Trong số 80.000 khách hàng sử dụng điện của toàn Điện lực Bình Định thì Chi nhánh điện Quy Nhơn chiếm hơn một nửa. Sản lượng điện thương phẩm của Chi nhánh điện Quy Nhơn năm 2008 đạt 213,5 triệu kWh tăng 15,7% so với năm 2007, chiếm 26% so với 7 Chi nhánh toàn Điện lực. Chỉ tiêu tổn thất điện năng đã xoá được con “số 5” đeo đẳng từ mấy năm nay đạt 4,8%; Hệ số ngày dư nợ tiền điện của toàn Chi nhánh đạt ngấp nghé con số 99%. Đó là những con số “đẹp” liên quan rất mật thiết đến công tác kinh doanh của Chi nhánh điện Quy Nhơn ở thời điểm năm 2008 bắt đầu khép lại.
Là CBCNV của ngành điện, có thể hình dung được “cái núi” công việc mà Tổ kinh doanh của Chi nhánh điện Quy Nhơn đã thực hiện như thế nào. Thế nhưng, điều đáng nói là Tổ Kinh doanh của Đặng Thành Tâm chỉ có 9 người, đảm nhiệm các chức năng công tác khác nhau, từ khâu cập nhật phát hành hoá đơn, quản lý điện kế, kiểm tra áp giá, quản lý các loại Hợp đồng mua bán điện, giao tiếp, giải quyết khiếu nại của khách hàng. Công việc cứ đâu vào đấy, người nào, việc nấy chạy băng băng, tất nhiên có sự phối hợp hổ trợ của đồng đội khi cần thiết. Được hỏi, quy trình kinh doanh điện năng, công đoạn nào là phức tạp, nhọc công và tốn thời gian nhất: Đặng Thành Tâm - Tổ trưởng nói ngay: “Đó là khâu quản lý hợp đồng sử dụng điện của các hộ phụ có đăng ký cho sinh viên, người lao động thuê hoặc có đăng ký tạm trú chẳng những phức tạp mà số lượng khách hàng thuộc đối tượng này lên đến trên 15.000 hợp đồng”. Bí quyết về việc giải quyết công tác quản lý hộ phụ của Tổ Kinh doanh Chi nhánh điện Quy Nhơn đã được Hội đồng sáng kiến Điện lực Bình Định “bật mí” và công khai áp dụng rộng rãi cho cả 6 Chi nhánh điện còn lại trong toàn Điện lực. Nhận thấy thời gian tác nghiệp của anh em trong tổ dường như quá tải, Anh suy nghĩ phải cải tiến hoặc tìm một biện pháp nào đó trong toàn bộ khâu quản lý của mình: và việc ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp khả thi nhất. Sau nhiều lần trao đổI với anh em trong tổ, Anh đã nghiên cứu viết lập trình trên máy vi tính một chương trình riêng với tên gọi: “Chương trình quản lý hộ phụ có thời hạn”. Chương trình được được viết dựa trên nền tảng ngôn ngữ lập trình FOXPRO FOR WINDOWS, sử dụng hoàn toàn bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Từ khi đưa chương trình quản lý hợp đồng này vào tác nghiệp trong tổ Kinh doanh, việc quản lý dữ liệu, dò tìm, điều chỉnh tăng giảm, sử dụng bẩy thời gian để thực hiện theo yêu cầu công việc rất nhanh chóng, năng suất lao động tăng lên đáng kể, anh em trong tổ ai cũng thao tác được. Thời gian đã được tiết kiệm cho cả 2 phía: Khách hàng và người quản lý. Hiệu quả sáng kiến không thể tính hết bằng tiền. Bởi vì “tiết kiệm thời gian là tiết kiệm tất cả”.
Nỗ lực vượt khó để viết được Chương trình này trên vi tính của Tổ trưởng Đặng Thành Tâm được công nhận sáng kiến cấp Điện lực từ quý IV. Đồng đội đã suy tôn Đặng Thành Tâm là chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2008.
Theo Bản tin CĐ EVN T1+2/2009