Tin trong nước

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng điện gió

Thứ ba, 29/11/2016 | 13:50 GMT+7
Sáng nay, ngày 29.11.2016, tại khách sạn Hilton Hanoi Opera đã diễn ra Hội thảo Năng lượng gió tại Việt Nam.
 
Hội thảo được đồng tổ chức bởi Đại sứ quán Đan Mạch và Tập đoàn Vestas nhằm chia sẻ những giải pháp kỹ thuật, chính sách và tài chính được đúc rút từ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của Đan Mạch và Việt Nam trong lĩnh vực điện gió.
 
Những ai quan tâm đến năng lượng gió đều biết, trong nhiều thập kỷ qua, Đan Mạch đã duy trì được đà tăng trưởng kinh tế mà không tăng tiêu thụ năng lượng trong khi vẫn cắt giảm được lượng phát thải khí CO2. Đan Mạch đã trở thành điển hình kết hợp song song giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội trên nền tảng một nền kinh tế xanh.
 
Đan Mạch cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới theo đuổi chiến lược xây dựng hệ thống năng lượng không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Cách đây hơn 30 năm, Đan mạch đã là quốc gia đầu tiên lắp đặt và đưa vào hoạt động các tua bin gió và cho hiện nay vẫn là quốc gia đi đầu trong ngành năng lượng gió.
 
Phát biểu tham luận tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Đan Mạch hay Cục hợp tác quốc tế CHLB Đức đều đánh giá cao tiềm năng về điện gió ở Việt Nam. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.000 km với diện tích có tốc độ gió đạt trên 6m/giây 2.681 km2, tiềm năng ước tính 24GW...
 
Mục tiêu 800 MW năng lượng gió vào năm 2020, 6.000 MW năng lượng gió năm 2030 hoàn toàn khả thi. Vestas đã ghi dấu mốc tại Việt Nam với việc hoàn tất thi công nhà máy điện gió Phú Lạc 1 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
 
Trong năm 2017, sẽ hoàn thành dự án Nhà máy điện Hương Linh 2 có công suất 30 MW trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Nhiều chính sách, cơ chế để phát triển năng lượng gió ở Việt Nam đã được bàn thảo chi tiết.
 
Từ mô hình của Đan Mạch, đến khả năng mở rộng và hòa nhập tại Việt Nam, việc hỗ trợ về mặt tài chính cũng như cam kết của Tập đoàn Vestas đã thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Hội thảo là điều kiện thuận lợi để chia sẻ kinh nghiệm và các thông lệ tốt trong quá trình thúc đẩy hợp tác về phát triển năng lượng gió trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Mặc dù năng lượng gió có nhiều ưu thế như vậy, song ở các nước kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, năng lượng gió vẫn là lĩnh vực tương đối mới, chưa phát triển và chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng cung năng lượng của nền kinh tế, dù vị thế địa lý được thiên nhiên ưu đãi về nguồn năng lượng này. 
Theo: GĐVN