Tin trong nước

Nhiệt điện Ô Môn I sẽ chuyển sang chạy khí

Thứ sáu, 22/9/2017 | 09:34 GMT+7
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I của Trung tâm điện lực Ô Môn, thành phố Cần Thơ sẽ chuyển sang chạy khí vào năm 2021, thay vì là dầu FO (hay còn gọi là dầu Mazut) như hiện nay, theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ.
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I sẽ chuyển sang sử dụng khí từ năm 2021. Ảnh: Trung Chánh.
 
Báo cáo tóm tắt tình hình đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện tại thành phố Cần Thơ của Sở Công Thương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm điện lực Ô Môn đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (tổ máy 1 và 2) có công suất 660 MW. Nhiên liệu được sử dụng để vận hành nhà máy này là dầu FO. “Dự kiến 2 tổ máy của nhà máy nhiệt điện Ô Môn I sẽ chuyển sang chạy khí vào năm 2021”, báo cáo của Sở Công Thương Cần Thơ viết.
 
Khi chuyển sang sử dụng khí, nhà máy nhiệt điện Ô Môn I sẽ nhận nguồn khí cung cấp từ lô B tại vùng biển Tây Nam dẫn về với nhu cầu sử dụng khoảng 0,95 tỉ m3/năm.
 
Trao đổi với TBKTSG Online về thông tin nhà máy nhiệt điện Ô Môn I sẽ chuyển sang chạy khí, ông Ngô Việt Hoàng, Phó ban quản lý đầu tư xây dựng của Tổng công ty phát điện 2 (EVNGENCO2) - đơn vị đang vận hành nhà máy nhiệt điện Ô Môn I - nhận định, hiện nay giá dầu đang lên cao nên nếu đốt dầu để phát điện sẽ phải bù lỗ cho giá dầu, dẫn đến việc vận hành nhà máy không hiệu quả. Theo quy hoạch được phê duyệt của nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, thì bộ đốt của dự án là bộ đốt hỗn hợp, tức có thể chạy bằng dầu và cũng có thể chạy bằng khí.
 
Chính vì vậy, ông Hoàng cho biết, trong trường hợp giá khí rẻ hơn giá dầu, thì việc chuyển đổi sang chạy khí cho dự án cũng là điều hợp lý. “Vấn đề quan trọng hiện nay là phải chốt được giá khí với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị sẽ đầu tư chuyển khí từ lô B về nhà máy nhiệt điện Ô Môn I - mới có quyết định cuối cùng”, ông cho biết.
 
Ông Hoàng cho rằng, khả năng chuyển sang chạy khí là cao. “Bởi, đánh giá của một số chuyên gia cho thấy, giá khí trong tương lai sẽ giảm hơn so với giá dầu”, ông Hoàng giải thích.
 
Theo ông Trương Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc EVNGENCO2, từ năm 2021 luồng khí từ lô B sẽ về đến Trung tâm điện lực Ô Môn nói chung và nhà máy nhiệt điện Ô Môn I nói riêng. Vì vậy, nhà máy nhiệt điện này sẽ chuyển sang chạy bằng khí.
 
Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể Trung tâm điện lực Ô Môn tại quyết định số 4032/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 7-10-2016, thì trung tâm điện lực này có quy mô 4 nhà máy với tổng công suất 2.910 MW. Trong đó, nhà máy nhiệt điện Ô Môn I có công suất 660 MW; nhà máy nhiệt điện Ô Môn  II có công suất 750 MW; nhà máy nhiệt điện Ô Môn III và IV có công suất 750 MW mỗi nhà máy.
 
Báo cáo của Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, ngoài dự án nhiệt điện Ô Môn I đã đi vào vận hành, thì nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2 (nằm trong khu vực nhà máy nhiệt điện Ô Môn I) đã thực hiện giải phóng mặt bằng, san lấp và hiện đang chờ Bộ Công Thương lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao).
 
Riêng với nhà máy nhiệt điện Ô Môn III và IV, theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, công tác chuẩn bị, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), việc thu xếp vốn của dự án…, đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, thời gian qua, do tiến độ cung cấp nguồn khí đến Trung tâm điện lực Ô Môn chưa được rõ ràng nên đã tạm dừng để chờ tiến độ cấp khí chính thức từ phía PVN.
 
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ hoàn thành nhà máy nhiệt điện Ô Môn III là năm 2020, Ô Môn IV vào năm 2021 và Ô Môn II là vào năm 2026.
Theo: Thời báo KT Sài Gòn