Tin thế giới

Xanh hóa điện năng ở Nhật Bản

Thứ năm, 23/3/2023 | 09:15 GMT+7
Hokkaido, tỉnh lớn nhất của Nhật Bản, với khả năng dễ tiếp cận các nguồn năng lượng sạch như gió và ánh sáng mặt trời, đang nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế khí thải nhằm đáp ứng mục tiêu quốc gia về trung hòa carbon đến năm 2050.

Kim tự tháp kính ở công viên Moerenuma được làm mát từ tuyết.

Từ năm 2012, thành phố cảng Tomakomai ở phía Nam Hokkaido đã vận hành thử nghiệm cơ sở thu giữ và lưu trữ carbon dioxide (CSS) để thu giữ lượng carbon tạo ra từ hoạt động sản xuất hydro ở một nhà máy lọc dầu lân cận, sau đó nén lượng carbon dioxide thu được và bơm vào các bể chứa dầu ngầm dưới đất. Dữ liệu chính thức cho thấy, tính đến cuối năm 2019, cơ sở CCS này đã lưu trữ 300.000 tấn carbon dioxide cho đến khi tạm dừng hoạt động.

Giải thích về lý do tạm dừng của cơ sở này, Yoshihiro Sawada, Tổng Giám đốc Bộ phận Quan hệ quốc tế của Công ty TNHH CCS Nhật Bản, cho biết: Việc thương mại hóa cơ sở CCS phải đối mặt với những thách thức trong việc giảm chi phí cũng như thiếu quy định cho ngành. Mặc dù được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, công nghệ CCS phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ một số chuyên gia tuyên bố rằng về lý thuyết, đây là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng thực tế công nghệ này còn nhiều hạn chế, cấp phép cho cách tiếp cận “đốt ngay bây giờ, trả tiền sau” chỉ có tác dụng xoa dịu cảm giác lo ngại về vấn đề khí thải hiện tại.

Dù gặp một số trở ngại về công nghệ CCS, Hokkaido vẫn cam kết sử dụng năng lượng sạch để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm từ nguồn. Với mục tiêu vừa khử carbon vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp, thành phố Ishikari đã thành lập Khu năng lượng tái tạo rộng 100ha ở vịnh Ishikari, trung tâm công nghiệp của vùng Sapporo, nơi có hơn 760 công ty và lực lượng lao động hơn 20.000 người. 

Đây là khu vực đầu tiên ở Nhật Bản sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Trong khu vực cảng mới vịnh Ishikari, có 23 turbine gió, 1 cơ sở điện sinh khối, 8 cơ sở năng lượng mặt trời quy mô lớn, tạo ra 300 megawatt (MW) điện. Trong khi đó, một nhà máy điện gió ngoài khơi 100MW đang được xây dựng, dự kiến hoạt động cuối năm nay và dự án xây một nhà máy điện sinh khối sử dụng 100% chip trong nước cũng đang được tiến hành. 

Ông Jun Kato, một quan chức địa phương phụ trách thúc đẩy năng lượng tái tạo, nói: “Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp điện từ năng lượng tái tạo cho toàn tỉnh Hokkaido”.

Ngoài các nguồn năng lượng sạch từ gió và mặt trời, tỉnh Hokkaido cũng tự hào có một loại “tài nguyên xanh” độc đáo, đó là tuyết. Tại công viên Moerenuma ở Sapporo, tuyết được sử dụng để làm mát tòa nhà kim tự tháp bằng kính Glass Pyramid, nơi du khách dừng chân nghỉ ngơi. Tuyết được lưu trữ trong mùa đông và vào khoảng tháng 6, lượng tuyết tan được bơm vào bộ trao đổi nhiệt để làm mát không khí bên trong tòa nhà đón nắng quanh năm này. 

Kể từ năm 2004, hơn 1.400 tấn tuyết đã được sử dụng để làm mát tòa nhà, qua đó ước tính giảm khoảng 30 tấn khí thải, tương đương lượng khí thải của một người tạo ra trong 89 năm.

Nhằm đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố kế hoạch Chuyển đổi xanh để tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo của Nhật Bản đến năm 2030 lên 38%. 

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ước tính đến năm 2050, khối lượng lưu trữ carbon dioxide hàng năm ở Nhật Bản đạt 120-240 triệu tấn. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy khu vực ngoài khơi của Nhật Bản có khả năng lưu trữ 16 tỷ tấn carbon dioxide.

Link gốc

Theo: SGGP