Ảnh minh họa.
Theo đó, VCCI cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh việc thẩm định và phê duyệt bổ sung quy hoạch điện gió để kịp triển khai theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (về cơ chế hỗ trợ phát triển các Dự án điện gió tại Việt Nam). Xem xét gia hạn thời hạn thực hiện Quyết định 39 đến hết 31/12/2023 vì nhiều dự án đang bị chậm tiến độ do thủ tục về quy hoạch và giải phóng mặt bằng bị kéo dài, các nhà cung cấp tua-bin điện gió từ châu Âu đang tạm dừng sản xuất
Đặc biệt, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng được giảm yêu cầu về vốn tự có khi đi vay vốn (hiện là 30%- 40% giảm xuống 15-20%) để có thể đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là trong điện gió, điện mặt trời để phục vụ an ninh năng lượng, chuyên gia nước ngoài khó khăn trong việc đi lại và nhập cảnh vào Việt Nam.
VCCI cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp mạnh hơn để khuyến khích các ngân hàng thương mại thực hiện giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau. Hình thức là thông qua các biện pháp tái cấp vốn, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng… để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có nguồn vốn giá rẻ hơn để cho doanh nghiệp vay, mở rộng các biện pháp bảo đảm cho vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng loại hình doanh nghiệp.
Đồng thời, có chỉ đạo sâu sát để các ngân hàng thương mại thực sự sát cánh, thông cảm, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vì bản chất mối quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, cùng tồn tại và phát triển. Cần tăng cường áp dụng các phương thức bảo lãnh tín dụng để bảo đảm cho doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay tốt nhất.
Kim Thái