Ứng dụng công nghệ kiểm soát tổn thất điện năng

Thứ ba, 5/10/2021 | 13:17 GMT+7
Tỷ lệ tổn thất điện năng là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng quản lý vận hành lưới điện. 
 

PC Đà Nẵng đầu tư nâng cấp lưới điện.
 
Giai đoạn 2016-2020, tổn thất điện năng (TTĐN) Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) giảm từ 3,22% xuống còn 2,35%, trong 5 năm giảm được 0,87%. PC Đà Nẵng là một trong các Công ty có mức tổn thất thấp nhất của Tập đoàn điện lực Việt Nam.  
 
Theo ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng, cho biết: “Để đạt được mức tổn thất điện năng theo lộ trình dự kiến cho giai đoạn 2015 – 2020, mỗi năm giảm 0,05%, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cán bộ công nhân viên Công ty trong công tác quản lý cũng như đầu tư. 
 
Bên cạnh việc thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tổn thấy điện năng thì việc kiểm soát theo thời gian thực tại các cấp điện áp góp phần quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp cụ thể. Đặc biệt, tổn thất quy đổi về ngày 1 của năm 2016 đạt 2,71%, đến năm 2020 giảm còn 1,85%. Như vậy, trung bình mỗi năm tổn thất điện năng của PC Đà Nẵng giảm 0,2% - đây là mức giảm khá ấn tượng. Số liệu này đánh giá đúng công tác kiểm soát tổn thất điện năng, thể hiện mức độ giảm tổn thất kỹ thuật và cả thương mại và cho thấy nỗ lực của Công ty trong việc thực hiện các biện pháp của Chương trình giảm tổn thất điện năng hằng năm. Trong đó, tổn thất tại các cấp điện áp 110kV, trung áp và hạ áp giảm đều qua các năm. Để đạt được kết quả đó phải kể đến các yếu tố giúp làm giảm tổn thất kỹ thuật và kinh doanh như: thực hiện tốt công tác kiểm định định kỳ, triển khai hiệu quả các biện pháp kỹ thuật vận hành, lắp đặt công tơ điện tử RF và cả việc đầu tư nâng cấp lưới điện”.
 

PC Đà Nẵng đầu tư nâng cấp lưới điện.
 
Với định hướng đo xa toàn bộ hệ thống đo đếm, từ năm 2013 PC Đà Nẵng đã hợp đồng với Công ty Tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ đo xa. Sau đó, Công ty đã xây dựng hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu công tơ (IFC) từ hệ thống đo xa. Dựa vào hệ thống này, người quản lý sẽ biết được tình trạng vận hành của thiết bị đo đếm tại các trạm biến áp 110kV và 22kV như: dòng điện, điện áp, công suất tác dụng, công suất phản kháng… theo biểu đồ 30 phút điện. 
 
Trên cơ sở hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa IFC, PC Đà Nẵng tiếp tục xây dựng 2 chương trình hỗ trợ quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành đó là Chương trình TOOS và Chương trình hỗ trợ quản lý kỹ thuật từ đo xa (AMIS). TOOS là chương trình tối ưu hóa hoạt động của máy biến áp để đưa ra giải pháp hoán chuyển hoặc san tải phù hợp. Đối với AMIS - là chương trình tổng hợp tự động theo thời gian thực, theo dõi kiểm soát các TBA/TI non tải - quá tải, TBA bất đối xứng dòng điện, TBA có cosφ thấp, thiếu bù- quá bù, đánh giá chất lượng điện áp. Đồng thời, để quản lý kiểm soát TTĐN theo thời gian thực tại các cấp điện áp, PC Đà Nẵng cũng đã xây dựng nhiều chương trình nhằm hỗ trợ công tác này. 
 
Điển hình, năm 2015, PC Đà Nẵng theo dõi tổn thất hằng ngày của lưới 110kV thông qua chương trình Hỗ trợ Quản lý kỹ thuật từ đo xa. Chương trình này đưa ra được số liệu tổn thất công suất kèm theo biểu đồ, tổn thất điện năng hằng ngày, hàng tháng của đoạn lưới và cả lưới 110kV của Công ty tại bất kỳ thời điểm nào một cách nhanh chóng. Việc theo dõi hằng ngày cũng đã giúp phát hiện và xử lý nhanh các sự cố đo đếm, gây tổn thất lưới 110kV tăng cao bất thường. 
 
Đến tháng 9/2018, PC Đà Nẵng đã xây dựng chức năng Tính toán tổn thất lưới trung áp tích hợp vào chương trình Access hỗ trợ quản lý kỹ thuật giúp thường xuyên theo dõi các xuất tuyến. Từ dữ liệu biểu đồ phụ tải 30 phút được lấy từ hệ thống đo xa, Công ty đã tổng hợp đầu nguồn trung áp: là điện thực nhận (điện nhận - điện giao) được tính trên cơ sở các điểm đo đầu nguồn cấp 22 kV (các máy cắt lộ tổng, ranh giới, một số TBA giao nhận) đã được khai báo trên chương trình Hỗ trợ quản lý kỹ thuật và trên web https://gndn.cpc.vn/ (trừ sản lượng cấp khách hàng phía 110 kV như hầm Hải Vân); Thương phẩm trung áp: tổng sản lượng/công suất các đo đếm tại TBA công cộng, chuyên dùng thuộc quản lý của Điện lực. Từ đó, Công ty đưa ra được biểu đồ tổn thất công suất hằng ngày.  
 
Đối với lưới điện hạ áp, các Điện lực trực thuộc PC Đà Nẵng đã và đang thực hiện tính toán tổn thất hạ áp TBA công cộng trên CMIS hàng tháng, các phiên ghi được thực hiện từ ngày 3 đến hết ngày 17. Đến ngày ghi chỉ số định kỳ, nếu xảy ra tổn thất TBA công cộng bất thường, Điện lực sẽ thực hiện phúc tra chỉ số của tất cả các khách hàng thuộc TBA để tìm nguyên nhân, đồng thời kiểm tra các trường hợp nghi ngờ trộm cắp điện, các trường hợp chuyển tải. Việc phát hiện như vậy thường phải đợi đến cuối kỳ ghi chỉ số (chu kỳ 1 tháng) sẽ gây ra việc chậm trễ trong xử lý khắc phục, giải trình san tải. 
 
Ngoài ra, khi điện mặt trời mái nhà phát ngược lên lưới trung áp, tổn thất hạ áp sẽ tăng cao bất thường nếu công tơ trạm không được cài đặt 2 chiều. Từ thực tế đó, tháng 5/2020 Công ty đã xây dựng chức năng tính toán tổn thất hằng ngày lưới hạ áp TBA công cộng để theo dõi các TBA có tổn thất cao trên 5%; phát hiện được điện mặt trời phát ngược lên lưới trung áp, hạ áp các trường hợp san tải gây biến động tổn thất.
 
Ông Nguyễn Đình Tuân, Phó giám đốc PC Đà Nẵng, cho biết thêm: “Các chương trình hỗ trợ quản lý kỹ thuật từ đo xa, Chương trình TOOS, chức năng tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo cấp điện áp đã góp phần mang lại hiệu quả lớn trong công tác điều hành giảm tổn thất điện năng của PC Đà Nẵng. 
Trong 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2020, tổn thất điện năng toàn Công ty cũng như các thành phần cấp điện áp đều giảm so với cùng kỳ; từ năm 2015 đến năm 2018, Công ty đã hoàn thành mục tiêu không còn các trạm biến áp công cộng có tổn thất lần lượt trên 9%, 8%, 7%, 6%.  Hiện nay, tổn thất của PC Đà Nẵng đã tiệm cận ngưỡng tổn thất kỹ thuật, do vậy khả năng tiếp tục giảm cho các năm tiếp theo là điều khó khăn. Do đó, ngoài giải pháp quản lý kỹ thuật vận hành, quản lý kinh doanh thì việc đầu tư nâng cấp lưới điện với vốn đầu tư lớn, trong điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng hạn chế là một bài toán khó của PC Đà Nẵng”.  
 
Bên cạnh những khó khăn vừa nêu, hiện PC Đà Nẵng quản lý vận hành lưới điện trong điều kiện thuận lợi như: tiếp cận sớm các công nghệ đo xa, chủ động khai thác tối đa các tiện ích quản lý kỹ thuật, kinh doanh, phục vụ điều hành giảm tổn thất điện năng có hiệu quả. Công ty có đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm quản lý tổn thất điện năng từ khâu phân tích, dự báo, tìm nguyên nhân tổn thất cao, phát hiện các trường hợp trộm cắp điện; nghiên cứu và ứng dụng tốt các đề tài khoa học, sáng kiến.  
 
Quan trọng hơn, với sự thống nhất cao, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành từ trên xuống dưới, kết hợp đồng bộ các giải pháp kỹ thuật - vận hành - kinh doanh - kiểm tra giám sát trong công tác giảm tổn thất điện năng, PC Đà Nẵng tiếp tục phấn đấu là đơn vị nằm trong top đầu trong công tác giảm tổn thất điện năng toàn EVN.
Anh Minh - Văn Lâm