Mô hình Zero Capex: Không vốn đầu tư ở Việt Nam

Thứ sáu, 15/11/2019 | 08:59 GMT+7
Đây là một trong những dự án đầu tiên mà SPUC đầu tư theo mô hình Zero Capex (không vốn đầu tư) ở Việt Nam. 

Mô hình này là lời giải cho nhiều đáp án nhằm thúc đẩy các dự án điện mặt trời công nghiệp.

Theo công suất công bố gần 500kWp, ước tính SPUC đã đầu tư cho dự án không dưới 450.000USD. Con số này dựa trên mức đầu tư trung bình 800 USD/kWp của 5 doanh nghiệp cung cấp lắp đặt hệ thống điện mặt trời uy tín ở TP.HCM.

Chỉ chưa đầy 3 tháng, dự án hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà máy Coats Phong Phú hợp tác với Công ty Cổ phần Năng lượng Điện mặt trời Việt Nam (SPUC) đã được hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 với công suất 823.000kWh, góp phần giảm 494 tấn carbon mỗi năm.
 
“Với mô hình đầu tư này, khách hàng sẽ không phải chịu bất kỳ một chi phí nào trong suốt quá trình thiết kế, thi công, lắp đặt, đấu mối hệ thống điện mặt trời áp mái. Thêm vào đó, lượng điện sản xuất được từ hệ thống sẽ được SPUC bán cho nhà máy Coats Phong Phú với mức giá cạnh tranh”, đại diện của SPUC cho biết.
 
Theo giá điện 2.972 đồng/kWh cho bậc từ 401kWh trở lên của EVN công bố tháng 3.2019, trường hợp hệ thống chạy được tối đa công suất 823.000kWh sẽ giúp Coats Phong Phú giảm gần 800 triệu đồng tiền điện sử dụng hằng năm mà không phải tốn chi phí đầu tư.

Trước SPUC, vào năm 2015, Philips Việt Nam cũng đã giới thiệu mô hình Zero Capex, trong giai đoạn 1 dự án “Nâng cấp hệ thống chiếu sáng truyền thống hiện hữu tại các khu vực chung của Saigon Centre” mà không cần chi trả ngay chi phí đầu tư cho hệ thống chiếu sáng mới. Dự án này bước đầu đã tiết kiệm khoảng 50% điện năng so với hệ thống chiếu sáng hiện tại, với giá trị tiết kiệm mỗi năm tương đương khoảng 34.000USD.
 
“Chúng tôi cung cấp một hệ thống năng lượng mặt trời miễn phí, được bảo trì đầy đủ thông qua hợp đồng mua bán điện trong 20 năm. Hệ thống này giúp tiết kiệm hàng ngàn USD mỗi năm và cho khách hàng quyền kiểm soát dài hạn”, đại diện SPUC  giải thích.
 
 
Thời gian hợp đồng dài hạn đã đảm bảo được đầu ra an toàn cho điện mặt trời của dự án, chỉ cần bán cho Coats Phong Phú với giá 2.000 đồng/kWh và phần điện dư bán cho EVN với giá hiện tại 9,35 cent/kWh (2.134 đồng/kWh). Theo đó, chỉ chưa đầy 5 năm SPUC sẽ thu hồi được vốn và tiếp tục thu lợi nhuận cho 15 năm tiếp theo.
 
Thị trường điện mặt trời áp mái công nghiệp ở Việt Nam ước tính trị giá hàng tỉ USD. Trong bối cảnh giá điện tăng gần đây, nhiều doanh nghiệp chọn lắp đặt điện năng lượng mặt trời bởi các lợi ích như tiết kiệm, không phải tăng cường thêm công suất trạm biến áp, làm mát nhà xưởng, giảm sử dụng điều hòa, phòng vệ tăng giá, giảm phát thải CO2, bán được điện thừa... Chiến lược đầu tư theo mô hình Zero Capex của SPUC là lời giải thông minh cho bài toán cung cầu trong ngành điện mặt trời.
 
Chẳng hạn, theo bà Nguyễn Hồng Giang, Giám đốc Tiếp thị Công ty Tona Syntegra Solar, chi phí đầu tư lớn hiện là nguyên nhân khiến điện mặt trời áp mái công nghiệp chưa thể phát triển nhanh như với hộ gia đình. Chi phí đầu tư 1MW điện mặt trời áp mái khoảng 700.000USD. Một doanh nghiệp không có quá nhiều thông tin, không thật sự am hiểu lĩnh vực này sẽ thấy đây là khoản đầu tư rủi ro.
 
Về phía EVN sẽ làm giảm quá tải quy hoạch điện mặt trời nhờ lượng điện mặt trời đã có nguồn ra ổn định; giảm áp lực ép giảm tải ở các dự án điện mặt trời áp mái của các doanh nghiệp và của hộ gia đình trong khi chờ văn bản chính sách giá thu mua điện; thêm thời gian xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất hỗ trợ quá trình lưu trữ điện và truyền tải quốc gia.
 
Về phía doanh nghiệp khai thác dự án điện mặt trời, mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động được đầu ra thay vì phản ứng khi EVN cắt giảm công suất phát điện, hay giá mua không phù hợp. Hiện nhiều doanh nghiệp phản ứng với dự thảo quy định mà Bộ Công Thương trình Chính phủ: giá mua điện mặt trời trên mặt đất còn 7,09 cent/kWh.
 
Tuy nhiên, để áp dụng được mô hình Zero Capex không chỉ đòi hỏi bên đầu tư phải có nguồn tài chính mạnh mà bên nhận đầu tư phải có công suất sử dụng lớn đảm bảo sử dụng tối đa lượng điện được tạo ra. SPUC là công ty liên doanh giữa Dragon Capital và Ecosphere Renewables. Dragon Capital Group, hiện quản lý tổng tài sản trên 3 tỉ USD, là một trong những quỹ đầu tư tích cực vào các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây sẽ là một nguồn tài chính mạnh mẽ giúp SPUC tiếp tục thực hiện được các dự án đầu tư theo mô hình này trong tương lai.

Theo: Nhịp cầu Đầu tư