Tin trong nước

Từ người lính đến Chủ tịch Công đoàn

Thứ tư, 2/1/2008 | 09:44 GMT+7

“Điềm tĩnh - cương nghị - quyết đoán - bao dung - độ lượng và nhân văn” đó là những gì đồng nghiệp, CNVC - LĐ trong Công ty nói về người đại diện của mình đó là ông Đoàn Văn Căn - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty.

Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông, ở một vùng quê nghèo chiêm trũng Nghĩa Hưng, Nam Định. Thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình, sau khi tốt nghiệp phổ thông ông đã thi đỗ khoa toán lý, trường Đại học Bách khoa, Hà Nội năm 1969. Năm 1970 theo tiếng gọi của Đảng, ông đã gác sách bút lên đường nhập ngũ. Tháng 1/1976 ông trở lại trường tiếp tục học tập tại khoa Nhiệt điện. Năm 1981, tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư loại khá, ông được phân công về công tác tại nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình. Năm 1989 ông được Công ty Điện lực I điều động về công tác tại nhà máy Thủy điện Hoà Bình. Ông được lãnh đạo Công ty Điện lực I, lãnh đạo nhà máy cử sang Liên Xô (cũ) thực tập và tìm hiểu về nhà máy thuỷ điện. Về nước, ông được bổ nhiệm quản đốc phân xưởng, rồi trưởng phòng tổ chức lao động. Hiện nay ông là Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty.Ngược lại thời gian khi đất nước mới chuyển đổi từ cơ chế “bao cấp” sang nền “kinh tế thị trường” thời kỳ đó khi nhắc tới Công đoàn là người ta nghĩ ngay đến “cơm, áo, gạo, tiền” hay Công đoàn “là cha là mẹ” bởi Công đoàn đảm trách việc phân phối các chế độ nhu yếu phẩm. Khi xoá bỏ “bao cấp” lúc này Công đoàn không còn là người cân đo, đong đếm vật chất thông thường nữa, mà đòi hỏi Công đoàn phải đứng ra bảo vệ việc làm, quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Phương pháp hoạt động Công đoàn trong thời kỳ đổi mới như thế nào? Đó là câu hỏi đặt ra cho cán bộ Công đoàn. Ngay sau khi đắc cử và được bầu làm Chủ tịch Công đoàn Công ty, nhận trọng trách trước tình hình khó khăn của Công đoàn, ông đã trăn trở, tự đặt ra rất nhiều câu hỏi: Cần phải bắt đầu từ đâu? Việc gì cần làm ngay? Để xây dựng phong trào Công đoàn Công ty vững mạnh. Rồi ông lại tự trả lời. Phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành ông điều khiển phiên họp phân công trách nhiệm cụ thể cho từng Uỷ viên BCH. Với phẩm chất thẳng thắn của người lính, với nghiệp vụ của nhà tổ chức đưa ra phương pháp hoạt động phong trào Công đoàn, ông đã nhấn mạnh: Để thành công yếu tố đầu tiên phải là cán bộ, chính là các đồng chí trong BCH. Muốn làm được điều này chúng ta phải tổ chức xây dựng điển hình tiên tiến để nhân rộng trong toàn Công đoàn Công ty như phong trào thi đua “Ca vận hành an toàn - kinh tế phát sản lượng điện cao”, “Trạm vận hành kiểu mẫu”, đồng thời phải tuyên truyền, vận động CNVC - LĐ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa để họ nhiệt tình tham gia, ủng hộ. Ông đã chủ động đề xuất và phối hợp với chuyên môn tổ chức phát động phong trào thi đua sản xuất, những đợt thi đua mũi nhọn, công trình thi đua gắn biển chào mừng các ngày lễ lớn trong năm; ông đã đề xướng phong trào văn nghệ “Tôi hát cho CNVC chúng tôi nghe và cho những người yêu thích văn nghệ quần chúng nghe”, phong trào này đã thu hút hàng trăm lượt CNVC - LĐ thamgia nhiệt tình. Thông qua hoạt động văn nghệ các đoàn viên Công đoàn càng hiểu nhau hơn, cán bộ và công nhân cùng hát. Vì vậy những thắc mắc, bức xúc, những đề nghị của công nhân họ trao đổi thắng thắn với cán bộ. Ông thay mặt Ban Thường vụ Công đoàn đã đề xướng và phối hợp tổ chức cho CNVC - LĐ đi thăm quan, học tập, du lịch ở các tỉnh phía Nam và Trung Quốc. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng hoà giải luân phiên, ông trực tiếp tham gia hoà giải về sự vụ tranh chấp lao động đã tồn tại hàng bao năm nay. Ông đề xướng trong ban thường vụ nghiên cứu xây dựng quy định thu và sử dụng kinh phí Công đoàn, giao cho các Công đoàn bộ phận quản lý và sử dụng 55% kinh phí từ nguồn thu đoàn phí. Vì vậy Công đoàn bộ phận chủ động tổ chức các phong trào thi đua, thăm hỏi động viên CNVC – LĐ... Ông đề xướng về việc cải thiện môi trường “Xanh - sạch – đẹp”, với tư cách là Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn ông đã cho trồng cây lưu niệm khu vực tượng đài Bác Hồ, đài tưởng niệm, khu vui chơi thể thao của CBCNV, nhiều vách núi đá đã biến thành thảm cây xanh che phủ.

Nhiều năm qua ông đã được Tổng liên đoàn tập đoàn tặng cờ thi đua xuất sắc, đặc biệt ngày 21/12/2006 Chủ tịch nước ký quyết định số 1393/QĐ-CTN, tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba cho Công đoàn nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Đạt được những thành tích trên có phần không nhỏ sự đóng góp của Chủ tịch Công đoàn Đoàn Văn Căn.

Thay cho lời kết tôi xin trích dẫn lời của ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công ty vẫn thường nói: “Nếu ông Căn đề xuất những gì có lợi cho người lao động mà không vi phạm luật pháp là tôi đồng ý ngay”, vì trong ông Thành là ông Căn đã thấm nhuần câu nói của Bác Hồ: “Dễ một lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Theo Bản tin CĐ T12/07