Những tuyệt chiêu này có thể giúp ngôi nhà của bạn hạ nhiệt, thoáng mát mà không phải tiêu tốn quá nhiều tiền điện.
Điều hòa, quạt phun sương... tự chế
Những ngày nắng nóng xấp xỉ 40 độ như vừa qua, bạn có thể tự chế một chiếc máy làm mát cho căn phòng của mình bằng cách đơn giản sau: Dùng một thùng xốp, đục các lỗ nhỏ xung quanh và một lỗ lớn phía trên. Bỏ đá vào trong thùng, sau đó đặt một chiếc quạt lên phía trên thùng xốp, cho quạt thổi qua lỗ lớn thì không khí mát lạnh sẽ được tỏa ra căn phòng qua các lỗ xung quanh.
Quạt phun sương tự chế
Bạn cũng có thể để một số chai nước vào ngăn đá tủ lạnh cho đông thành đá, sau đó để phía trước quạt ngang tầm người rồi bật quạt (chú ý để khay hứng phía dưới để nước đá tan ra sẽ không làm ướt sàn). Không khí được thổi ra từ quạt sẽ mát hơn rất nhiều.
Sử dụng quạt trần
Rẻ và ít hao tốn điện năng so với điều hòa, quạt trần có tác dụng làm mát căn phòng khá tốt.
Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, quạt trần nên được điều chỉnh theo mùa. Vào mùa hè, bạn nên để chế độ quạt quay ngược chiều kim đồng hồ. Không khí nóng sẽ bị đẩy lên trần nhà thay vì quanh quẩn bên dưới, khiến bạn cảm thấy mát hơn nhiều.
Chỉnh lại quạt trần để quay ngược chiều kim đồng hồ.
Song chỉ có một vài dòng quạt trần nhất định có đi kèm nút chuyển đổi chế độ quay trên thân quạt. Với loại không có nút chuyển, chúng ta phải dùng biện pháp thủ công là lắp lại cánh quạt theo chiều mong muốn.
Dùng đồ ngủ chất liệu mát
Bạn nên tránh xa các bộ ga trải giường được làm bằng vải satin hoặc sợi tổng hợp, cách tốt nhất trong ngày hè là nên thay thế chúng bằng loại làm từ vải cotton hoặc lụa. Chất liệu cotton giúp thấm mồ hôi tốt hơn và làm mát da.
Bên cạnh đó, khi đi ngủ, bạn nên mặc đồ ngủ làm từ chất liệu vải bông cotton sẽ giúp cơ thể mát mẻ hơn.
Dùng màn che, rèm cửa, đóng cửa sổ khi trời nắng
Nên dùng màn che, rèm cửa khi trời nắng nóng
Những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời thường vượt ngưỡng 35 độ C, và cửa sổ là nơi ánh mặt trời chiếu vào, hấp nhiệt cao nhất. Vì vậy, cách đơn giản lúc này là dùng tấm rèm che cửa để ngăn ánh nắng chiếu trực tiếp vào cửa sổ. Hãy chọn rèm cửa được may từ các vật liệu chắn nắng, màu sáng để hạn chế hấp thụ nhiệt và phản chiếu nhiệt ra khỏi nhà.
Có thể treo trước cửa sổ một tấm vải ướt lớn sẽ giảm nhiệt bức xạ vào nhà. Bạn cũng có thể treo mành, rèm ở ban công hay cửa sổ để chắn nắng, làm ẩm mành rèm cũng là cách làm ngôi nhà của bạn mát hơn.
Đóng cửa sổ khi trời nắng nóng là cách hạn chế gia tăng nhiệt lượng trong nhà của bạn vào ngày hè.
Giảm nhiệt từ mái nhà
Đây là giải pháp được nhiều gia đình áp dụng và lại tiết kiệm nhất. Khi nhiệt độ bên ngoài được hấp thụ hầu hết vào mái nhà, cách nhiệt mái nhà giữ cho nhà luôn mát mẻ, không cho sức nóng tỏa xuống nhà.
Nếu mái nhà bằng tôn, bằng fibro xi măng, bạn có thể đóng thêm trần giả, chẳng hạn trần xốp ở phía dưới sẽ giảm nhiệt rất nhiều. Nếu ở nông thôn bạn có thể đặt rơm rạ lên mái nhà, dùng vòi phun tưới nước lên phía trên được thì càng tốt.
Với nhà mái ngói cấp 4, có thể đóng thêm trần, vừa trang trí vừa giảm được sức nóng hấp xuống. Với chung cư, nhà cao tầng có thể làm hệ thống trần thạch cao tiêu chuẩn. Để tăng cường khả năng này bạn có thể sử dụng thêm các vật liệu cách nhiệt như bông thủy tinh cách nhiệt, túi xốp hơi cách nhiệt,...
Hạn chế sử dụng đồ điện, tỏa nhiệt
Nhiệt đồ hầm hập bên ngoài cộng thêm với sự tỏa nhiệt của các thiết bị điện tử sẽ khiến ngôi nhà của bạn thêm phần bức bối hơn. Các thiết bị tỏa nhiệt có thể là tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, bếp từ,...
Do đó, để hạ nhiệt cho ngôi nhà của bạn, tránh dùng các thiết bị này vào lúc cao điểm nhiệt nắng nóng như buổi trưa.
Lau sạch sàn nhà
Việc lau sạch sàn nhà trước khi đi ngủ cũng là một giải pháp hữu hiệu giúp ngôi nhà giảm nhiệt độ ngay lập tức và khiến bạn ngủ ngon hơn trong tiết trời nóng bức.
Trồng cây xanh, tạo hồ nước trong nhà
Trồng cây xanh, tạo hồ nước giúp ngôi nhà thêm mát mẻ.
Trồng cây xanh để hạ nhiệt là một biện pháp hữu hiệu để chống lại tình trạng ngột ngạt của mùa hè. Bạn có thể trồng cây xanh hoặc các loại cây leo gần cửa sổ, vừa làm đẹp, tăng độ thẩm mỹ, tạo phong thủy, vừa hạ nhiệt cho ngôi nhà. Nếu phòng gần ban công, trồng nhiều cây giúp che bớt ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra, có thể phối cảnh tạo một bể nước mát trong nhà. Chẳng hạn, thiết kế một hồ nước hay con suối nhỏ trong nhà, hoặc sử dụng các loại cối đá, máng nước, hòn non bộ, bể cá cảnh,... đặt phòng khách, bếp hoặc lối ra ban công.
Chọn màu sắc dễ chịu
Màu sắc là một trong các yếu tố có liên quan trực tiếp đến cảm giác về nhiệt độ và sự dễ chịu của con người. Màu sắc cũng chia thành màu nóng, màu trung tính và màu lạnh, hiển nhiên thể hiện rõ các tác động thị giác liên quan đến cảm giác nhiệt độ như thế nào.
Các màu lạnh như xanh lá, nâu, tím,... sẽ giúp không gian mát mẻ và yên tĩnh hơn. Các màu sáng thường cho cảm giác không gian thoáng đãng và rộng hơn, nên người sử dụng có được cảm giác dễ chịu hơn.