Sự kiện

Đội Cảm tử bảo vệ dòng điện Thủ đô trước Tết 1972

Thứ hai, 13/1/2014 | 10:47 GMT+7
Nghe báo động địch ném bom, mọi người được chạy đi sơ tán còn đội cảm tử dòng điện phải chạy vào nhà máy chờ địch dội bom.

Mặc dù nhà máy điện đã giải thể từ lâu nhưng ông Nguyễn Ngọc Côn (sinh năm 1938) - nguyên Trưởng kíp vận hành phòng Trung tâm A10, nhà máy điện Yên Phụ vẫn nhớ như in những khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời mình để bảo vệ dòng điện sáng cho Thủ đô những dịp lễ, Tết.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”

Những trận dội bom như mưa của quân địch vào Trung tâm A10, nhà máy điện Yên Phụ vẫn in hằn trong trí nhớ của ông Côn, thành viên đội cảm tử dòng điện những năm 70.
 


Phòng trung tâm A10 nhà máy điện Yên Phụ.

Từ năm 1967-1972, địch có 6 trận dội bom, khiến nhà máy chao đảo. Sở dĩ, nhà máy “ăn” nhiều bom địch bởi nơi đây là đầu mối cung cấp điện cho Thủ đô và nhiều tỉnh lân cận. Nếu nhà máy điện Yên Phụ ngừng hoạt động thì nhiều hoạt động khác cũng dừng theo. Địch quyết tâm đánh sập nhà máy. Ta quyết tâm bảo vệ nhà máy.

Nhiệm vụ của trung tâm là nhận điện ở các nhà máy trên lưới điện về Hà Nội. Ông Côn cho biết, tuy công suất của nhà máy không lớn nhưng vai trò lại rất lớn. Toàn bộ bộ máy chính trị cả nước và lăng bác Hồ là do hệ thống lưới điện nhà máy Yên Phụ cung cấp.

Vì thế nhà máy được Trung ương đặc biệt quan tâm. Xung quanh nhà máy đầy pháo cao xạ, tên lửa, hỏa mù bảo vệ. Các bức tường nhà máy điện được sơn đen; xung quanh có tường cao trên 13m, rộng 3m bao bọc, giữa là bê tông xỉ.
 


Xung quanh nhà máy điện là những bức tường kiên cố như thế này để tránh tên lửa địch.

Nếu như tất cả các nhà máy điện ngày đó đều được đặt chung một cái tên là A, thì nhà máy điện Yên Phụ được đặt tên riêng là A10, tránh bị lộ. Tại đây, trung tâm được trang bị điện thoại và vô tuyến điện thoại. A10 và Bộ Tư lệnh Thủ đô lúc bấy giờ có một mối liên hệ khăng khít, đến nỗi, muốn gọi điện sang chỉ cần nhấc ống nghe không cần bấm số. Chính vì tầm quan trọng của nó mà một đội cảm tử bảo vệ dòng điện Thủ đô của nhà máy điện Yên Phụ được thành lập. Đội cảm tử này khoảng 50 người, mỗi ca trực là 30 người. Nhiệm vụ của 30 người trong ca trực là “bám chốt đến cùng dù bom sát sườn”.

Ông Côn cho biết, khi có báo động địch ném bom, công nhân sửa chữa và lãnh đạo được phép rút ra ngoài, chỉ còn 30 người trong đội cảm tử ở lại tiếp tục vận hành máy móc, giữ gìn dòng điện cho Thủ đô, chờ địch ném bom. Mặc dù biết địch ném trúng sẽ chết nhưng đội cảm tử chưa bao giờ run sợ rời chốt. Mỗi khi địch ném bom xong, nhà máy tối thui, khói mù mịt, muốn nhìn thấy nhau cũng khó nên họ chỉ biết hỏi bâng quơ xem đồng đội có ai còn ai mất.

Nói về tâm trạng những người ở lại, ngẩng cao đầu dù có chết để bảo vệ dòng điện, ông Côn cho biết: Những lúc nhận tin địch sẽ đánh vào nhà máy, tất cả lo lắng vô cùng. Nhìn ra, thấy mọi người chạy ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm chỗ trú ẩn trong khi mình phải ở lại, ai cũng thấy buồn vui lẫn lộn. Tuy nhiên, niềm tự hào sẽ trỗi dậy ngay sau đó, bởi không phải ai cũng được đứng trong hàng ngũ những người quan trọng như đội cảm tử.
 


Đại hội cho đoàn Trung tâm A10 phải tổ chức ngoài công viên Bách Thảo, phòng khi địch dội bom vào nhà máy.

Quan trọng là thế, nguy hiểm là thế nhưng khi tôi hỏi về chế độ đặc biệt cho đội cảm tử ngày đó, ông Côn gọn lỏn: “Chẳng có gì đặc biệt”.

Theo lời ông, mỗi người trong đội cảm tử sẽ được trang bị 1 mũ sắt; 1 cục lương khô, 1 bình nước đề phòng sập hầm để duy trì sự sống;1 cuộn bông băng và 1 mẫu máu.

“Cầm mẫu máu này, nếu có thương vong, sẽ biết nạn nhân nhóm máu gì mà truyền cho kịp vì làm gì có thời gian xét nghiệm”, ông Côn giải thích.

Năm 1972, địch đánh bom vào những ngày cuối năm - giáp tết dương. Nhà máy khẩn trương khôi phục dòng điện trong tình trạng tối thui. Sau khi khôi phục xong, cả Hà Nội bừng sáng khiến những con người này cảm thấy tự hào và quyết tâm đeo đuổi công việc đến cùng dù tính mạng không biết mất lúc nào.

Nhà máy “tắt thở”, trăn trở quân cảm tử

Năm 1930, nhà máy điện Yên Phụ bắt đầu lắp máy đi vào hoạt động. Sau 63 năm vận hành, đến năm 1993, nhà máy chính thức ngừng sản xuất vì theo ông Côn “càng sản xuất càng lỗ”.

Là người tự tay đóng máy, khai tử nhà máy, ông Côn như đứt từng khúc ruột. Sống được trong thời chiến, nhưng nhà máy lại không sống nổi trong thời bình. Và đây cũng là kỷ niệm buồn nhất trong cuộc đời làm nghề của ông. Nhưng dù sao, đây cũng được coi là cái nôi của ngành điện lực.

Ông Côn cho biết, hôm đóng máy, lò xả hơi từ từ xả khí, ầm vang cả khu vực Ba Đình. Nếu như trước kia, khi nhà máy hoạt động, không bao giờ có thể nghe thấy tiếng nói của nhau, không gian đặc quánh tiếng ầm ầm, rít rít. Thì, hôm đóng máy, ngừng phát điện, không gian im lặng đến đáng sợ. Lần đầu tiên, ông nghe thấy tiếng chim ríu rít ngoài cửa sổ. Bình yên là thế nhưng luyến tiếc dâng đầy trong khóe mắt.

“Quen với tiếng ầm vang, khi nhà máy đóng cửa, không gian im lặng đến đáng sợ. Luyến tiếc lắm vì cả đời tôi sống với nó, quen rồi”, ông Côn tiếc nuối.
 


Trở về với cuộc sống hiện tại nhưng ông Côn chưa khi nào thôi nhớ về ký ức xưa của "Đội cảm tử".

Trở về với đời thường sau bao năm đứng gác máy, ông Côn thường giật mình bởi những tiếng động nhẹ hay những bước chân hụt. Đó chính là đi chứng để lại sau nhiều năm đứng máy, tiếng ồn hoạt động hết công suất. Đôi tai sau một thời gian dài ù đặc, nhói buốt, bây giờ đã bớt bệnh. Thế nhưng, chưa khi nào, ông ngừng nhớ về thời khói lửa đầy đau thương ấy.

“Được lựa chọn, tôi vẫn muốn mình là người bảo vệ nguồn sáng cho Thủ đô dù nguy hiểm đến tính mạng”, ông Côn quả quyết.
 
Theo: Công Thương Online