Tiết kiệm điện

Xi măng Tân Thắng ứng dụng công nghệ 4.0 để giảm tiêu hao năng lượng

Thứ hai, 10/7/2023 | 10:23 GMT+7
Sản xuất xi măng là một trong những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng, vì vậy, tìm kiếm giải pháp tiết kiệm năng lượng sản xuất sao cho hiệu quả nhất nhằm cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận là vấn đề luôn được các doanh nghiệp quan tâm.


Xi măng Tân Thắng đang vận hành với công suất 5.000 tấn clinker/ngày tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm.

Nhà máy xi măng Tân Thắng được đầu tư xây dựng trên diện tích 60ha tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng theo phê duyệt của Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. 

Với mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của các thị trường Thế giới, xi măng Tân Thắng luôn chủ động đón đầu xu hướng “Cách mạng công nghiệp 4.0” bằng việc sử dụng trang bị các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất nhập khẩu từ EU và G7.

Nhà máy xi măng Tân Thắng đã đầu tư hệ thống thiết bị và dây chuyền công nghệ đồng bộ của hãng F.L.Smith - Đan Mạch gồm máy nghiền liệu, nghiền than Atox Mill, lò nung clinker 2 bệ đỡ... Đây là một trong những dây chuyền tiên tiến nhất hiện nay nhờ ứng dụng các giải pháp công nghệ mới cho năng suất cao, tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt, hệ thống điện tự động hóa của ABB (Thụy Sỹ) - cốt lõi của công nghệ 4.0 - ở mức độ cao cấp, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, kết nối các công nghệ điện tử, cơ khí, môi trường với nhau. Hệ thống này chỉ tiêu hao điện tối thiểu 90 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker và được đánh giá là mức tiêu hao thấp của ngành xi măng hiện nay.

Anh Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Xi măng Tân Thắng tính toán: "Định mức 1 tấn clinker tiêu tốn khoảng 60-61 Kwh/tấn, nhưng ở Tân Thắng là 57-58 Kwh/tấn. Công nghệ cũ sản xuất xi măng tiêu thụ 33-34Kwh/tấn nhưng Tân Thắng là 30-31 KWh/tấn sản phẩm. Như vậy, từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm bình thường tiêu tốn khoảng 95 Kwh/tấn sản phẩm thì ở nhà máy xi măng Tân Thắng tối thiểu là 90 Kwh/tấn."

Đặc biệt, xi măng Tân Thắng đã triển khai nhà máy nhiệt điện khí thải theo hình thức BOT. Theo đó, tổng điện năng tiêu thụ nhà máy từ 23-25MW/h, sử dụng nhiệt điện khí thải công suất phát 7MW/h, như vậy, tiết kiệm được tới 30% tổng điện năng tiêu thụ. Việc triển khai dự án phát nhiệt điện khí thải để tận dụng nguồn nhiệt dư sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải bụi, giúp hoạt động sản xuất thân thiện hơn với môi trường.

Anh Hùng chia sẻ thời gian qua khi gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu than, Nhà máy đã cải tiến sử dụng nhiên liệu thay thế (dầu thải, rác thải) đưa vào đốt lò nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu sản xuất, và yêu cầu môi trường. Những nhiên liệu này được nhà máy sử dụng thay thế cho 30% than, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất ước tích hơn 150 tỉ đồng. 

Phòng Điều khiển trung tâm, kiểm soát toàn bộ hoạt động của nhà máy.

Bên cạnh đầu tư tiết kiệm năng lượng thì việc bảo vệ môi trường cũng được nhà máy chú trọng triển khai. Khác với các nhà máy xi măng khi đi vào sản xuất thường gắn liền với nồng độ bụi cao, khí thải chứa Carbon oxide (CO), Carbonic (CO2) ô nhiễm, khói bụi thì tại Nhà máy xi măng Tân Thắng “Ống khói không có khói”. Bởi toàn bộ dây chuyền sản xuất đều được đặt trong một hệ thống khép kín.

Hiện nay, tại nhà máy xi măng Tân Thắng, nồng độ bụi đầu ra luôn nhỏ hơn 30 mg/Nm3, khu vực nghiền xi nhỏ hơn 20mg/Nm3. Chỉ tiêu này hoàn toàn tuân thủ, thậm chí đáp ứng tốt hơn rất nhiều so với quy định hiện hành của Nhà nước là 100mg/Nm3 tại QCVN 23: 2009/BTNMT. Bụi phát sinh được xử lý hoàn toàn với công nghệ tiên tiến nhất: sử dụng lọc bụi túi kết hợp với lọc bụi tĩnh điện. Các số liệu quan trắc môi trường đều được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An để kiểm tra, giám sát.

“Tiêu chuẩn môi trường hiện nay ở Tân Thắng ngang bằng với yêu cầu của tiêu chuẩn châu Âu, đạt trên mức yêu cầu so với tiêu chuẩn của Việt Nam”, anh Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh.

Ngày 14/7/2021, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất chính sách thuế biên giới carbon, áp dụng cho thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện từ năm 2026, sau một giai đoạn thử nghiệm từ năm 2023. Các nhà nhập khẩu xi măng phải có chứng chỉ số, mỗi chứng chỉ đại diện cho một tấn khí thải carbon dioxide. Đồng nghĩa, từ năm 2023, xuất khẩu xi măng sang thị trường Mỹ, EU... sẽ khó khăn hơn, do bị áp thuế phát thải carbon. Yêu cầu này buộc các doanh nghiệp xi măng Việt Nam phải đẩy mạnh việc lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt thải, tận dụng nhiệt thừa để phát điện, góp phần giảm thiểu phát thải carbon.

​Bằng việc nỗ lực phát huy những lợi thế của mình, xi măng Tân Thắng đã từng bước tiếp cận, chinh phục thị trường trong và ngoài nước khi liên tục xuất khẩu những đơn hàng lớn tới các thị trường “khó tính” nhất như Mỹ, Úc và nhận được sự hài lòng, đánh giá cao từ phía các đối tác, khách hàng.

Theo: TKNL