Kỹ sư Nguyễn Anh Lộc theo dõi sự cố điện và việc phân đoạn, xử lý sự cố trên hệ thống - Ảnh: V.Hảo
Địa bàn tỉnh Quảng Nam rộng lớn, với 18 thành phố, thị xã, huyện trải dài từ đồng bằng lên núi cao thì hệ thống cung cấp điện phức tạp. Không gian truyền tải điện lớn đồng nghĩa với sự cố ảnh hưởng đến cung cấp điện càng cao, hạn chế và tiến tới khắc phục, xử lý sự cố điện nhanh luôn là mục tiêu hàng đầu của Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam).
Với chủ trương của PC Quảng Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) ngày càng nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng thì việc khắc phục sự cố rất quan trọng. Ông Võ Anh Hùng, phó giám đốc PC Quảng Nam, cho hay dù sự cố xảy ra gây mất điện là trường hợp ngoài ý muốn nhưng với ngành điện, trách nhiệm là cần phải có giải pháp để khắc phục, hạn chế thấp nhất tình trạng mất điện.
Mang nỗi trăn trở đó, nhóm kỹ sư của PC Quảng Nam gồm Nguyễn Anh Lộc, Hồ Minh Đông, Thái Văn Trương đã manh nha hướng giải pháp xử lý sau nhiều lần ứng phó, xử lý sự cố mất điện ở hiện trường.
Đầu năm 2018, nhóm hướng vào giải pháp là phối hợp tự động phân đoạn sự cố điện với dao cắt có tải (gọi tắt là LBS - Load Break Switch) có tủ điều khiển tích hợp RTU phối hợp với các Recloser phía trước để tự động phân đoạn sự cố điện.
Nhân viên kỹ thuật PC Quảng Nam bảo dưỡng lưới điện - Ảnh: V.Hảo
Sáng tạo này giải quyết phần lớn, hạn chế thấp nhất tình trạng mất điện cho khách hàng. Tức là khi xảy ra sự cố, LBS sẽ tự động phối hợp với Recloser đặt trước để phân đoạn bị sự cố ra khỏi lưới điện và khôi phục phân đoạn không bị sự cố với thời gian nhanh nhất.
Kỹ sư Lộc nói gọn: giải pháp này nhằm cung cấp điện nhanh chóng cho khu vực không bị ảnh hưởng bởi sự cố trong vòng 5 giây ở phía trước dao cắt điểm sự cố và thu hẹp vùng sự cố điện để nhân viên kỹ thuật nhanh chóng xác lập sự cố, khôi phục cấp điện nhanh cho khách hàng.
Kỹ sư Nguyễn Anh Lộc cho biết quá trình nghiên cứu, phân tích, thử nghiệm, áp dụng giải pháp thử trên thực tiễn diễn ra chặt chẽ, thận trọng. Cuối tháng 7-2018, Phòng Điều độ đã báo giải pháp cho lãnh đạo công ty, được "bật đèn xanh" cho nhóm kỹ sư triển khai vài vị trí vận hành thử nghiệm.
Sau khi thử nghiệm thành công, kết quả cho thấy rất khả quan và chính xác, vượt ngoài sự mong đợi, 1 tháng sau PC Quảng Nam lập tức có văn bản hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc áp dụng giải pháp này trên lưới điện tỉnh Quảng Nam với khoảng 250 LBS có tủ điều khiển tích hợp RTU để thực hiện đóng cắt khi có tải và không tải nhằm phân đoạn sự cố trên lưới.
Theo kỹ sư Lộc, ngoài tác dụng từ dao cắt có tải LBS là dao cắt phụ tải 3 pha, dùng khí SF6 để dập hồ quang thì tủ điều khiển tích hợp RTU có chức năng báo tín hiệu sự cố (quá dòng pha, quá dòng chạm đất, chạm đất nhạy), chống đóng điện khi không đồng vị pha và ghi nhận. Đặc biệt có chức năng đếm số lần sự cố để tự động cắt LBS với số lần đặt nhằm nhanh chóng phân đoạn sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Với những tính năng ưu việt của LBS, Phòng Điều độ đã thực hiện tính toán, ra phiếu chỉnh định cho các LBS này để khai thác triệt để các tính năng của giải pháp tự động phân đoạn sự cố. Sau khi được cài đặt phối hợp với các recloser đặt phía trước thì việc phân đoạn, cô lập phần tử bị sự cố và khôi phục phân đoạn không bị sự cố rất nhanh, hiệu quả. Trường hợp sự cố còn tồn tại thì Recloser cắt lần 2, đồng thời LBS tự động cắt (cài đặt phát hiện sự cố 2 lần thì tự động cắt) cô lập phân đoạn sự cố nhanh chóng, chính xác.
Phó giám đốc PC Quảng Nam Võ Anh Hùng cho rằng, khi giải pháp phối hợp tự động phân đoạn sự cố điện với dao cắt có tải LBS thì hiệu quả thực tế thu được khá cụ thể và rõ nét. Đó là nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, các chỉ số về thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) và tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) giảm rõ rệt. Từ đó tăng sản lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng, đảm bảo chất lượng điện năng và nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng.
Số tiền làm lợi trong năm đầu tiên áp dụng giải pháp hơn 52 triệu đồng với tổng số lần sự cố vượt cấp trong năm là 162 lần, tổng thời gian mất điện 661 giờ, tương đương gần 148,5 nghìn giờ điện. Sáng kiến giải pháp này đã được ban tổ chức trao giải khuyến khích Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) 2018.