Chuyển đổi số trong EVN

Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo trì tại Nhà máy Thủy điện Trung Sơn

Thứ hai, 13/6/2022 | 10:08 GMT+7
Sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, nhất là sửa chữa lớn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, đạt hiệu suất cao. 
Vệ sinh tủ máy cắt đầu cực tổ máy H2.
 
Sau 5 năm vận hành, theo phê duyệt của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), những tháng đầu năm 2022, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã tiến hành sửa chữa lớn cả 2 tổ máy H1, H2 theo đúng kế hoạch.
 
Với quan điểm thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động của đơn vị theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) đã triển khai và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác vận hành, bảo trì bằng phương án sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu tổ máy theo phương pháp RCM (Reliability Centered Maintenace).
 
RCM (Reliability Centered Maintenance) là quy trình hướng dẫn phương pháp quản lý hiệu suất tài sản thông qua việc xây dựng lịch sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy cho hệ thống, thiết bị. Đây là phương pháp quản trị tiên tiến, được áp dụng trên thế giới. Phương pháp này nhằm phân tích, đánh giá tình trạng hệ thống/thiết bị để lựa chọn cách thức bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy cho nhà máy thủy điện.
 
Việc áp dụng phương pháp RCM đã giúp TSHPCo hoàn thành sửa chữa lớn 2 tổ máy H1, H2 năm 2022 vượt tiến độ, bảo đảm độ tin cậy và vận hành an toàn. Với sự phối hợp của Trung tâm dịch vụ kỹ thuật - Công ty CP Thủy điện A Vương, tổ máy H1 đã hoàn thành đại tu từ ngày 20-2 đến ngày 19-3; tổ máy H2 cũng hoàn thành đại tu trong thời gian từ ngày 29-3 đến ngày 25-4, vượt 2 ngày so với kế hoạch phê duyệt.
 
Các hạng mục đại tu tổ máy H1, H2 bao gồm sửa chữa, bảo dưỡng khối thiết bị của tổ máy, tính từ cửa nhận nước đến cửa xả hạ lưu, ngăn lộ trạm phân phối 220 kV và khoảng vượt... thí nghiệm và sửa chữa các tồn tại khiếm khuyết của hệ thống thiết bị được phát hiện trong quá trình vận hành cũng như trong quá trình dừng tổ máy để kiểm tra.
 
Cùng với tiến hành đại tu bằng phương pháp RCM, công ty cũng đã đồng bộ tất cả các dữ liệu và các hệ thống thiết bị phụ trợ lên phân hệ RCM của phần mềm PMIS. Nhất là, việc phân tích đánh giá RCM dựa trên các phân tích chế độ sự cố và hiệu quả kinh tế bao gồm xác suất sự cố và tính toán độ tin cậy của hệ thống, xác định các nhiệm vụ bảo trì thích hợp để giải quyết từng chế độ hư hỏng và hậu quả, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành 2 tổ máy đã giúp công ty rút ngắn thời gian tiến hành đại tu và nâng cao hiệu quả công tác sửa chữa lớn.
 
Đại diện TSHPCo cho biết: Sau khi tiến hành đại tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng, thí nghiệm đạt kết quả tốt, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã vận hành ổn định. Đơn vị cũng cho biết, khi áp dụng mô hình chuyển đổi số công ty cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như thời gian tiếp cận, chuẩn bị đội ngũ có năng lực, thiết bị để theo kịp sự thay đổi công nghệ... Tuy nhiên, với những hiệu quả tích cực mà chuyển đổi số mang lại, trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng dụng mô hình chuyển đổi số vào các mục sản xuất tại đơn vị.

Link gốc
Theo: Báo Thanh Hóa