Đề tài được lên ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu từ năm 2005, đến năm 2010 Hội đồng nghiệm thu cấp Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã cho phép triển khai ứng dụng trên lưới truyền tải điện 220-500kV. Nhằm đảm bảo các tiêu chí về tăng cường độ tin cậy cho hệ thống điện, giảm tổn thất điện năng trên lưới, cải thiện điều kiện làm việc, an toàn và tăng năng suất lao động, đầu năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ra quyết định ban hành “Quy trình vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao” để áp dụng rộng rãi trên toàn hệ thống lưới điện Việt Nam.
Giảm thời gian phải cắt điện để vệ sinh sứ nhiễm bẩn là mục tiêu đạt được đáng kể đầu tiên của đề tài “Vệ sinh cách điện hotline”. Kỹ sư Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) - chủ nhiệm đề tài nhớ lại: thời điểm năm 2005 ghi nhận áp lực truyền tải điện cao giữa 2 miền Bắc - Nam, nhất là vào các cao điểm mùa khô. Làm sao để giảm số lần phải cắt điện trên các đường dây để vệ sinh sứ nhằm giảm các sự cố trên lưới điện 220-500kV do PTC3 quản lý, vận hành là yêu cầu đặt ra cho các cán bộ, kỹ sư và công nhân của PTC3. Bởi, hầu hết lưới điện do công ty quản lý, vận hành chạy dọc theo dãy Trường Sơn và vùng núi cao ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thời tiết khí hậu ở đây khắc nghiệt, mưa nhiều, độ ẩm cao, người dân thường xuyên đốt nương làm rẫy cộng với bụi đất đỏ bazan nên nhiều rêu, bụi bẩn bám chặt trên sứ cách điện của đường dây và trạm biến áp. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho hệ thống điện. Khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi như: Sương muối, mưa phùn sẽ phát sinh phóng điện vầng quang, nếu không xử lý vệ sinh kịp thời sẽ có nguy cơ phóng điện tràn, ngắn mạch, gây sự cố đường dây, làm suy giảm khả năng cách điện, tăng tổn hao công suất trên lưới, gián đoạn cung cấp điện của hệ thống. Bảo đảm cho hệ thống lưới điện vận hành an toàn, liên tục, tránh được sự cố trong điều kiện luôn phải làm việc với cường độ cao thì việc tìm ra biện pháp vệ sinh lưới điện an toàn là vô cùng quan trọng.
Vệ sinh cách điện hotline chính là cách vệ sinh lưới truyền tải điện cao áp đang mang điện bằng nước áp lực cao. Loại nước này được các kỹ sư nghiên cứu làm sạch, tách bỏ hoàn toàn các tạp chất, khử ion để không còn khả năng dẫn điện. Ông Nguyễn Kim Đồng - Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết, việc sử dụng công nghệ vệ sinh sứ hotline còn giúp giảm thời gian, chi phí và tổn thất điện năng trong quá trình quản lý, vận hành lưới điện. Ông Đồng cho biết, chi phí vận hành hotline không tốn kém nhiều do nước lấy từ nguồn nước sinh hoạt đưa qua hệ thống lọc đủ điều kiện cách điện, chỉ tốn chi phí xăng dầu cho thiết bị xịt nước.
Ông Nguyễn Văn Thoại - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 3, thành viên của Đề tài “vệ sinh sứ hotline” quả quyết, việc cắt điện đường dây truyền tải luôn gây bất lợi cho vận hành hệ thống, đặc biệt là đường dây 500-220kV, nếu tách lưới sẽ tăng nguy cơ mất ổn định và thiếu nguồn cho phụ tải. Vệ sinh sứ hotline đã khắc phục hoàn toàn vấn đề này. Ông Thoại cho biết, đề tài vệ sinh sứ hotline đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Thứ nhất là giảm thời gian cắt điện trên lưới để bảo đảm cung cấp điện ổn định vì việc thay đổi kết cấu lưới khi cắt điện một đường dây có thể làm tăng tổn thất trên hệ thống cũng như không đảm bảo cung cấp điện theo tiêu chí n-1. Thứ 2 là khi vệ sinh hotline được ở trên đường dây cũng như trong TBA còn giúp giảm được dòng rò, giảm được tổn thất qua dòng rò chạy qua chuỗi sứ hoặc thiết bị. Thứ 3 là giảm được công sức lao động. "Thay vì trước đây trên một đường dây chúng tôi phải cắt điện 2 lần/năm thì nay chỉ phải cắt điện 1 lần/năm để làm những chỗ mà thiết bị công nghệ rửa sứ hotline không vào được. Như vậy là tiết kiệm được nhiều chi phí"- ông Thoại cho biết.
An toàn cho người lao động vận hành đường dây là cái được lớn nhất của đề tài “vệ sinh cách điện hotline” mà ông Huỳnh Xắng, công nhân thợ nghề bậc 6/7 Công ty Truyền tải điện 3 - người gắn bó với công việc vận hành đường dây suốt hơn 30 năm qua, khi kinh qua cả việc lau rửa sứ thủ công và hotline cho biết. "Ví dụ việc vệ sinh thủ công, công nhân phải leo lên một cây trụ sứ 500kV cao lắm, mà đu ra ngoài để lau sứ rất gây nguy hiểm, còn vệ sinh hotline chỉ cần đứng dưới xịt nước lên thôi, an toàn lắm, không cần cắt điện. Nước thì được làm sạch hoàn toàn rồi mới sử dụng nên rất yên tâm".
Cụ thể, theo ông Nguyễn Đình Thọ - Trưởng ban An toàn, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNP), việc nghiên cứu và ứng dụng thành công đề tài “vệ sinh lưới truyền tải điện đang mang điện bằng nước áp lực cao trên lưới điện” thời gian qua đã giảm đáng kể số lượng lao động so với cách vệ sinh thủ công, đồng thời, giúp đảm bảo an toàn cho công nhân vận hành lưới điện. "Việc trèo lên cột không tốn nhiều thời gian nhưng việc di chuyển các cột với nhau trên tuyến ở độ cao lớn thì mất thời gian và nguy hiểm cho anh em. Việc vệ sinh hotline có ưu điểm là bảo đảm an toàn cho người và thiết bị, hơn nữa lại tiết kiệm được khối lượng lao động rất lớn, góp phần vào việc tối ưu hóa chi phí".
Với các mục tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm số lần mất điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn trong lao động, ngoài việc ứng dụng trên lưới điện 220-500kV, EVN đã mở rộng áp dụng công nghệ vệ sinh sứ cách điện hotline trên cả hệ thống lưới điện phân phối từ 22kV-110kV. Không chỉ cho các kết quả thực tế trong quá trình sử dụng, việc áp dụng công nghệ “vệ sinh sứ cách điện hotline còng khẳng định một môi trường lao động phù hợp với xu thế tất yếu của một nền công nghiệp hiện đại. Đề tài này được tiến hành thử nghiệm trong suốt 5 năm qua, đến tháng 3 năm 2015 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra quyết định ban hành “Quy trình vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao” áp dụng rộng rãi trên quy mô toàn Tập đoàn. Đề tài này cũng đã được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2012.