Tin trong nước

Văn hóa doanh nghiệp: Chìa khóa để Doanh nghiệp trường tồn

Thứ tư, 15/9/2010 | 11:07 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng thành công những chuẩn mực như thương hiệu, tiêu chuẩn, sản phẩm, tác phong nhân viên… bỗng giật mình nhìn lại và nhận ra rằng, đó vẫn chưa phải là văn hóa riêng của DN mình. Xây dựng văn hóa DN sẽ còn rất nhiều gian nan bởi nó ẩn chứa rất nhiều yếu tố, cả hữu hình và vô hình, không phải cứ muốn là thực hiện được.

Văn hóa DN ẩn chứa tâm linh 

Ảnh: Internet
Tính tâm linh trong văn hóa DN là điều khó hiểu bậc nhất trong quá trình xây dựng nó. Đến bây giờ, người ta vẫn không thể hiểu tại sao người Nhật lại cực kỳ hà khắc trong cách hành xử nội bộ, cấp dưới phải cúi đầu chào cấp trên, làm việc suốt đời và cống hiến trọn vẹn… Văn hóa kinh doanh trong một tổ chức đã tiến đến mức độ cao nhất, trở thành một thứ Đạo, mà từ thế hệ này tới thế hệ khác tôn sùng và làm theo.


Tại Việt Nam, các DN dường như mới chỉ quan tâm tới xây dựng văn hóa ở vẻ bề ngoài, mà quên đi việc tạo ra một “Đạo kinh doanh” riêng cho mình. Đạo kinh doanh đó được xây dựng trên nền tảng giá trị và niềm tin mạnh mẽ, từ đó những quy tắc ứng xử của những người trong nội bộ cũng sẽ theo cái Đạo ấy mà hình thành. Khi tổ chức đó cấy được những yếu tố tâm linh của Đạo kinh doanh, nếu được duy trì một cách khôn khéo, con người bên trong nội bộ sẽ giống như những con chiên hay những môn đồ của Phật giáo, tinh thần họ đều hướng tới một mục đích chung của tổ chức, tìm ra phương hướng thống nhất để hoàn thiện bản thân. Xây dựng được Đạo trong tổ chức cũng giống như xây dựng cho nhân viên phải thực hiện nghiêm ngặt những quy tắc để hoàn thiện mình.

Văn hóa DN bắt nguồn từ những giá trị

Giải thích một cách đơn giản, giá trị là một cái gì đó mà người ta cảm thấy quan trọng, có ích. Cụm từ “quan trọng” và “có ích lợi” là rất đáng lưu tâm trong xây dựng văn hóa DN. Bởi lẽ, ban lãnh đạo sẽ rất khó xây dựng văn hóa DN nếu không truyền đạt được những ích lợi mà văn hóa DN đem lại. Nhân viên cần được giáo dục nhận thức rằng, việc đeo thẻ nhân viên, mặc đồng phục thể hiện sự tự hào là thành viên của DN, và có ích cho công việc của họ, chứ không phải mang những thứ đó để làm quảng cáo.

Vậy những giá trị nào là hợp lý và giá trị nào là không hợp lý? Điều này tùy thuộc nhiều vào từng tổ chức, nhưng tựu chung lại, có một số giá trị được đề cao trong nội bộ tổ chức ở Việt Nam, đó là:

- Sự thành thực: Nói thật, không gian dối, cam kết thực hiện những gì mình hứa hẹn và đảm bảo đúng những gì mình sẽ thực hiện.

- Sự tự giác: Mức độ sẵn sàng với công việc, không ngại khó khăn, làm việc hết mình vì lợi ích của tổ chức.

- Sự khôn khéo: Biết nói những gì cần nói, hỏi những điều cần hỏi, tranh luận những điều đáng tranh luận và sắp xếp những gì hợp lý nhất.

Ngoài ra, còn một số giá trị khác được đề cập tới như sự tự tin, sáng tạo… Những giá trị này sẽ là nền tảng định hướng cho văn hóa của DN.

Văn hóa DN giữa cái “chung chung” và cái “cụ thể”

Một điểm yếu trong quá trình xây dựng văn hóa DN ở Việt Nam đó là tính “chung chung” trong việc xây dựng. Lãnh đạo không thể nói chung chung rằng, mọi thành viên trong DN đều phải thanh lịch, trang trọng hay lịch sự, mà nhân viên cần phải được chỉ bảo cặn kẽ từng lời ăn, tiếng nói cho đến cách thức đi lại. Văn hóa DN bắt nguồn từ những gì nhỏ nhặt nhất, lý thuyết là thế nhưng không phải ai cũng hiểu được, nhiều trường hợp hiểu được nhưng lại coi đó là nhỏ nhặt và không tập trung thực hiện.

Để thực hiện được văn hóa DN thì mọi quy tắc, hành vi cần phải được quy định rất chi tiết và cụ thể, chẳng khác nào dạy trẻ học lễ nghĩa thời xưa. Nếu trẻ cần phải khoanh tay chào, học cách nói vâng dạ và rành mạch, thì hiện nay trong các tổ chức, văn hóa phải được thống nhất từ cách trả lời điện thoại, cách cúi chào, động tác bắt tay, cách thức tranh luận… Kết hợp với sự đồng thuận của mọi cá nhân trong tổ chức và sự áp đặt thành các nội quy, văn hóa mới có thể dần dần hình thành, đến một mức nào đó, tổ chức coi một số giá trị là quy chuẩn, là “thức ăn” hàng ngày, không thể thiếu được trong quá trình hoạt động.

Văn hóa DN có vô vàn hình thức biểu hiện, nhưng lưu ý rằng, văn hóa DN không phải thực hiện trong ngày một ngày hai, nó có thể kéo dài hàng thập kỷ. Việc xây dựng văn hóa DN không phải là một khẩu hiệu, nó phải được sự vun đắp của từng cá nhân trong DN. Xây dựng văn hóa là chìa khóa để DN được trường tồn.

Nhiều lãnh đạo đã mắc lỗi khi áp đặt văn hóa mà không khơi gợi nhận thức của nhân viên với các giá trị văn hóa. Nếu không giảng giải được cặn kẽ hệ thống các giá trị văn hóa của DN có ích lợi gì với nội bộ tổ chức, tất yếu mọi hình thức triển khai chỉ là phong trào.

Theo: TCĐL số 8/2010