Ảnh minh họa
Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước.
Ngành năng lượng thế giới đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính lịch sử, đó là sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo – nguồn năng lượng sạch và không bao giờ cạn kiệt.
Điện mặt trời là một nguồn năng lượng tái tạo, không giống như các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt,… là những nguồn nhiên liệu không thể phục hồi. Theo tính toán của NASA, mặt trời còn có thể cung cấp năng lượng trong khoảng 6,5 tỷ năm nữa. Các nhà khoa học đánh giá rằng tiềm năng của năng lượng mặt trời là rất lớn – mỗi ngày, bề mặt trái đất được hưởng 120.000 terawatts (TW) của ánh sáng mặt trời, cao gấp 20.000 lần so với nhu cầu của con người trên toàn thế giới.
Trên thế giới có mười quốc gia đứng đầu trong việc sản xuất năng lượng mặt trời. Trong đó top 3 gồm: Đức – đây là quốc gia đứng đầu thị trường về sản lượng điện từ năng lượng tái tạo; Trung Quốc, chính phủ rất chú trọng trong việc đầu tư vào sử dụng năng lượng mặt trời, bởi sự thiếu hụt trầm trọng nguồn điện ở đây để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của hàng tỉ người; Nhật Bản – đã triển khai ứng dụng pin quang điện trong từng hộ gia đình, thông qua việc quy hoạch "Thành phố mặt trời" vô cùng ấn tượng.
Việt Nam hiện được các nhà nghiên cứu đánh giá là nơi có tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; trong đó, ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ tiêu thụ năng lượng cao nhất, với mức khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng.
Tại Việt Nam bức xạ mặt trời trung bình là 150 kcal/ m2 chiếm khoảng 2.000 – 5.000 giờ trên năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Đặc biệt, số ngày nắng trung bình trên các tỉnh miền Nam và miền Trung là khoảng 300 ngày/năm.
Vì vậy, năng lượng mặt trời đóng vai trò như một nguồn năng lượng tại chỗ để thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống, đáp ứng nhu cầu của các vùng dân cư. Đây là một kế sách có ý nghĩa về mặt kinh tế cũng như phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, việc ứng dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển. Mặc dù nguồn năng lượng mặt trời tại đây được đánh giá là có tiềm năng lớn và dồi dào, nhưng hầu hết các dự án điện mặt trời trên khắp cả nước chỉ chỉ đang tập trung vào việc khai thác nhiệt năng từ năng lượng mặt trời.
Đặc biệt, chi phí đầu tư là rào cản lớn cho việc phát triển các dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Vì thế, đối với quy mô hộ gia đình, điện mặt trời không được đánh giá cao về mặt kinh tế, tiết kiệm bởi vì giá thành đắt mà lượng điện sản xuất lại ít và không ổn định. Trong khi đó, Việt Nam lại đang tập trung phát triển nguồn điện mặt trời tại các vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Bỏ qua rào cản về chi phí, các nhà nghiên cứu vẫn khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời bởi nó có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Điện - Trưởng Phòng Kinh doanh hệ thống năng lượng mặt trời áp mái của Công ty Điện lực Nam Từ Liêm cho biết, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái của Công ty có 140 tấm pin với công suất đặt là 31,8 kWp được lắp đặt từ tháng 7/2018, sản xuất ra hơn 20.000 kWh (số điện) tương đương giảm phát khí thải C02 khoảng 13 tấn.
Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) cũng xác định ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Qua đó, nâng công suất đặt từ 6 - 7 MW năm 2017 lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nguồn tài nguyên này tại Việt Nam, ngành năng lượng cần có những bước cải tiến mạnh mẽ về công nghệ và kỹ thuật, cập nhật thêm nhiều kiến thức chuyên ngành cũng như các giải pháp mang tính đặc thù nhằm phát triển nguồn năng lượng xanh.
Link gốc