Tiến độ công trình

Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng Thủy điện Hủa Na

Thứ hai, 20/2/2012 | 09:57 GMT+7
Sau Tết Nhâm Thìn lên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na ở huyện rẻo cao Quế Phong, Nghệ An. Trên những đỉnh núi hoa ban trắng muốt nở xòe tô đẹp thêm cho bức tranh  trên công trường rộn rã tiếng xe máy đang hối hả gấp rút thi công để kịp tiến độ.
 


Công trình đập ngăn Thủy điện Hủa Na đã hoàn thành 70% khối lượng.
 
 
Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na Phan Trọng Phú khái quát: Nhà máy Thủy điện Hủa Na được xây dựng tại bản Huôi Muồng, xã Ðồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) nhằm khai thác tiềm năng sông Chu. Dự án nằm trong Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt do Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư với những cổ đông có "máu mặt" như: Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài gòn, Ngân hàng TMCP Bắc Á..., trong đó, PV Power giữ cổ phần chi phối. Với công suất 180MW, tổng mức đầu tư gần sáu nghìn tỷ đồng; sau khi hoàn thành sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia hằng năm 712,7 triệu KW giờ, góp phần giải quyết thiếu hụt điện năng trong công cuộc xây dựng đất nước. Ðể xây dựng nhà máy, phải di dời khỏi khu vực lòng hồ hơn 1.300 hộ dân ở 14 bản thuộc xã Ðồng Văn và Thông Thụ; chiếm khoảng 10% dân số của cả huyện. Ðến nay, các hạng mục chính cơ bản hoàn thành, với tổng khối lượng thi công hạng mục đập dâng, đập tràn đạt 370 nghìn m3/ tổng số hơn 440 nghìn m3, đạt 83%. Hạng mục cửa nhận nước tổng khối lượng bê-tông thực hiện đạt 4.700/14.300 m3, đạt hơn 33% kế hoạch tiến độ được duyệt (nguy cơ chậm một tháng). Ðường hầm dẫn nước với tổng chiều dài gần 4.000 m, chia làm sáu hướng đào, đến nay nhà thầu Sông Ðà 10 thi công với tổng chiều dài 3.360 m, đã thực hiện khối lượng đạt hơn 2.800 m, chỉ còn lại khoảng 524 m. Nhà thầu Vinavico thi công tổng chiều dài 453 m, đã thực hiện được 389 m. Ðến nay đã vận chuyển về công trường hai chuyến thiết bị với 144 kiện. Công tác lắp đặt buồng xoắn đã kết thúc vào cuối tháng 12. Công tác gia công chế tạo thiết bị trong nước đạt hơn 80% khối lượng công việc, các nhà cung cấp đang tổ chức vận chuyển lên công trường cho kịp tiến độ. Việc xây lắp đường dây 220 KV từ Hủa Na về Thanh Hóa dài 75 km cũng đang được khẩn trương tiến hành dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4-2012.

Về công tác di dân tái định cư (TÐC), ông Cao Xuân Quỳnh, cán bộ phụ trách công tác này cho biết, tại Thủy điện Hủa Na, các hộ dân vùng lòng hồ được bố trí TÐC tập trung tại huyện Quế Phong. Trong đó, 54% bố trí trong xã, 46% bố trí ngoài xã, khoảng cách từ bản cũ đến điểm TÐC trung bình chỉ 20 km. Tại điểm TÐC, các hộ dân được bố trí 400 m2 đất ở, 400 m2 đất vườn đồi liền kề, 1 ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó ít nhất phải có 200 m2 ruộng lúa nước cho một khẩu), từ 3 đến 5 ha đất lâm nghiệp. Ðường đến điểm TÐC được đổ nhựa, đường trong khu dân cư được bê-tông hóa, đường ra khu sản xuất được làm cấp phối đồi, nước sản xuất, nước sinh hoạt được dẫn bằng ống thép tráng kẽm, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; điện và nước sạch được đưa đến từng nhà. Ở bản mới sẽ được xây dựng nhà trẻ, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao, có khu vực xử lý rác thải và khu nghĩa trang, khu vực chăn thả gia súc v.v. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân TÐC, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na có nhiều chính sách hỗ trợ như: Tháo dỡ, di chuyển, lắp dựng nhà, ổn định đời sống, ổn định sản xuất, đào tạo chuyển đổi ngành nghề tạo việc làm, tiền sử dụng điện, chất đốt, y tế, sách giáo khoa cho học sinh... và mức hỗ trợ rất có thể sẽ nằm trong tốp đầu của "làng Thủy điện". Chi phí cho việc bồi thường, hỗ trợ và TÐC lên đến con số gần 900 tỷ đồng.

Chúng tôi về khu TÐC mới Piêng Cu thuộc địa bàn xã Tiền Phong, nơi 92 hộ dân tộc Thái từ bản Noóng Ðanh, xã Ðồng Văn ra đây. Trong căn nhà sàn khang trang, dưới ánh điện sáng, ánh mắt lấp lánh tràn đầy hạnh phúc, Trưởng bản Lương Văn Hùng cho biết, 92 hộ về bản mới ăn Tết vui lắm, ai cũng ấm cúng trong căn nhà mới. Về đây, cuộc sống tốt hơn ở bản cũ, ngoài có nhà đẹp do được hỗ trợ TÐC, nhiều hộ còn có tiền gửi ngân hàng, đầu tư cho sản xuất, con em đi học trường lớp đẹp, thuận lợi hơn... nhưng khó khăn muốn đề nghị cấp trên là cần nhanh chóng cấp đất cho bà con sản xuất...

Ðến nay, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng công trình tại 14/16 điểm TÐC; hoàn thành 100% hồ sơ thiết kế và dự toán các hạng mục công trình tại 12/14 điểm. Ðã triển khai thi công 12/16 điểm TÐC, trong đó có ba điểm hoàn thành cơ bản là Piêng Cu, Huồi Lạn, Huồi Sin. Các điểm còn lại đang triển khai thi công các hạng mục như san lấp mặt bằng, hệ thống giao thông, nước sinh hoạt và hệ thống điện. Ðến nay, việc xây dựng nhà TÐC mới đạt 15% với 150 hộ/1.300 hộ. Giải đáp cho sự chậm trễ này, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lữ Ðình Thi cho biết, trách nhiệm này thuộc về huyện. Ðể đẩy nhanh tiến độ, huyện đã chia làm ba ban: Ban tuyên truyền do đồng chí Phó bí thư Thường trực làm trưởng ban; Ban xây dựng điểm đến do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và Ban xử lý đền bù, giải phóng mặt bằng do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Huyện phấn đấu hết quý I này sẽ hoàn thành xong điểm đến là các khu TÐC. Theo lộ trình trước ngày 30-5-2012 di chuyển toàn bộ các hộ dân nằm dưới cao  trình + 226 m với khoảng gần 1 nghìn hộ ra khỏi vùng lòng hồ và trước ngày 30-8-2012 hoàn thành toàn bộ việc di chuyển 1.331 hộ dân.

Ðể đạt được tiến độ đề ra, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Quế Phong, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác TÐC.
Nhân dân Online