Toàn cảnh Hội nghị Power & Electricity World Việt Nam. Ảnh: TN
Năng lượng tái tạo bao gồm: gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối (củi gỗ, trấu, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp), khí sinh học, nhiên liệu sinh học, và năng lượng thủy triều/đại dương/sóng.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu tăng đáng kể thị phần năng lượng tái tạo trong sản xuất điện năng. Với điện gió, khởi điểm từ công suất lắp đặt khiêm tốn 52 MW, mục tiêu đặt ra là lượng công suất này sẽ tăng lên 800 MW vào năm 2020 và 6.000 MW vào năm 2030.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2015. Đây có thể coi là nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chiến lược nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực từ xã hội, phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý để tăng dần thị phần năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia.
Song một thực tế hiện nay chỉ ra rằng mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo nhưng cho đến nay việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là tính kinh tế của nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa thực sự hấp dẫn, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ... đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng các doanh nghiệp còn khá e dè khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tại Hội nghị Power & Electricity World Vietnam, tổ chức cùng với The Solar Show Vietnam và The Wind Show Vietnam diễn ra 2 ngày 10-11.10 tại Hà Nội, vấn đề này tiếp tục được đưa ra bàn luận sôi nổi khi hàng trăm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng đều mong muốn đầu tư các dự án năng lượng tái tạo nhưng chưa tìm được lối đi phù hợp.
Trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, một doanh nghiệp tại Bình Thuận cho biết ngoài cơ chế chính sách, rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp còn e dè khi đầu tư vào năng lượng tái tạo hiện nay là những hạn chế về nguồn vốn cho vay làm dự án tại các ngân hàng.
Hiện nay, có một số chương trình hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo như: Chương trình tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước với tổng vốn 2.000 tỉ đồng, lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại 1-3%; quỹ phát triển năng lượng tái tạo; chương trình Get Fit do CHLB Đức hỗ trợ. Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ còn rất hạn chế, vì vậy, rất cần sự vào cuộc của ngân hàng và các tổ chức tín dụng để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị cũng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến từ Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippine..., những doanh nghiệp này rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam do thị trường năng lượng Việt Nam độc đáo hơn các nước khác. Đây là một khu vực phát triển nhiều công nghệ, thủy điện, điện nhiệt...
Chỉ ra thách thức khi đầu tư vào một dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, một doanh nghiệp đến từ Đức cho rằng khó khăn nhất chính là việc chọn địa điểm, mặc dù nguồn tài chính cũng là yếu tố rất quan trọng. Nếu địa điểm không phù hợp sẽ dễ dẫn đến rủi ro, chi phí cao hơn. Vì vậy, công ty cần phải đưa ra đánh gia ngặt nghèo khi lựa chọn địa điểm và xác định làm được ở đâu.
Để tiếp nối chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, trong giai đoạn 2014-2018, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) sẽ thực hiện Dự án hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam. Dự án có tổng ngân sách là 6.900.000 Euro, được ủy quyền bởi Liên bang Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức.
Dự án bao gồm 3 lĩnh vực hành động: Thứ nhất là Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng nâng cao khung pháp lý. Thứ hai là giải quyết nhu cầu về kỹ thuật, tài chính và thực hành. Thứ ba là hợp tác công nghệ hướng tới tạo điều kiện tạo quan hệ hợp tác đối tác giữa hai nước.