Tin trong nước

Đóng góp nhỏ cho một thành công lớn

Thứ ba, 11/5/2010 | 10:56 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 6 ngày 25-11-2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41 về việc chấp nhận chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên tại Ninh Thuận. Đây là một quyết định quan trọng mở ra một trang sử mới cho lịch sử phát triển ngành Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, để có được quyết định trên thật không đơn giản.

Đến cuối năm 2008, lòng dân hai xã (Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) được dự kiến chọn làm địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN nói riêng và nhân dân tỉnh Ninh Thuận nói chung còn rất nhiều băn khoăn lo ngại về sự an toàn đến sức khỏe cộng đồng và môi trường khi xây dựng Nhà máy ĐHN tại địa phương. Xuất phát từ thực tế đó, các cấp chính quyền từ Tỉnh, huyện, xã cũng có tâm trạng lo lắng và đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân đối với dự án đặc biệt quan trọng này.

Văn phòng Ninh Thuận (VPNT) được thành lập vào ngày 8-5-2008 có nhiệm vụ là thay mặt Ban Chuẩn bị Đầu tư Dự án Điện hạt nhân & Năng lượng tái tạo tổ chức được các hoạt động truyền thông để người dân và mọi tầng lớp xã hội ở địa phương hiểu rõ hơn tầm quan trọng và lợi ích to lớn của dự án ĐHN đối với công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, trên địa bàn Tỉnh nói riêng, qua đó, đồng thuận với chủ trương quyết định của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển ĐHN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH.

Trên cương vị là Trưởng Văn phòng tại Ninh Thuận, quả thực đối với TS. Trần Văn Luyến là một công việc hết sức mới mẻ và vô cùng khó khăn, bởi đối với một người chuyên nghiên cứu khoa học suốt 20 năm, nay sang làm công tác “dân vận”, phải đối mặt với những quan niệm, suy nghĩ của một cộng đồng dân cư đa tôn giáo, nhiều sắc tộc. Để thuyết phục dân chúng, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần rất nhiều kinh nghiệm thuyết phục, nói trước đám đông, ứng xử và quan hệ công chúng. Việc đầu tiên TS. Trần Văn Luyến làm là tìm hiểu phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tỉnh Ninh Thuận, trong đó đặc biệt quan tâm đến các cộng đồng dân tộc Chăm và Rakley, sau đó là tìm hiểu cuộc sống của các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Khi đã hiểu khá kỹ các đối tượng mình cần phải thuyết phục và chia sẻ thông tin về ĐHN thì ông và các cộng sự gặp phải một khó khăn rất lớn. Sự hoài nghi, quay lưng với ĐHN không phải là một vài cá nhân mà là số đông trong cộng đồng. Hơn 80% số người được hỏi ý kiến đều tỏ ra lo ngại về sự cố hạt nhân, về rủi ro phóng xạ đối với sức khỏe con người và môi trường sống… Thậm chí, còn có những thông tin trái chiều của một số cá nhân và một số nhóm người Chăm ở nước ngoài cho rằng, ĐHN sẽ hủy diệt dân tộc Chăm trên đất Ninh Thuận. Đối với những thông tin trái chiều này, cần phải có kiến thức sâu, rộng và cách lập luận logic, chặt chẽ mới có thể xua tan được nỗi hoài nghi của dân chúng.

Thông tin, kiến thức về điện hạt nhân có rất nhiều trên mạng internet, trong báo cáo đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng chọn gì, bỏ gì, cũng là một khó khăn tuy thuần túy về kỹ thuật, nhưng việc giải quyết nó cũng không đơn giản. Một rừng thông tin, cái nào cần chọn, cái nào phải bỏ qua khiến nhiều hôm muốn quên ăn, mất ngủ. Với đa số dân chúng, chỉ cần cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ và lý giải rành mạch về những điều liên quan đến sự cố, tai nạn hạt nhân là có thể họ chấp nhận. Với nhóm người nhạy cảm (các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức trong cộng đồng dân tộc Chăm) dù dự án không ảnh hưởng, nhưng tiếng nói đồng tình hay hoài nghi của họ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành bại của dự án. Một tiếng nói đồng tình của họ đáng giá bằng hàng trăm giờ thuyết trình của tuyên truyền viên. Một cái lắc đầu của họ, bao nhiêu công sức tuyên truyền đều hóa thành mây gió. Đối với nhóm đối tượng này, sự chân thành, tâm huyết, cộng với sự hiểu biết sâu về những kiến thức khoa học hạt nhân mới có thể thuyết phục được họ. Có thông tin rồi, thì cách tiếp cận và đưa nó đến với các đối tượng quần chúng khác nhau lại là một việc rất quan trọng, thậm chí quyết định đến thành bại của công tác truyền thông. Không phải nhóm người nào cũng nghe, cũng hiểu như nhau, bởi mỗi một nhóm người có tập quán, phong cách sống riêng, khả năng tiếp nhận thông tin của họ cũng rất khác nhau. Trong khi nhân lực của Văn phòng rất hạn chế: Chỉ có 05 người (02 cán bộ và ba nhân viên), với nhiều chuyên môn khác nhau và tất cả đều chưa có kinh nghiệm trong công tác truyền thông dù chỉ một giờ.

Thấy được những khó khăn của công việc cũng là lúc ta tìm ra được những điều kiện của bài toán cần giải. Vấn đề là phải có kế hoạch thật cụ thể nhưng phải linh hoạt để ứng phó với những tình huống bất ngờ trong quá trình thực hiện. Với suy nghĩ, trong một năm, nếu tuyên truyền được 1.000 người thì sẽ có 4.000 người nhận được thông tin sao chép (bình quân 1 gia đình có 4 người). Con số 1.000 người được cung cấp thông tin cứ ám ảnh trong suy nghĩ của TS. Trần Văn Luyến suốt những ngày cuối năm 2008. Trong điều kiện quy mô của Văn phòng không cho phép tổ chức hội thảo lớn, chỉ có thể là những hội nghị chuyên đề khoa học, những cuộc hội thảo nhỏ quy mô tối đa 50 người. Như vậy, Văn phòng phải tổ chức được ít nhất 20 cuộc hội thảo nhỏ. Nhưng tuyên truyền nội dung gì? Sau nhiều tháng trăn trở, TS. Trần Văn Luyến cho rằng, cái gì dân cần, ta cung cấp thông tin theo ý dân. Đó là một tiêu chí vàng của công tác truyền thông ĐHN. Quá trình gần dân, lắng nghe dân và ông hiểu được rằng, lòng dân Ninh Thuận cần một lời giải đáp: Tại sao nước ta cần điện hạt nhân? Tại sao Ninh Thuận được chọn là nơi xây dựng Nhà máy ĐHN đầu tiên? Nhà máy ĐHN là gì? Nó có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường hay không? Cuối cùng Ninh thuận được gì? Quốc gia được gì khi xây dựng nhà máy ĐHN?

Cuối năm 2009, khi nhìn lại 28 cuộc hội thảo với 3.287 người (đủ mọi thành phần, đối tượng) tham dự, TS. Trần Văn Luyến cảm thấy mình đã hoàn thành được trách nhiệm được giao. Với số lượng như vậy, nếu nhân với hệ số 4, thì có tới hơn mười ngàn người được tuyên truyền về ĐHN. Nhưng quan trọng hơn, về chất lượng thông tin, ai cũng hồ hởi khi nghe, sôi nổi khi tranh luận và vẻ đồng thuận hiện trên nét mặt mọi người là điều mà những cán bộ của Văn phòng Ninh Thuận tâm đắc nhất. Tại nhiều địa bàn, trong các đám cưới, đám ma, đám giỗ, trên bàn tiệc hay bên ly cà phê, câu chuyện về điện hạt nhân không lúc nào ngơi. Các đoàn đại biểu Quốc hội đi tham quan và tiếp xúc cử tri cũng đều rất phần khởi và đánh giá cao việc làm của anh em Văn phòng, bởi điều lo lắng nhất về lòng dân đã được giải đáp: 100% các đại biểu hội đồng nhân dân 3 cấp của tỉnh Ninh Thuận (họp ngày 18-10-2009) đều đồng tình chấp thuận xây dựng Nhà máy ĐHN tại Tỉnh.

Người xưa có câu: “Vạn sự khởi đầu nan” để nói về những công việc ban đầu bao giờ cũng khó khăn, nhưng từ kết quả bước đầu này, có thể ghi nhận sự đóng góp nhỏ cho một thành công lớn của tập thể những “chiến sĩ” thầm lặng trong Ban Chuẩn bị Đầu tư Dự án ĐHN & Năng lượng tái tạo, đặc biệt trong đó có TS. khoa học Trần Văn Luyến.

Nguyễn Văn Trần