Chuyển đổi số trong EVN

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành điện

Chủ nhật, 20/6/2021 | 16:11 GMT+7
Điện lực Quy Nhơn (Bình Định) đang cung cấp điện cho 14 phường, 3 xã bán đảo và 1 xã đảo với tổng số gần 73 ngàn khách hàng, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông dùng riêng của ngành trong xử lý sự cố hay thủ tục cấp điện mới nên công việc được thực hiện nhanh chóng. 
Ảnh minh họa.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cấp điện cho 964 khách hàng, trong đó có 953 khách hàng đăng ký online.
 
Quản lý, vận hành các trạm biến áp 110KV mà không có nhân viên trực, các thiết bị vận hành trên lưới điện đều được kết nối với hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu từ xa (SCADA) đặt tại Trung tâm điều khiển được đầu tư đồng bộ. Hệ thống văn phòng điện tử được triển khai xuyên suốt từ công ty tới toàn bộ các đơn vị trực thuộc, triển khai hệ thống ký số, văn phòng không giấy, qua đó giảm được nhiều chi phí. Các ứng dụng chăm sóc khách hàng giúp việc đăng ký mua điện hay trả tiền được thuận lợi hơn. Đây là những tiện ích mà ngành điện đang thực hiện trong quá trình chuyển đổi số.
 
Ông Thái Minh Châu - Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cho biết, mục tiêu của ngành là phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số đến năm 2022 và đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện. Để đạt được điều đó, trong năm 2021, Điện lực Bình Định phải hoàn thành các chỉ tiêu như: 95% giao dịch của 12 dịch vụ điện được thực hiện qua các kênh của trung tâm chăm sóc khách hàng và cổng dịch vụ công trực tuyến, 90% khách hàng được cung cấp đúng và kịp thời các thông tin về tiền điện, các sự cố về điện, tiến độ xử lý các yêu cầu về dịch vụ điện, xử lý mất điện. 100% thiết bị tại trạm biến áp 110kV, máy biến áp phân phối, thiết bị đóng cắt trung áp được áp dụng quy trình sửa chữa theo phương pháp phân tích và dự đoán sự cố.
 
Ngoài ra, việc giao dịch với khách hàng cũng được thực hiện qua hình thức số như: cổng dịch vụ công, website, tổng đài chăm sóc khách hàng… người dân ở nhà vẫn có thể thực hiện các yêu cầu về dịch vụ điện mà không cần đến các đơn vị cung cấp điện, điều này đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
 
Đối với công tác quản trị, ngành điện cũng đang số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hướng nhiều hơn về phía khách hàng, đảm bảo độ tin cậy tốt hơn.
 
Việc ứng dụng tích hợp các phần mềm trong chăm sóc khách hàng và xử lý sự cố đang được ngành điện triển khai sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng điện, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay.
Theo: Báo Bình Định