Chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 24/10, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Vương quốc Bỉ đã phối hợp tổ chức hội thảo phát triển năng lượng tái tạo Bỉ – kinh nghiệm cho Việt Nam.
Hội thảo nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến sản xuất và dự trữ năng lượng tái tạo kết nối và hạ tầng hiện có; lưới nội bộ và lưới quốc gia; những hỗ trợ từ Liên minh châu Âu cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Paul Jansen, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận. Từ đó, tìm ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trong ngành năng lượng tái tạo giữa các doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
“Làm thế nào để triển khai phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, kết nối doanh nghiệp”, ông Paul Jansen cho hay.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho hay, để khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.
Cụ thể là, áp dụng giá mua ưu đãi cố định (FIT) trong 20 năm; giá bán điện được cố định theo đồng USD, thanh toán bằng VND theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán. Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên nên cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới đã triển khai thành công phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho phát điện; trong đó, có Vương quốc Bỉ.
Trên cơ sở đó, sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách cũng như đưa ra các chương trình, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ổn định, bền vững. Đồng thời, đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quốc gia và phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng toàn cầu.
Trao đổi tại hội thảo, ông Eric Franssen, Giám đốc phát triển kinh doanh của Tập đoàn John Cockerill cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế trong năng lượng tái tạo, như rác thải tại các khu công nghiệp, nhiệt sinh khối. Tập đoàn có thể hỗ trợ phía Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng sinh khối, có lượng nhiệt tương đương than đá. Ngoài ra, Tập đoàn John Cockerill cũng có thể sản xuất năng lượng tái tạo bằng cách phân tách hydro từ nước thông qua điện phân để cung cấp năng lượng cho các phương tiện giao thông, vận chuyển.
“Tại Việt Nam đang phát triển mạnh về điện gió và đó cũng là những lĩnh vực mà có thể hợp tác giữa hai bên”, ông Eric Franssen nói.
Đại diện Công ty Năng lượng xanh DEEP C cho biết, năng lượng là yếu tố chính mà các doanh nghiệp tìm kiếm khi đầu tư ở Việt Nam, họ đặt nhiều câu hỏi về các giải pháp năng lượng trong tương lai, vì sự quan ngại thiếu điện. Để có thể giảm thiểu tiêu thụ năng lượng tại khu công nghiệp, một số sáng kiến mà công ty này đang làm như: giảm các rác thải trong khu công nghiệp, có hệ thống xử lý nước thải, tuần hoàn tái sử dụng nước cho các hệ thống làm mát máy móc...
Công ty DEEP C cũng đang có các nghiên cứu khả thi, các tấm pin năng lượng mặt trời và kết quả cho thấy, khu vực miền Bắc là có đủ bức xạ để xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Đối với điện gió cũng vậy, dù kết quả không tích cực nhưng cũng vẫn đủ lượng gió để triển khai trên thực tế, để có thể thực hiện đầu tư và đảm bảo cho nhà đầu tư đủ điện trong tương lai…