trợ hộ dân nuôi tôm.
Tuy nhiên, mô hình thí điểm cũng có hạn chế là công đoạn lắp đặt phải thực hiện thủ công tại ao nuôi, khó gia công hàng loạt. Khó kiểm soát được mức độ hư hỏng của con lăn. Không có người thực hiện việc bảo trì và vệ sinh động cơ thường xuyên để đảm bảo hệ thống đồng trục vận hành tốt.
Từ năm 2019 trở đi, Tổng công ty sẽ tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn áp dụng giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm đến các hộ nuôi tôm trên toàn quốc . Ảnh: TTXVN
Qua khảo sát 1 hộ nuôi tôm (ngụ tại ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, Thị xã Vĩnh Châu) thuộc Chương trình thí điểm, trước khi áp dụng giải pháp tiết kiệm điện hộ này phải trả chi phí điện hơn 84 triệu đồng/vụ, sau khi được ngành Điện hỗ trợ (vật tư và nhân công) để thực hiện giải pháp tiết kiệm điện, chi phí tiền điện đã giảm được gần 11 triệu đồng trong vụ tôm, chiếm 13,1% so với chi phí điện và chiếm tỷ trọng 0,98% so với tổng chi phí sản xuất trong vụ nuôi tôm.
Trong năm 2017 sau khi triển khai Chương trình, EVN SPC đã hỗ trợ cho 889 hộ dân nuôi tôm ở các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu được 543,67 ha với 26.378 gối đỡ con lăn (loại đỡ và loại treo), tổng chi phí hỗ trợ là 1,4 tỷ đồng.
Tháng 12/2017, đoàn công tác liên Bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khảo sát thực tế mô hình các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng.
Đoàn đánh giá cao về sáng kiến cải tiến “ích nước, lợi nhà” và có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới, hoàn toàn có thể nhân rộng trong thực tiễn.
Để triển khai rộng Đề án đối với các hộ dân hiện đã và đang (chuẩn bị) nuôi tôm, theo EVN SPC, trước mắt sẽ triển khai quảng bá, tuyên truyền tại các tỉnh có nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Nam.
Mục tiêu mong muốn hướng đến chính là phổ biến rộng rãi sáng kiến đến tất cả hộ nuôi tôm trên toàn quốc.
Về tổng thể, giải pháp mang khả thi về kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó, việc triển khai giải pháp sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giúp các hộ dân tiết kiệm chi phí tiền điện, nâng phúc lợi xã hội.
Chương trình đã được thực hiện thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng từ năm 2016-2017, dự kiến mở rộng đến các tỉnh nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Nam.
Theo đó lộ trình triển khai trong năm 2018 là tuyên truyền, quảng bá giải pháp đến các hộ nuôi tôm tại các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau (có hỗ trợ một phần chi phí nhằm mục đích khuyến khích hộ nuôi tôm tham gia).
Từ năm 2019 trở đi, Tổng công ty sẽ tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn áp dụng giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm đến các hộ nuôi tôm trên toàn quốc thông qua việc triển khai từ các cấp Chính quyền (cấp Bộ đến địa phương) và EVN.
Trong năm 2017 sau khi triển khai Chương trình, EVN SPC đã hỗ trợ cho 889 hộ dân nuôi tôm. Ảnh: TTXVN