Trạm bơm Bạch Hạc. Ảnh minh họa.
Tại các địa phương, đoàn công tác đã làm việc với đại diện đơn vị gồm: Công ty Điện lưc tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công ty thủy nông, khai thác công trình thủy lợi để trao đổi thông tin và lắng nghe ý kiến từ địa phương, đồng thời đi kiểm tra thực tế tại các trạm bơm đầu mối trên địa bàn.
Theo thông báo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lịch lấy nước gieo cấy vụ Đông xuân 2017-2018 tại các tỉnh trung du và đồng bắc Bắc bộ sẽ diễn ra 3 đợt, đợt 1 từ 0 giờ ngày 16/1 đến 24 giờ ngày 19/1, đợt 2 từ 0 giờ ngày 28/1 đến 24 giờ ngày 4/2 và đợt 3 từ 00 giờ ngày 9/2 đến 24 giờ ngày 14/2. Do vậy, ngay cuối tháng 12/2017, Tập đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia lập kế hoạch chi tiết về vận hành các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà phục vụ 3 đợt lấy nước tập trung; thực hiện điều tiết nước các hồ thủy điện và vận hành hệ thống điện hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước và đảm bảo kế hoạch cung cấp điện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương để đảm bảo hiệu quả cao nhất của 3 đợt lấy nước và đảm bảo cung cấp điện mùa khô cho hệ thống điện Quốc gia; Các Công ty điện lực tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc phải chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện cấp cho các trạm bơm nước; bám sát lịch làm việc của các trạm bơm, lịch thời vụ của địa phương để lập và thực hiện phương án cung ứng điện an toàn, đảm bảo chất lượng, liên tục (24/24h) trong thời gian từ ngày 16/1/2018 đến ngày 14/2/2018. Tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh trong tình huống xảy ra sự cố lưới điện. Tổ chức kiểm tra và lập biên bản xác nhận tình hình cung cấp điện và tình trạng hoạt động của các máy bơm tại từng trạm bơm làm cơ sở xác định trách nhiệm các bên liên quan.
Làm việc tại Công ty Điện lực Bắc Ninh và đến kiểm tra tình tại Trạm bơm Trịnh Xá, ông Nguyễn Duy Khải – Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh cho biết: Tổng diện tích gieo trồng vụ xuân 2018 do hai Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống và Nam Đuống phục vụ là 42.801 ha, chủ yếu được tưới bằng biện pháp bơm điện. Tổng số trạm bơm phục vụ bơm tưới của 2 Công ty là 113, tổng công suất các trạm 81.907kVA. Trong năm 2017, 100% máy bơm và các trạm bơm dã chiến đã được 2 Công ty thủy nông tu sửa sẵn sàng phục vụ bơm tưới. Trước thời gian xả nước, các xí nghiệp thủy nông trên địa bàn chủ động bơm tích trữ nước vào hệ thống ao, hồ, kênh mương phục vụ làm mạ xuân và tưới cho cây vụ đông.
Ông Nguyễn văn Ty - Chủ tịch Công ty kiêm Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Bắc Ninh cũng chia sẻ, dù ngày 16/1 mới bắt đầu xả nước nhưng hiện tại Công ty đã cho hoạt động 7 máy bơm, cố gắng đưa lượng nước lớn nhất vào đồng ruộng, tạo khoảng trống cho các nơi giữ nước để khi các hồ thủy điện xả có thể tích được lượng nước lớn nhất phục vụ gieo cấy cho bà con nhân dân.
Tại Hà Nam, trao đổi với đoàn công tác, ông Nguyễn Phú Đạt – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết, vụ đông xuân năm 2017-2018, tỉnh Hà Nam có gần 32.000 ha diện tích gieo cấy, trong đó có hai huyện gồm Duy Tiên 4.500 ha, huyện Lý Nhân 5.900 ha phải lấy nước trước. Nguồn nước chủ yếu lấy từ sông Nhuệ, tuy nhiên hiện nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng nề, không đảm bảo chất lượng cho gieo trồng do đó Sở đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo xin lui lại thời gian lấy nước vài ba ngày. Đối với khu vực cống Tắc Giang, hiện đơn vị đã chỉ đạo công ty thủy nông tăng cường ứng trực 24/24 h để khi triều cường lên sẽ mở cống để nước tự chảy vào.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) cho hay Công ty đã có các văn bản gửi các Điện lực trực thuộc yêu cầu triển khai thực hiện việc tăng cường công tác kiểm tra đường dây trung, hạ thế, các thiết bị trên lưới nhằm củng cố hệ thống điện, nâng cao chất lượng lưới điện, phát hiện và xử lý kịp thời các tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện… Bên cạnh đó, Công ty cũng đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc thống nhất phương án bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm; bám sát lịch xả nước của EVN để tập trung lấy nước, trữ nước phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng; tránh lãng phí nước... Được biết hệ thống trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc gồm 14 trạm bơm đầu mối lấy nước từ sông Hồng và sông Lô cùng với 341 trạm bơm nội đồng, trong đó tổng công suất trạm bơm đầu mối là 4.505 kW. Các trạm bơm này và hệ thống kênh mương dẫn nước sẽ cung cấp nước cho trên 40.000 ha đất nông nghiệp.
Tại Hưng Yên, tổng số diện tích gieo trồng năm nay là 34.430 ha. Để phục vụ cấp điện, lấy nước, Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) đã xây dựng phương án, chỉ đạo các điện lực triển khai quyết liệt. Cho đến nay, công ty đã thực hiện thí nghiệm định kỳ xong 100% trạm biến áp phục vụ bơm (153 trạm); xử lý xong các khiếm khuyết các trạm biến áp bơm cũng như lưới điện trung hạ áp.
Đánh giá về công tác cấp điện của các Công ty Điện lực trung du và đồng bằng Bắc bộ do EVNNPC quản lý,… đại diện ngành nông nghiệp tỉnh cho biết đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp vô điều kiện từ phía ngành điện.
Ông Lê Quang Thái – Phó Tổng giám đốc EVNNPC cũng chia sẻ, với vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cấp điện cho các địa phương miền Bắc, Lãnh đạo Tổng công ty đã có văn bản chỉ đạo các công ty Điện lực trực thuộc chuẩn bị, sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống, cam kết cấp đủ điện với chất lượng an toàn, ổn định cho các trạm bơm trong cả 3 đợt lấy nước vụ Đông Xuân 2017-2018. Hiện nay, các Công ty Điện lực đều đã chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, cấp điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động theo kế hoạch đăng ký của các Công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; trong thời gian xả nước phục vụ đổ ải, Công ty Điện lực tỉnh cũng như các Điện lực huyện đều bố trí ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện để phối hợp và giải quyết nhanh sự cố nếu xảy ra nhằm đáp ứng việc sửa chữa lưới điện nhanh nhất, tốt nhất cho các trạm bơm.. Tuy nhiên, EVN và Tổng công ty Điện lực miền Bắc rất mong có sự vào cuộc chặt chẽ, hiệu quả của chính quyền địa phương các tỉnh cũng như các công ty thủy nông, trạm bơm đầu mối… trong việc lấy đủ nước cho bà con canh tác, nhưng không để lãng phí nguồn tài nguyên nước.