Diễn đàn năng lượng

Vân Đồn sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050?

Thứ hai, 13/11/2017 | 15:26 GMT+7
Vân Đồn cũng không phải là ngoại lệ khi mong muốn trở đặc khu đáng sống, thông minh, xanh và sạch.
 
Việt Nam là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào trên thế giới. Ảnh minh họa.
 
Phát triển kinh tế đi cùng với bảo vệ môi trường đã trở thành một lựa chọn hiển nhiên của mỗi quốc gia, mỗi thành phố. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định điều này khi thông qua chương trình "Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020". 
 
Nếu coi nền kinh tế là một dây chuyền sản xuất thì năng lượng là một mắt xích tối quan trọng, nên yêu cầu phát triển kinh tế xanh không thể tách rời với thách thức giảm mức độ ô nhiễm môi trường khi sản xuất điện năng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam với điều kiện địa lí thuận lợi, tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là gió và mặt trời là rất dồi dào so với thế giới. Tận dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo này cho nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam dường như là một lựa chọn tất yếu trước thách thức về nhu cầu điện năng ngày càng gia tăng. Mặc dù vậy, cho đến hiện tại, số lượng dự án được thực hiện vẫn còn rất khiêm tốn, và nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư. Nói một cách đơn giản hơn, điện gió và điện mặt trời được cho là... đắt, là một cuộc chơi của những nước "giàu".
 
Liệu điện gió và điện mặt trời có thực sự đắt? Cách tính giá thành có thực sự công bằng đối với các phương thức sản xuất khác nhau không?
 
Hãy nhìn vào công thức tính giá thành của một nhà máy điện dưới góc nhìn của một nhà đầu tư: đó là tỉ lệ giữa tổng các chi phí đầu tư và vận hành trên tổng lượng điện năng thu được trong vòng đời của dự án. Thời gian này có thể ngắn dài tùy theo mỗi công nghệ khác nhau. Ví dụ các dự án điện mặt trời và gió là 20 năm, còn các nhà máy điện hạt nhân hay thủy điện là 40 năm.
 
Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của một nhà máy điện không gói gọn trong việc sản xuất điện năng trong thời gian vận hành của nhà máy. Để có một cái nhìn tổng thể, cần xem xét một cách toàn diện hơn vai trò và ảnh hưởng của mỗi mô hình sản điện đối với con người, cảnh quan, môi trường và xã hội trong một quá trình dài, bao gồm cả vòng đời của nhà máy điện, trước, trong và sau thời gian vận hành.
 
Năng lượng hạt nhân với thời gian vận hành dài, rất ít khí thải, giá thành thấp, đã từng là lựa chọn tối ưu trong nhiều thập kỉ của nhiều nước công nghiệp có thế mạnh về công nghệ nguyên tử. Tuy nhiên gần đây, những cường quốc điện hạt nhân như Pháp và Đức đang phải đối đầu với khoản chi phí khổng lồ để tháo dỡ những lò phản ứng hết hạn sử dụng. Phần lớn chi phí này đã bị «bỏ quên» khi hạch toán giá thành điện hạt nhân. Tại Pháp chưa có dự án tháo dỡ các nhà máy điện hạt nhân nào được hoàn thành đúng hạn. Ngoài các trường hợp việc tháo dỡ kéo dài hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, nhiều dự án tháo dỡ đã bị đẩy lùi do thiếu kinh phí. Như vậy nguồn điện hạt nhân, rẻ, sạch, ổn định và là niềm tự hào của người Pháp cuối cùng đã không rẻ đến vậy.
 
Thêm vào đó, nếu xét đến các nguy cơ liên quan đến các sự cố điện hạt nhân, tuy rằng rất thấp nhưng đã từng xảy ra tại Ucraina và Nhật vào những năm 1986 và 2011, chi phí bảo hiểm rủi ro và ảnh hưởng cho con người và môi trường xung quanh một nhà máy điện hạt nhân nếu được tính đầy đủ cũng sẽ rất lớn.
 
Sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí có ưu điểm vượt trội là chi phí đầu tư ban đầu thấp. Đó thường là lựa chọn của những nước có nguồn tài nguyên hóa thạch dồi dào hoặc hạn chế về năng lực đầu tư.
 
Nhưng thực sự năng lượng điện này có rẻ không? Trái với điện hạt nhân, chi phí bảo trì và tháo dỡ cùng với những rủi ro nếu có tai nạn của nhiệt điện thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhà máy nhiệt điện thải ra nhiều khí, bụi, khói và nhiệt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái xung quanh. Thêm vào đó là các tác động gián tiếp như việc tạo ra hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu toàn cầu và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Nếu tất cả những yếu tố này được tính đến, nhiệt điện cũng sẽ không hề rẻ nữa.
 
Thủy điện đã từng là sự lựa chọn hàng đầu và ưu việt cho những nước có địa hình thuận lợi như Việt Nam, với rất nhiều sông hồ, núi và địa hình dốc. Tại thời điểm những nhà máy thủy điện đầu tiên được hoàn thành, tác động của thủy điện - với số lượng còn chưa lớn, đối với môi trường còn nằm trong phạm vi địa phương và phần nào kiểm soát được. 
 
Những năm gần đây năng lượng gió và mặt trời có tốc độ phát triển rất tốt, năm 2016 cao gấp hai lần tất cả những loại hình còn lại. Ngoài những yếu tố liên quan đến chính sách phát triển chung như thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP21 tại Paris năm 2015, sự phát triển mạnh mẽ này cũng có nguyên nhân từ yếu tố kĩ thuật: công suất mỗi cột điện gió tăng hơn, hiệu suất các tấm pin mặt trời cải thiện, giá thành của điện mặt trời và điện gió không ngừng giảm mạnh những năm gần đây và vẫn còn tiếp tục giảm, giúp chi phí đầu tư ban đầu của các nhà máy ngày càng rẻ hơn. Thậm chí, tập đoàn điện lực Pháp (EDF), cơ quan chủ quản của nhiều nhà máy hạt nhân tại Pháp đã phải nhìn nhận là điện từ năng lượng tái tạo hiện tại đã rẻ hơn điện hạt nhân thế hệ mới. Hơn nữa, nhờ sự bùng nổ của xe điện và công nghiệp 4.0, công nghệ tích trữ điện (pin lithium) và lưới điện thông minh (smart grid) cũng có những phát triển vượt bậc giúp tối ưu hóa hơn việc lưu trữ và sử dụng điện gió và mặt trời, vốn phụ thuộc vào tự nhiên và không chủ động về thời điểm sản xuất.
 
Được module hóa và không cần xây dựng nhiều hạ tầng, thời gian lắp đặt các nhà máy điện gió và điện mặt trời ngắn hơn rất nhiều so với các nhà máy điện truyền thống. Vấn đề tháo dỡ, xử lí và tái chế thiết bị dùng trong sản xuất năng lượng gió và mặt trời cũng đơn giản hơn. Hiện tại, công nghệ tái chế đã cho phép sử dụng lại đến 90% những tấm pin mặt trời đã qua sử dụng.
 
Nền kinh tế và công nghiệp năng lượng đã có đủ chiều sâu và kinh nghiệm. Hạch toán đầy đủ và chính xác giá thành điện năng sẽ nhanh chóng được chuẩn hóa và luật hóa, lúc đó, ưu điểm của năng lượng gió và mặt trời sẽ càng nổi trội. Các kịch bản năng lượng tầm nhìn 2050 đều dự báo nguồn điện mặt trời và gió sẽ đóng vai trò quan trọng trong bản đồ năng lượng toàn thế giới.
 
Trữ lượng gió tại Vân Đồn (số liệu 2016-Nguồn AVSE sử dụng phần mềm NREL)
 
Vân Đồn hiện tại với nền kinh tế nông-ngư nghiệp, khi trở thành Đặc khu Thông minh-Xanh-Sạch với mô hình kinh tế du lịch, dịch vụ, kinh tế tri thức, sẽ có nhu cầu rất lớn về điện. Hệ thống điện lưới quốc gia hiện tại đã và sẽ không đủ đáp ứng, đồng thời nâng cấp sẽ rất tốn kém do đặc thù biển-đảo của Vân Đồn. Trái lại, Vân Đồn là nơi có trữ lượng nắng tốt với hơn 1.500h/năm đồng thời có trữ lượng gió thuộc loại tốt nhất Việt Nam. Điều này càng tăng tính cạnh tranh nếu không muốn nói là điện gió và mặt trời sẽ hoàn toàn chiếm ưu thế tại đây. Nếu có sự chuẩn bị sớm đồng thời nắm bắt và làm chủ được công nghệ đã được nghiên cứu và kiểm chứng bởi các nước phát triển, Vân Đồn hoàn toàn có thể phát triển năng lượng xanh, tái tạo và đặt mục tiêu đến năm 2050 sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo, thậm chí thặng dư và có thể xuất ra những vùng lân cận.
 
Đỗ Thái Phượng – INES – Viện nghiên cứu quốc gia về năng lượng mặt trời – Pháp, Chuyên gia AVSE Global. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo: Thời báo KT Sài Gòn