Sự kiện

Xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông-Xuân 2014-2015: Đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm

Thứ hai, 19/1/2015 | 09:13 GMT+7
Từ đầu tháng 12-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc điều tiết các hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà để bổ sung thêm dòng chảy về hạ du, nâng cao mực nước các sông thuộc hệ thống sông Hồng, phục vụ lấy nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2014-2015. 


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Để đảm bảo cung cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích gieo cấy, công ty khai thác các công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch lấy nước, chủ động trữ nước vào các khu trũng và hệ thống kênh mương, thực hiện nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh; các công ty điện lực đã hoàn tất phương án đảm bảo cung cấp điện cho các điểm có máy bơm nước.
 
Xả 6 tỷ m3 nước từ các hồ thủy điện
 
EVN cho biết, để phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông-Xuân 2014-2015 cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, EVN đã sẵn sàng thực hiện theo kế hoạch xả nước từ 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà làm 3 đợt: Đợt 1 từ 7 giờ ngày 16-1 đến 24 giờ ngày 22-1 (tổng thời gian xả là 7 ngày); đợt 2 từ 7 giờ ngày 27-1 đến 24 giờ ngày 6-2 (tổng thời gian xả là 11 ngày) và đợt 3 từ 7 giờ ngày 10-2 đến 24 giờ ngày 16-2 (tổng thời gian xả là 7 ngày). Nhưng để duy trì mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội thường xuyên ở mức  2,2m trở lên, các Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà sẽ thực hiện xả đệm trước 3 ngày.
 
Để đảm bảo có đủ nước theo đúng yêu cầu, dự kiến, lượng nước xả bình quân ngày từ các hồ thủy điện khoảng 2300m3/s, với tổng lượng nước xả trong 25 ngày (cả 3 đợt) xấp xỉ 6.0 tỷ m3. Trong đó, lượng xả vào các ngày đầu mỗi đợt khoảng 2800 m3/s-2900m3/s và giảm dần vào những ngày cuối khi triều cường đã đạt mức cao, với lưu lượng được phân bổ cho các hồ thủy điện Hòa Bình bình quân là 1.795m3/s, tổng lượng xả khoảng 3,867 triệu m3; hồ Tuyên Quang bình quân là 592m3/s, tổng lượng xả khoảng 1,278 triệu m3 và hồ Thác Bà bình quân là 396 m3/s, tổng lượng xả khoảng 857 triệu m3.
 
Theo nhận định xu hướng thời tiết và thủy văn từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dự kiến lượng mưa tại khu vực Bắc bộ trong các tháng từ 12-2014 đến tháng 3-2015 sẽ thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Dự kiến, lưu lượng nước về các hồ thủy điện Tuyên Quang và Thác Bà  trong các tháng 1 và 2-2015 ở mức tần suất khoảng 65% (nước về hồ Hòa Bình phụ thuộc chủ yếu vào chạy máy của thủy điện Sơn La). Sau 3 đợt xả nước phục vụ làm đất gieo cấy vụ Đông-Xuân 2014-2015, mức nước hồ Hòa Bình dự kiến giảm 9.76m; hồ Tuyên Quang giảm 20.51m và hồ Thác Bà giảm 3.95m. Với mức nước giảm hơn 20m tại hồ thủy điện Tuyên Quang, dung tích hữu ích sẽ còn khoảng 55%.
 
Thiếu nước cục bộ ở miền núi và trung du
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ tháng 5 tới nay, đã có 14 đợt với 121 ngày nắng nóng diện rộng trên phạm vi cả nước, xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) và nhiều hơn so với cùng thời kỳ năm 2013 là 03 đợt. Nhìn chung, các đợt nắng nóng thường kéo dài từ 4-7 ngày với nhiệt độ tối cao nhiều nơi từ 39-41 độ C, có nơi trên 41 độ C. Cá biệt, có đợt nắng nóng kéo dài trên 2 tuần (cuối tháng 5, đầu tháng 6) tại Bắc Bộ và Trung Bộ; trên phạm vi cả nước đã xuất hiện 14 đợt mưa lớn từ tháng 5 tới nay, ít hơn TBNN và xấp xỉ cùng thời kỳ năm 2013. Nhìn chung, cường độ và tổng lượng mưa các đợt không quá lớn. Một số đợt mưa tiêu biểu ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, lượng mưa phổ biến từ 80-180 mm;  khu vực Bắc Trung Bộ, lượng mưa phổ biến từ 100-250mm; vùng núi Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm; …
 
Lượng mưa trên phạm vi cả nước từ đầu mùa mưa bão cho tới thời điểm này nhìn chung là thiếu hụt so với TBNN, ngoại trừ một vài nơi thuộc Tây Bắc (Lai Châu), Đông Bắc (Quảng  Ninh), Bắc Trung Bộ (Tây Nghệ An) và hầu hết khu vực Tây Nguyên.
 
Lũ tiểu mãn năm 2014 thuộc loại rất nhỏ, đến muộn so với TBNN (22/5) khoảng 6-8 ngày và chỉ xuất hiện trên thượng lưu sông Đà, sông Lô và sông Cầu với biên độ lũ từ 0,7-1,6 m. Tuy nhiên, từ tháng 6-9, trên hệ thống sông Bắc Bộ đã xảy ra khá nhiều trận lũ: Khoảng 4-5 đợt lũ trên mỗi sông trong đó có 2-3 đợt lũ vừa và lớn với biên độ lũ lên từ 4-6m ở thượng lưu các sông lớn và 10-11,5m trên các sông suối nhỏ. Mực nước đỉnh lũ trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn, sông Chảy tại Bảo Yên, sông Lô tại Hà Giang đều vượt mức báo động III; sông Lục Nam tại Lục Nam gần mức BĐ III. Lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Bôi tại Hưng Thi đều vượt mức báo động II. Lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La đạt 13.400m3/s, thuộc loại lũ lớn. Nhưng tổng lượng nước trong 5 tháng mùa lũ (tháng 5-9) trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến vẫn thiếu hụt so với TBNN:  Sông Thao tại Yên Bái: (-) 37%; Sông Lô tại Tuyên Quang: (-) 30%; Sông Đà đến hồ Sơn La: (-) 27%, đến hồ Hòa Bình: (-) 7% và hạ du sông Hồng tại Hà Nội: (-) 34%. 
 
Mực nước các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ hiện nay  ở mức gần mực nước dâng bình thường và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tổng dung tích 4 hồ lớn này hụt khoảng 373 tỷ m3 so với thiết kế (24.425 tỷ m3) và hụt 432 tỷ m3 so với cùng kỳ năm ngoái.  Mực nước các hồ thủy lợi chính ở Bắc Bộ: 12/16 hồ đã gần hoặc đạt mức thiết kế; 1/16 hồ đang phải xả tràn và chỉ có 3/16 hồ còn dưới mức thiết kế 25-48%.
 
Tại Trung Bộ và Tây Nguyên, từ tháng 6 đến đầu tháng 10, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 8 đợt lũ nhỏ; đỉnh lũ trên phần lớn các sông còn ở mức thấp. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính đều thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 20-65%, một số sông thấp hơn từ 70-80%.  Mực nước ở các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn: Phần lớn các hồ chứa từ Thanh Hóa đến Nghệ An đạt từ 60-95% dung tích thiết kế, các hồ ở Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đạt từ 90-100%, một số hồ đang tràn; riêng các hồ từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận chỉ đạt 12-35% .
 
 Mực nước ở các hồ chứa thủy điện vừa và lớn: Mực nước hầu hết các hồ ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5-4,0m, một số hồ thấp hơn rất nhiều như hồ A Vương: 29,94m, hồ Sông Tranh 2: 26,62m, hồ KaNăk: 12,97m, hồ Sông Hinh: 12,12m, Vĩnh Sơn B: 7,09m.
 
Từ tháng 6-8, ở trung hạ lưu sông Mê Kông đã xuất hiện 2-3 đợt lũ với biên độ lũ lên tại các trạm thượng lưu phổ biến từ 5-8m, tại các trạm hạ lưu là 3-5m. Đặc biệt trận lũ từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8 đã gây lũ lớn nhất năm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu: 3,95m (ngày 13/8), dưới BĐ II: 0,05m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,20m (ngày 14/8), trên BĐ I: 0,20m, đều cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,70-0,75m. Từ giữa tháng 8 đến nửa đầu tháng 10, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và hiện nay đang thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 0,8– 0,9m. 
 
Hiện nay, ENSO đang ở trạng thái trung gian nhưng nghiêng hơn về pha nóng. Khả năng xuất hiện El Nino trong vụ đông xuân 2014-2015 được đánh giá vào khoảng 50-60%. Nếu xuất hiện đây sẽ là El Nino yếu so với các El Nino đã xuất hiện trong khoảng 50 năm gần đây.
 
Dự báo, tổng lượng mưa toàn mùa đông xuân 2014-2015 tại Bắc Bộ có khả năng thiếu hụt từ 15-30% so với TBBN, còn ở Trung Bộ thiếu hụt khoảng 10-40%. Tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên sẽ ở mức xấp xỉ TBNN; ở Nam Bộ, mùa mưa năm 2014 sẽ kết thúc sớm, lượng mưa giảm hơn so với TBNN. 
 
Dòng chảy trong toàn mùa đông xuân năm 2014-2015 ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức TBNN khoảng 10-38%, trong đó các tháng cuối mùa cạn (tháng 3-4/2015) sẽ thiếu hụt khoảng 15-30%.
 
Lưu lượng trung bình mùa cạn (10/2014-4/2015) trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ ở mức 800-1200m3/s (TBNN là 1180m3/s). Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,2 – 0,3m và xuất hiện vào tháng 2 năm nay. 
 
Trong mùa cạn, khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, riêng ở vùng Đông Bắc, vùng núi phía Bắc và vùng trung du Bắc Bộ sẽ gay gắt hơn so với các vùng khác. Trong các tháng cuối của mùa cạn năm 2014-2015 sẽ xuất hiện tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện so với năm 2013 nhưng ít căng thẳng hơn so với cùng kỳ của mùa cạn các năm 2010, 2011.
 
Từ đầu năm đến nay, lượng mưa trung bình toàn vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đạt khoảng 80% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm; dung tích các hồ chứa đạt  trung bình khoảng 85% dung tich thiết kế, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10%-l5%, một số hồ lớn có mức trữ thấp như: Đồng Mô 61%, Suối Hai 35%, Tràng Vinh 48%.
 
Các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang chỉ xấp xỉ dung tích trữ thiết kế; tuy nhiên, dòng chảy đến hồ đang bị thiếu hụt so với TBNN khoảng 20%; Ngoài ra, nếu tính tổng dung tích trữ hiện tại của cả hồ chứa thủy điện trên toàn quốc, đang thiếu hụt khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2013 (do dung tích trữ các hồ chứa khu vực Trung bộ đang ở mức thấp).
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các tháng đầu năm 2015 có khả năng bị ảnh hưởng của EI Nino, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15-30% so với TBBN, dòng chảy thiếu hụt từ 15-30%, nguy cơ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, khu vực miền núi và trung du có khả năng bị nặng hơn.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Không để phát sinh yêu cầu xả nước
 
Tại Trạm quản lý công trình Liên Mạc thuộc hệ thống thủy nông liên tỉnh Hà Nội- Hà Tây-Hà Nam, điểm trực tiếp đón nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ để cung cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho Hà Nội và Hà Nam với diện tích  hơn 80.000 ha gieo cấy đã được chuẩn bị sẵn sàng với 4 trạm bơm dã chiến lớn bơm nước về các trục kênh chính là Phù Sa, Bá Giang, Ấp Bắc, Thanh Điềm và hơn 200 trạm bơm dã chiến nhỏ để bơm nước về các kênh nhỏ và ruộng; Công ty Điện lực Từ Liêm cũng đã hoàn thành việc thí nghiệm 7 trạm biến áp (Liên Mạc, Thụy Phương, Cầu Ngà, Đại Mỗ, Trung Văn và Cầu Diễn) đảm bảo vận hành an toàn, ổn định cung cấp điện phục vụ các trạm bơm nước.
 
Công ty TNHH MTV thủy lợi Sông Tích có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho  19.366 ha gieo cấy. Ngoài diện tích trên, Công ty còn phải thực hiện Công ty TNHH thủy lợi Sông Tích còn thực hiện nhiệm vụ tiếp nước vào Sông Tích từ trạm bơm Trung Hà, Sơn Đà, hồ Suối Hai Ba Vì để tạo nguồn nước tưới cho các huyện, thị hạ lưu Sông Tích với tổng diện tích đăng ký 4.250ha.
 
Đến trước ngày lấy nước, Công ty đã nạo vét xong các cửa khẩu lấy nước từ Sông Đà, Sông Hồng gồm: Minh Khánh, Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa, Xuân Phú; hoàn chỉnh nạo vét bể hút các trạm bơm, các tuyến kênh cấp 1 và 2; đắp đập dã chiến Phụ Khang trên Sông Tích dâng nước cho các trạm bơm Phụ Khang 1 và 2 (Sơn Tây) hoạt động, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất vụ Đông-Xuân. Ngoài ra, còn lắp 21 tổ máy công suất 1.000m3/h trạm dã Phù Sa, 9 tổ máy dã chiến Xuân Phú (Phúc Thọ) và 1 tổ máy Yên Sơn (Quốc Oai); chuẩn bị 3 tổ máy bơm 1.000m3/h sẵn sàng lắp đặt trạm bơm dã chiến khi trạm bơm Sơn Đà và trạm bơm Chìm Sơn Đà không hoạt động được. Công ty huy động 74 trạm bơm, 31 tổ máy tiếp nguồn đã được tu bổ bảo dưỡng đảm bảo hoạt động tốt.
 
Các Công ty Điện lực tham gia chống hạn đã kiểm tra về sinh công nghiệp  đường dây và trạm biến áp cung cấp điện cho các trạm bơm nước, đồng thời, tăng cường kiểm tra các đường dây để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng cho 3 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông –Xuân 2014-2015.
 
Do thời gian xả nước cận vào Tết Nguyên đán, phụ tải thấp, vì vậy, để phù hợp với tình hình vận hành hệ thống điện, trong các đợt xả nước, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động trữ nước và các khu trũng, hệ thống kênh mương; vận động bà con nông dân tập trung lấy nước theo đúng kế hoạch đã duyệt, không để phát sinh yêu cầu xả nước từ các hồ thủy điện. Ngoài thời gian nêu trên, cần tranh thủ các kỳ triều cường và các nguồn nước sẵn có khác để cấp nước khi đều kiện cho phép.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn