Đoàn Về nguồn đến tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong hành trình này, những Đảng viên, CBVCLĐ của EVNGENCO2 đã có cơ hội đến thăm vùng đất của “Chiến dịch Điện Biên Phủ - 56 ngày đêm chấn động địa cầu”, Di tích Nhà tù Sơn La, Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến… Đồng thời đến thăm và làm việc với các đơn vị trong ngành Điện tại vùng Tây Bắc.
Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Trong chuyến hành trình đến Tây Bắc, Đoàn Về nguồn Tổng công ty Phát điện 2 đã đến thăm mảnh đất thiêng liêng - thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Nơi cách đây 68 năm đã ghi vào sử sách chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Để có được chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này, nhiều người con của dân tộc đã anh dũng hy sinh. Đoàn đã đến dâng hương, tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước anh linh của những người con nước Việt anh hùng tại Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Đồi A1. Trong đó, Nghĩa trang Liệt sĩ A1 là nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ, những người đã hy sinh tuổi xuân, để lại gia đình, mang về hoà bình, độc lập cho đất nước. Tại nghĩa trang có 04 phần mộ lớn được khắc tên của các anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can - những chàng trai đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Đoàn tham quan và tìm hiểu về trận địa Đồi A1.
Đồi A1 - thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau nhiều trận chiến vô cùng ác liệt, đến 4h sáng ngày 7/5/1954 quân đội ta đã chiếm được đồi A1. Cũng tại đây, hơn 2. 000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, mang về chiến thắng, loại khỏi vòng chiến đấu một lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp.
Đoàn cũng đã đến tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Hầm Đờ - Cát. Với nhiều hạng mục, tài liệu, hiện vật, tranh ảnh giá trị lịch sử… Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ đã khái quát một cách sinh động, rõ nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Trong đó, nổi bật là 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, là câu chuyện của các anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… Một điểm độc đáo tại Bảo tàng là bức tranh Panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ” có tổng diện tích hơn 3.200m2. Với 4 trường đoạn lịch sử: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử”, “Chiến thắng Điện Biên”, bức tranh đã tái hiện vô cùng sống động trận chiến đầy khóc liệt mà vang danh thế giới, thể hiện khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta.
Rời Điện Biên, Đoàn Về nguồn EVNGENCO2 tiếp tục vượt qua núi đồi trùng điệp để đến Sơn La. Nơi đây có một nhà tù được ví như địa ngục trần gian, chỉ xếp sau Nhà tù Côn Đảo. Trong giai đoạn 1930 - 1945, thực dân Pháp đã giam cầm, đày ải, nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh của hơn 1.000 lượt chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nhưng chính nhà tù đã trở thành một trường học cách mạng, bổ sung cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản xuất sắc như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ... Bằng ý chí, nghị lực và niềm tin thắng lợi, những người tù cộng sản đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tại Nhà tù Sơn La vào tháng 12 năm 1939.
Tham quan tại Nhà tù Sơn La.
Tiếp đó, Đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Di tích quốc gia – Địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, nơi lưu giữ hiện vật, hình ảnh gắn liền với những con người, thành tích cùng dấu ấn của đoàn binh không mọc tóc anh dũng. Khu Di tích với nhiều công trình như: Nhà truyền thống, Đài tưởng niệm, Khu hoài niệm, Đài vọng tưởng…Trong số nhiều hiện vật quý giá có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sỹ đoàn binh Tây Tiến, bức tranh “Nuôi giấu thương binh” của họa sỹ Quang Thọ, được vẽ từ một câu chuyện có thật về tình nghĩa quân dân trong kháng chiến chống Pháp.
Đoàn cơ sở Tổng công ty Phát điện 2 đã gửi tặng 15 triệu đồng đến Ban quản lý Di tích quốc gia – Địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Tại mỗi “Địa chỉ đỏ” trong chuyến Về nguồn, Đoàn cơ sở Tổng công ty Phát điện 2 đã gửi tặng 15 triệu đồng đến các Ban quản lý, góp phần cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên, Sơn La gìn giữ, bảo tồn các di tích lịch sử, phát huy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, yêu quê hương. Tổng giá trị trao tặng là 105 triệu đồng.
Thăm và làm việc với các đơn vị ngành Điện Tây Bắc.
Nhân chuyến "Về nguồn", Đoàn Tổng công ty Phát điện 2 đã đến thăm, làm việc với các đơn vị: PC Lai Châu, PC Điện Biên, PC Hoà Bình (thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc) và Công ty Thuỷ điện Sơn La. Trong các buổi gặp mặt, EVNGENCO2 đã giới thiệu về quá trình hình thành phát triển, kết quả sản xuất kinh doanh của mình và tìm hiểu về các đơn vị bạn. Trong đó, Đoàn đã đến tham quan trực tiếp tại Nhà máy, đập tràn Thuỷ điện Sơn La – Nhà máy Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Đây là cơ hội để EVNGENCO2 cùng các đơn vị ngành điện thắt chặt tình đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau thực hiện sứ mệnh sản xuất, phân phối điện năng, góp phấn phát triển đời sống người dân, kinh tế đất nước.
Hành trình “về nguồn” trên vùng Tây Bắc lần này là bài học thực tế về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là dịp để các thành viên trong đoàn được giao lưu, học hỏi, tăng cường tình đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, hành động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.