Công nhân điện lực TP Hồ Chí Minh kiểm tra bảo dưỡng lưới điện - Ảnh Chinhphu.vn
Sau ngày 30/4/1975, lưới điện của Thành phố còn nhỏ bé, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành chỉ đủ thắp sáng đô thị. 35 năm qua đã chứng kiến sự nỗ lực không ngừng, giải quyết nhiều vấn đề hóc búa về điện mà bài toán lớn nhất là đảm bảo nguồn điện cho thành phố mang tên Bác.
Giải bài toán hóc búa về điện
Theo quy hoạch được duyệt, nhu cầu vốn phục vụ công tác đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải khu vực TP. Hồ Chí Minh là rất lớn, do khối lượng xây dựng, cải tạo các trạm biến áp và đường dây 220-110kV là khá lớn, thêm vào đó yêu cầu sử dụng công nghệ cao (thiết bị GIS, cáp ngầm, trụ thép đơn thân,) nhằm hạn chế diện tích chiếm quỹ đất của thành phố, đã đẩy chi phí xây dựng lên gấp 2 – 3 lần so với công nghệ cũ (thiết bị AIS, đường dây trên không).
Ngoài ra, chi phí giải phóng mặt bằng ngày càng tăng cao do quá trình đô thị hóa của khu vực TP. Hồ Chí Minh phát triển rất nhanh và quỹ đất ngày càng eo hẹp. Chính vì lẽ đó, để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định, liên tục và có dự phòng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân thành phố, Tổng Công ty Điện lực thành phố phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để xây dựng, cải tạo lưới điện ngày càng hoàn thiện, an toàn và hiện đại hơn.
Đến nay, toàn Thành phố hiện có 47 trạm biến áp 110kV với tổng công suất 4.525MVA, trong đó số lượng trạm biến áp 110kV do Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh quản lý là 34 trạm với công suất 3.155MVA.
Đồng thời, Tổng Công ty hiện đang quản lý 21.509 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 7.678MVA, cung cấp điện cho gần 2 triệu khách hàng.
Tổng Công ty là đơn vị đầu tiên trong EVN đã triển khai xây dựng các trạm cấp nguồn mới dùng công nghệ GIS và đưa vào khai thác tuyến cáp ngầm 220kV trong nội thành để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho TP. Điển hình là việc hoàn thành dự án xây dựng trạm truyền tải 220/110/15-22kV Tao Đàn.
Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ 20, lãnh đạo Tổng Công ty đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Thành phố phụ thu qua tiền điện của khách hàng nội thành để điện khí hóa khu vực nông thôn của Thành phố.
Kết quả, chỉ sau 3 năm, Tổng Công ty đã đưa điện về cho 100% số hộ ngoại thành, góp phần giảm chi ngân sách của Thành phố hàng ngìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai nhằm tăng cường công tác quản lý vận hành lưới điện như Chương trình “Quản lý kiểm tra trạm biến thế phân phối và đường dây trung - hạ thế” ứng dụng trên máy tính bỏ túi, triển khai ứng dụng hệ thống quản lý thông tin trên nền Địa lý (GIS) trong công tác quản lý vận hành, các thông tin về tình hình vận hành lưới điện được cập nhật hàng ngày trên trang web nội bộ Tổng Công ty để tra cứu nhanh.
Công nhân điện lực TP Hồ Chí Minh nâng cấp lưới điện - Ảnh Chinhphu.vn
Và quan tâm chăm sóc khách hàng
Số lượng khách hàng sử dụng điện ký hợp đồng trực tiếp với Công ty tăng trưởng bình quân trên 7%/năm (trên 85.000 khách hàng/năm), tổng số khách hàng sử dụng điện toàn Thành phố đến nay đã lên đến gần 2 triệu hộ.
Tổng Công ty đã xây dựng, cải tiến nhiều quy trình tiếp xúc khách hàng như quy trình kinh doanh, quy trình đầu tư xây dựng công trình điện chuyên dùng và thỏa thuận đấu nối cho khách hàng, quy trình tiếp nhận tài sản công trình điện trung - hạ áp và trạm biến áp của khách hàng.
Với việc càng đa dạng hóa các loại hình thu tiền điện tạo thuận lợi cao nhất cho khách hàng, ngoài việc thu tiền điện tại tất cả các điểm thu của 15 Điện lực trực thuộc, Tổng Công ty đã liên kết, mở rộng việc thanh toán tại 340 điểm thu có thông báo “Điểm thu tiền điện” của các ngân hàng liên kết với Tổng Công ty trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán qua các các kênh thanh toán điện tử. Công ty cũng là đơn vị duy nhất trong ngành đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai ứng dụng rộng rãi dịch vụ điện kế trả trước bằng thẻ điện từ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng sử dụng điện.
Đối với các khách hàng là các doanh nghiệp, Công ty có hình thức thanh toán bằng ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi tại các ngân hàng. Thực hiện chương trình chăm sóc các khách hàng lớn thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp (có tiêu thụ trung bình năm từ 3 triệu kWh trở lên hoặc có công suất đặt trên 500kW) để thường xuyên có những chương trình chăm sóc khách hàng.
Hàng quý, Tổng Công ty gửi thông báo đến khách hàng về tình hình sử dụng điện, biểu đồ phụ tải sử dụng so biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; đồng thời tư vấn, giới thiệu các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến từng khách hàng.
Ngày 20/4/2010 Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh chính thức ra mắt, nâng tầm Điện lực TP. Hồ Chí Minh xứng đáng với sự phát triển năng động của thành phố và cũng đặt ra nhiều thách thức hơn đối với những người thợ điện trên thành phố mang tên Bác.