Bảo dưỡng trạm biến áp thôn Cu Ty Chải, xã La Pán Tẩn (Mường Khương).
Việc hợp tác đã được cụ thể hóa bằng các dự án đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn với số vốn đầu tư cho lưới điện nông thôn giai đoạn 2013 - 2020 lên đến hàng triệu USD.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nguồn vốn hạn chế, nhưng với trách nhiệm, Công ty Điện lực Lào Cai đã nỗ lực, quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu 100% người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia vào năm 2020. Trong đó, mục tiêu ngắn hạn là phấn đấu đến hết năm 2017, 100% người dân huyện Mường Khương được sử dụng điện lưới quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu này, đầu năm 2016, ngành điện đã triển khai Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia tại huyện Mường Khương, với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng. Dự án có quy mô xây dựng 38,2 km đường dây trung áp (35 kV), tổng dung lượng 2.320 kVA, 37 km đường dây hạ áp (0,4 kV) và 17 trạm biến áp (35/0,4 kV), cùng hơn 800 công tơ; cấp điện cho 19 thôn, 822 hộ dân thuộc 3 xã Cao Sơn, Lùng Khấu Nhin, La Pán Tẩn. Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành, dự kiến toàn bộ 19 thôn, bản sẽ được đóng điện trong quý III/2017.
Thôn Sà San, Cu Ty Chải, Mường Lum, thuộc xã La Pán Tẩn (Mường Khương) có hơn 200 hộ dân sinh sống, tuy nhiên, đây là khu vực cách xa trung tâm xã, hiện chưa có điện lưới quốc gia. Có mặt tại thôn Cu Ty Chải, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của đội ngũ công nhân, kỹ thuật thi công nơi đây. Phần lớn những hạng mục như cột điện, đường dây, trạm biến áp, hệ thống điện sử dụng trong nhà dân đã được hoàn thành. Từng cột điện, từng mét dây đã được công nhân tỷ mỉ dựng, đấu nối, kéo đến các hộ, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, sẵn sàng đóng điện.
Gói thầu cấp điện cho 3 thôn Sà San, Cu Ty Chải, Mường Lum, thuộc xã La Pán Tẩn có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đức Hà thi công. Được biết, đây là một trong những gói thầu có mức đầu tư lớn nhất, khó thi công nhất của Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia của huyện Mường Khương. Anh Vũ Đình Tam, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Việc thi công công trình tại đây gặp rất nhiều khó khăn, do địa hình núi cao, thời tiết mưa nhiều, khối lượng đá phải đào, khoan, nổ rất lớn... ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Mặt khác, đây là khu vực nằm cách xa trung tâm xã, đường giao thông không thuận tiện, việc vận chuyển vật tư, vật liệu tốn nhiều công sức. Có những cột điện phải vận chuyển thủ công gần 25 km đường núi mới đến được khu vực thi công. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, đội ngũ công nhân, kỹ thuật của công ty đã phấn đấu thi công vượt tiến độ gần 3 tháng. Hiện khối lượng công việc đã hoàn thành 99%, chỉ còn chờ thẩm định, kiểm tra lần cuối là có thể đóng điện để người dân sử dụng (dự kiến trong quý III/2017).
Bên cạnh đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, năm 2017, ngành điện cũng đầu tư gần 200 tỷ đồng cho chống quá tải lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn lưới điện và nâng cao chất lượng phục vụ của ngành điện với khách hàng.
Ông Nguyễn Khắc Công, Trưởng phòng Quản lý - Đầu tư, Công ty Điện lực Lào Cai cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, như giải phóng mặt bằng, thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư… tuy nhiên, ngành điện vẫn luôn chú trọng phát triển lưới điện nông thôn trên địa bàn theo tinh thần hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Từ nay đến năm 2020, Công ty Điện lực Lào Cai sẽ đưa lưới điện quốc gia đến 100% thôn, bản trong tỉnh. Việc đưa điện lưới quốc gia về các xã vùng cao có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần giúp đồng bào có điện sinh hoạt, sản xuất; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng cao và vùng thấp.
Những nỗ lực đưa điện về vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của ngành điện trong thời gian qua đáng được ghi nhận và chia sẻ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm và nỗ lực của ngành điện, ánh điện đã tỏa sáng trên các thôn, bản vùng cao của tỉnh.