Thông tin đầu tư

Lần đầu tiên ADB tài trợ 37 triệu USD vốn cho dự án điện mặt trời nổi ở Việt Nam không cần bảo lãnh Chính phủ

Thứ sáu, 4/10/2019 | 22:10 GMT+7
Công ty ĐHĐ là một công ty thành viên đầu tiên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay vốn quốc tế mà không có sự bảo lãnh của Chính phủ và EVN. 

 
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký kết một hiệp định vay trị giá 37 triệu USD với Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) để tài trợ việc lắp đặt mới dàn pin điện mặt trời nổi với công suất đỉnh là 47,5MW trên diện tích 56 ha mặt hồ của hồ chứa Nhà máy thủy điện Đa Mi (chiếm khoảng 10% diện tích của hồ chứa thủy điện này là 600ha). 
 
Để không cần tới sự bảo lãnh của Chính phủ, ĐHĐ phải chứng minh được năng lực của mình với tổ chức tài chính ADB và các đối tác của ADB. Theo đó, ĐHĐ là doanh nghiệp có bề dày lịch sử có kinh nghiệm hơn 55 năm quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện. Hiện ĐHĐ đang quản lý, vận hành khá hiệu quả 2 cụm nhà máy thủy điện (là Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi) và Nhà máy điện mặt trời Đa Mi với tổng công suất khoảng 770MW. Công suất phát điện hiện nay của ĐHĐ bằng khoảng 1,7% tổng công suất phát điện của Việt Nam. 
 
Theo ông Lê Văn Quang – Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) mặc dù doanh nghiệp phải mất gần 2 năm mới hoàn tất việc đàm phán để đi đến ký kết hiệp định vay vốn này, lý do là bởi trong quá trình đàm phán còn thiếu những hành lang pháp lý cơ bản, song, doanh nghiệp đã dựa vào uy tín, tiềm lực tài chính của mình và tiến hành giao dịch theo thông lệ thị trường tài chính quốc tế để dự án được tài trợ.
 
"Đây là lần đầu tiên ADB cho một tổ chức tư nhân vay mà không có bảo lãnh Chính phủ. Dự án điện mặt trời Đa Mi là dự án đầu tiên làm trên hồ với quy mô khá lớn nên họ cần rất nhiều tư vấn để rà soát về tài chính, về kỹ thuật, kể cả về tư vấn pháp lý".
 
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Christopher Thiem, Phó Tổng Vụ trưởng, Vụ Nghiệp vụ Khu vực Tư nhân của ADB nhận định “Dự án sẽ giúp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất năng lượng của Việt Nam và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu như than đá” và đặc biệt đánh giá cao quyết định táo bạo của Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) khi lần đầu tiên đầu tư dự án điện mặt trời nổi kết hợp giữa mô hình thủy điện và điện mặt trời. Ông Christopher Thiem khẳng định “việc kết hợp hai công nghệ năng lượng sạch này là một thành tựu giản đơn nhưng rất sáng tạo có thể được nhân rộng ở những nơi khác ở Việt Nam và trên khắp Châu Á và Thái Bình Dương. "Việc kết hợp giữa thủy điện và điện mặt trời có thể phát huy được những đặc điểm của từng loại điện một, chẳng hạn như thủy điện thì có thể phát huy được tính năng tích trữ điện, còn với điện mặt trời thì chúng ta có thể thấy là phát huy được việc phát điện vào thời điểm ban ngày. Việc kết hợp ở đây còn phát huy được các tính năng của nhau và có thể là một mô hình rất tốt không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các nước trong khu vực và thế giới. Sự kết hợp này sẽ giúp cho việc nâng cao công suất sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những định hướng của Chính phủ Việt Nam nhằm có được nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch bổ sung thêm nguồn năng lượng cho đất nước".
 
Đại diện ĐHĐ cho biết, tổng số vốn đầu tư cho dự án điện mặt trời nổi Đa Mi gần 1.300 tỷ đồng. Ngoài số tiền vay của ADB, số còn lại là từ nguồn vốn tự có của ĐHĐ mà không phải vay thương mại. Điều này sẽ giúp dự án có hiệu quả cao hơn.
 
Việc tận dụng các hồ thủy điện, thủy lợi để xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi được đánh giá không những giúp sản xuất thêm điện năng cho hệ thống điện mà còn làm cho công năng sử dụng của các hồ chứa trở nên hiệu quả hơn.
Nguyên Long/Icon.com.vn