Xây dựng "đầu não" để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện

Thứ tư, 27/10/2021 | 16:16 GMT+7
Một trạm biến áp 110kV không người trực được giám sát từ xa qua camera - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
 
“Trước đây nếu ở tram gặp sự cố, chúng tôi thường biết sau và mất nhiều thời gian xử lý. Nhưng giờ đây, ngồi một chỗ chúng tôi vẫn chủ động mọi thứ”- ông Hoàng Đăng Nam nói rồi dẫn khách vào Trung tâm điều khiển để tận mắt chứng kiến.
 
Căn phòng được xem là "bộ não" của lưới điện phân phối toàn thành phố Đà Nẵng giờ đây được theo dõi hoàn toàn bởi hơn chục kỹ sư của Phòng Điều độ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng). Ít ai biết rằng để có được "cơ ngơi" tự động hóa như hiện nay, PC Đà Nẵng đã mạnh dạn đi những bước tiên phong trong mô hình xây dựng các trạm biến áp 110kV không người trực. Tiền đề mở lối cho công cuộc tự động lưới điện phân phối.
 
Tự động hóa trái tim
 
Nếu ví đường dây 110 kV là những "mạch máu" thì những các trạm biến áp chính là "trái tim" của lưới điện. Từ những "trái tim" này sẽ đảm bảo sự vận hành ổn định, thông suốt hệ thống lưới điện phân phối. Đó cũng là lý do mà Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đưa lên ưu tiên thực hiện hàng đầu chủ trương phát triển lưới điện thông minh những năm trước đây. Nhiệm vụ nổ "phát súng" đầu tiên triển khai xây dựng Trung tâm điều khiển và cải tạo, xây dựng các TBA 110kV vận hành theo mô hình không người trực được giao về PC Đà Nẵng.
 
Với quyết tâm hoàn thành lưới điện thông minh trong giai đoạn 2015 - 2020, PC Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị về nhân lực và trang thiết bị. Lúc bấy giờ ông Hoàng Đăng Nam, Trưởng Phòng Điều độ và các kỹ sư được cử tiên phong ra nước ngoài "dò đài" tìm mô hình phù hợp. Trong đó mục tiêu phải đảm bảo xây dựng được hệ thống hoạt động an toàn, chính xác với giá thành phù hợp.
 
Cùng với kế hoạch đưa hàng loạt kỹ sư đi học tập, PC Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Trung tâm điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng với các hạng mục chính như cải tạo phòng Điều khiển, xây dựng mới hệ thống máy chủ, hệ thống SCADA, hệ thống camera, hệ thống hiển thị…
 
Kỹ sư Hoàng Đăng Nam, nhạc trưởng trong mô hình xây dựng các trạm biến áp 110kV không người trực ở miền Trung - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
 
"Trong mô hình lưới điện, có lẽ việc quản lý lưới điện phân phối là vất vả và kỳ công nhất. Bởi lưới điện phân phối có quá nhiều đầu mối và số lượng đường dây phức tạp nhất. Nhiều địa phương phải quản lý từ nguồn điện ở trạm biến áp 110kV cho đến đồng hồ ghi chữ điện của hàng triệu khách hàng. Chúng tôi đi từng bước hiện đại hóa lưới điện phân phối từ trên cao xuống thấp bắt đầu từ trạm biến áp 110kV" - ông Nam nói.
 
Để tự động hóa những "trái tim" là trạm biến áp 110 kV, các kỹ sư PC Đà Nẵng phải đêm ngày xử lý các dữ liệu để đồng bộ hóa các dữ liệu. Đi tiên phong với quá nhiều đầu mối công việc, bằng sự tận tụy và trí tuệ những kỹ sư ở đây đã gỡ thành công từng nút thắt. Mục tiêu hướng tới là toàn bộ việc giám sát trạng thái vận hành và các tín hiệu cảnh báo, thu thập dữ liệu đo lường, điều khiển các thiết bị, giám sát hệ thống báo cháy và cảnh báo an ninh… đều được thực hiện từ trung tâm điều khiển trong thời gian sớm nhất.
 
Không người trực, không sai sót
 
Bởi việc tự động hóa một mô hình vận hành mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên việc xây dựng Trung tâm điều khiển (TTĐK) hệ thống điện phân phối các TBA 110 kV không người trực được các kỹ sư tính toán rất cụ thể.
 
Ngoài việc xây dựng trung tâm điều khiển, xây dựng hệ thống hạ tầng, đồng bộ hóa dữ liệu nhóm nghiên cứu đã lập các quy trình vận hành hệ thống công nghệ, vận hành và xử lý sự cố, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ…
 
Giờ đây, hệ thống lưới điện phân phối nằm gọn trong sự quản lý của các kỹ sư ở Trung tâm điều khiển - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
 
Ban đầu việc tự động hóa được thực hiện đầu tiên tại hai trạm biến áp Hòa Liên, Xuân Hà rồi tiến tới toàn địa bàn vào tháng 9-2016. Giờ đây, thông qua hệ thống thông tin SCADA và camera, các điều độ viên, nhân viên vận hành tại Trung tâm điều khiển đã có thể giám sát hoàn toàn và làm chủ trạng thái các thiết bị, các động tĩnh ở trong trạm, thu thập các thông tin đo lường…
 
Kỹ sư Võ Văn Phương, phó phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật (PC Đà Nẵng), cho biết khi tự động hóa, lợi ích rõ nét nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động. Bởi trước kia với chế độ trực 3 ca 5 kíp, mỗi trạm biến áp truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 10 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực. Khi đưa Trung tâm điều khiển vào vận hành và chuyển các trạm biến áp sang mô hình vận hành không người trực thì chỉ riêng 9 trạm TBA 110kV đã cắt giảm được gần 100 lao động.
 
Nhưng quan trọng hơn cả, việc vận hành phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng. Bởi nếu như trước kia, nhân viên vận hành tại các TBA 110kV nhận và thực hiện lệnh điều độ từ Điều độ viên lưới điện miền Trung và Điều độ viên lưới điện phân phối Đà Nẵng qua điện thoại thì nay việc này sẽ được tập trung về một đầu mối duy nhất là ở "đầu não". Nhờ đó sẽ giảm được thời gian thao tác thiết bị, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện phân phối.
 
"Không người trực, không sai sót trong quá trình chuyển và nhận lệnh. Tình trạng làm việc cũng như thông số vận hành của các thiết bị được giám sát từ một mối nên bất kỳ một tình trạng bất thường nào xảy ra cũng được kiểm soát" - anh Phương nói.
 
Anh Phương cho biết đa số các trường hợp cần phải kiểm soát như điện áp thấp, ngắn mạch…giờ đây được hệ thống công nghệ cảnh báo tự động tới các điều độ viên, nhờ đó sẽ nhanh chóng có biện pháp xử lý kịp thời để khôi phục chế độ vận hành bình thường của hệ thống, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng.
 
Bước đệm chạy đà và cuộc chuyển giao
 
Sau khi đã thành công thể hiện được năng lực qua cuộc thử lửa cán bộ kỹ thuật, kỹ sư của PC Đà Nẵng trở thành đầu mối tham khảo cho các công ty tham khảo chuyên môn. Anh Nguyễn Như Khoa Nam (kỹ sư Phòng Điều độ PC Đà Nẵng) cho biết, khi Đà Nẵng đã chạy trơn tru trên lộ trình tự động hóa lưới điện đã trở thành nơi để nhiều đơn vị quản lý lưới điện phân phối đến tham quan, học hỏi.
 
Không những đi tiên phong, công trình xây dựng Trung tâm điều khiển hệ thống điện phân phối các TBA 110kV không người trực của PC Đà Nẵng lần đầu tiên được triển khai vào thực tế ở Việt Nam trở thành nơi tham vấn cho nhiều Công ty Điện lực sau này - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
 
Những kỹ sư như anh Nam cũng sẵn sàng "đi sứ" ngoại tỉnh để giúp đồng nghiệp trong việc nắm bắt kịp thời các công nghệ hiện đại, áp dụng và phát triển trên lưới điện thực tế.
 
"Có những công việc vào thời điểm đi tiên phong tự động hóa chúng tôi phải giải quyết mất hằng tháng trời nhưng giờ khi có kinh nghiệm chúng tôi trao đổi với các anh em tỉnh bạn giảm còn một nửa thời gian để hoàn thành" - anh Nam nói.

Sáng kiến đã đưa Đà Nẵng lên "top" đầu về độ tin cậy lưới điện
 
Việc đưa vào vận hành điều khiển từ xa các TBA 110 kV không người trực đã trở thành bước chạy đà hoàn hảo để PC Đà Nẵng sớm hoàn thành việc tự động hóa lưới điện phân phối như mục tiêu ban đầu. Trong những năm qua, PC Đà Nẵng đã tiếp tục lộ trình tự động hóa thiết bị điện lưới phân phối, hệ thống đo đếm...
 
Những sáng kiến này không những giúp nâng cao chất lượng điện năng, đưa Đà Nẵng thành địa phương thuộc tốp đầu về độ tin cậy lưới điện cùng đảm bảo an ninh chính trị, phát triển kinh tế xã hội của thành phố động lực của miền Trung.
 
Đặc biệt là những cải tiến, sáng kiến liên tục được phát huy, sáng tạo mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Từ những nghiên cứu mang lại hiệu quả cao,năm 2017 nhóm đã được trao thưởng giải Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC và nhiều bằng khen các cấp.
 
 
Theo: Tuổi trẻ