Sự phát triển không đồng đều giữa thị trường năng lượng và nguyên liệu là trung tâm của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại Trung Quốc. (Nguồn: Reuters).
Kỳ vọng “chơi vơi”
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đã gọi Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) là “cơ hội cuối cùng, tốt nhất” để thế giới ngăn ngừa tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu. Vào tháng 7, Chủ tịch COP 26 Alok Sharma tuyên bố rằng hội nghị sẽ “đưa điện than thành một phần lịch sử”.
Tuy nhiên, kỳ vọng của các nhà lãnh đạo thế giới về hội nghị này đã bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc và đã lan rộng sang nhiều châu lục cuối mùa Hè vừa qua.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ đầu năm nay, khi hoạt động kinh tế toàn cầu hồi sinh tạo ra nhu cầu điện tăng cao ở các tỉnh ven biển Trung Quốc, nơi đặt nhiều nhà máy lớn nhất của đất nước châu Á. Đồng thời, nhu cầu năng lượng tăng vọt ở các quốc gia dần kiểm soát tình hình dịch bệnh, cũng như căng thẳng địa chính trị khiến các nước áp đặt các hạn chế đối với nguồn cung cấp nhiên liệu xuyên biên giới.
Thậm chí, khi COP26 khai mạc, có ý kiến đã bày tỏ quan ngại rằng các chính phủ sẽ buộc phải ưu tiên đảm bảo an ninh năng lượng thay vì phát triển năng lượng sạch và do đó, đi ngược lại với các cam kết của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi những yếu tố riêng lẻ như vậy có thể ảnh hưởng tới nguồn cung trên thị trường dầu mỏ, thiếu hụt năng lượng lại phản ánh hạn chế của thể chế và cơ sở hạ tầng về năng lượng tại Trung Quốc, vốn trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nếu suy xét và nghiên cứu đầy đủ về cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc, tính từ thời điểm nó xuất hiện lần đầu cho đến khi tình trạng thiếu điện lan rộng ở nhiều thành phố, các quốc gia có thể rút ra những bài học hữu ích, đặc biệt là với những nước chỉ mới bắt đầu xuất hiện tình trạng khủng hoảng năng lượng hậu đại dịch.
Áp lực và rào cản
Thực tế cho thấy ngành năng lượng Trung Quốc luôn ở trong tình trạng quá tải.
Vào giữa tháng 9, thời tiết ấm áp bất thường ở miền Nam và giá lạnh ở miền Bắc Trung Quốc đã khiến nhu cầu điện tăng mạnh, đẩy ngành năng lượng nước này đến ngưỡng nguy hiểm. Nhiều nơi phải đưa ra phương án thích ứng với hạn chế sử dụng điện. Đầu tháng 11, các hạn chế này về cơ bản đã được bãi bỏ, song Trung Quốc vẫn chưa thoát khó khi nhu cầu sưởi ấm mùa Đông lại đặt gánh nặng lớn cho ngành điện.
Tại sao lại có tình trạng này? Sự phát triển không đồng đều giữa thị trường năng lượng và nguyên liệu của Trung Quốc là trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bắc Kinh đã bắt đầu kế hoạch tự do hóa thị trường than cách đây 20 năm, cho phép giá cả tăng và giảm theo nhu cầu trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát nguồn cung. Tuy vậy, kế hoạch này lại được được thực hiện ngắt quãng trong nhiều năm.
Năm 2002, Thủ tướng Trung Quốc khi đó, ông Chu Dung Cơ đã phá thế độc quyền cung cấp điện của các tập đoàn nhà nước và kêu gọi đa dạng hóa nhà cung cấp, hình thành thị trường cạnh tranh. Song lời kêu gọi này đã rơi vào quên lãng khi ông rời nhiệm sở.
Khi lợi nhuận khai thác than xuống thấp nhất lịch sử vào đầu năm 2016, Bắc Kinh đã vào cuộc và giảm mạnh nguồn cung, khiến giá than tăng gần gấp đôi trước cuối năm. Các nhà hoạch định trung ương đã thiết lập một “vùng xanh” với giá than 500–570 NDT/tấn (tương đương 78– 90 USD), cho phép cả nhà sản xuất than và điện đều có lợi.
Một người đàn ông Trung Quốc ăn nốt bát mỳ của mình dưới ánh đèn leo lét từ điện thoại sau khi căn phòng mất điện. (Nguồn: AP).
Kể từ năm 2015, thị trường tự do cho ngành điện đã được xác lập. Tuy nhiên, khả năng hoạt động hiệu quả của thị trường này thường bị cản trở bởi thiết chế mang tính hệ thống từ trước và ưu tiên của địa phương.
Sản xuất điện được điều chỉnh bởi một “hệ thống kép”. Theo đó, điện được bán theo kế hoạch chính phủ phân bổ gần với mức giá chuẩn do cơ quan trung ương quy định, hoặc bán cho các thị trường địa phương với mức giá trần thấp.
Cũng vì vậy, các nhà máy phát điện than gặp trở ngại trong việc tăng giá bán cho người tiêu thụ. Khi giá than tăng như trong những tháng gần đây, các nhà máy phát điện phải xoay sở bằng cách giảm lượng dự trữ hoặc cắt điện để tránh sản xuất bị thua lỗ.
Việc giảm năng suất đồng nghĩa rằng nguồn cung khó có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường hơn. Sản lượng than trên thực tế đã giảm 0,9% trong tháng 9 so với một năm trước, dù giá than tăng mạnh, đạt con số kỷ lục hơn 2.000 NDT/tấn.
Nhập khẩu than của Trung Quốc chiếm khoảng 10% lượng tiêu thụ toàn quốc và thường giúp giải quyết sự biến động nguồn cung nội địa. Tuy vậy, lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Australia đã khiến tình trạng thiếu điện cục bộ của Trung Quốc trầm trọng hơn vào mùa Đông năm ngoái. Khi đó, Bắc Kinh buộc phải tăng sản lượng khai thác lên 220 triệu tấn/năm và nối lại nhập khẩu than từ Canberra một cách không chính thức.
Cam kết bỏ ngỏ
COP26 đã kết thúc hai tuần trước với một lượng lớn các quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0. Nếu được tuân thủ đầy đủ, cam kết này có thể làm giảm sự nóng lên toàn cầu ở mức gần với mục tiêu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Văn kiện đàm phán không quy định cụ thể về việc loại bỏ than đá, song kêu gọi các quốc gia quay trở lại COP27 vào năm tới với tầm nhìn năm 2030 rộng mở hơn.
Song các quốc gia sẽ thực hiện cam kết của mình trong thập kỷ tới như thế nào vẫn là dấu hỏi lớn.
Trong khi đó, Trung Quốc cam kết sử dụng than ở mức cao nhất vào năm 2025 và sau đó giảm dần. Với nhiều cuộc khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đang diễn ra và chi phí của các giải pháp thay thế carbon đang giảm xuống, Trung Quốc và các quốc gia khác có thể bứt phá bằng cách ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đầy rủi ro, xây dựng cơ sở hạ tầng cho năng lượng xanh và ủng hộ thể chế liên quan.
Cắt giảm khí thải carbon cần là hành trình, thay vì trở ngại, để kiểm soát các chu kỳ biến động giá cả trong tương lai, tăng cường an ninh năng lượng toàn cầu.
Có ý kiến quan ngại rằng nhiều nước sẽ phải ưu tiên đảm bảo an ninh năng lượng trước tiên thay vì phát triển năng lượng sạch và đi ngược lại cam kết của mình. |