Tiến độ công trình

Nhịp đập Vũng Áng

Thứ sáu, 30/8/2013 | 08:43 GMT+7
Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo. Việc đầu tư khu kinh tế Vũng Áng ngay cuối chân đèo Ngang đã mở ra cơ hội để Hà Tĩnh thoát nghèo, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm động lực để thúc đẩy và phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền trung.

Trở lại Vũng Áng những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có may mắn là được dự Lễ đốt lò tổ máy số 1 đánh dấu công tác lắp đặt hệ thống, dây chuyền Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã cơ bản hoàn thành, bước vào giai đoạn chạy thử để có thể phát điện thương mại vào tháng 12-2013.

Trong cái nắng cuối hè gay gắt, chúng tôi theo chân Anh hùng Lao động Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) khảo sát khắp khu vực cầu cảng, nơi sẽ tiếp nhận các tàu chở than cho nhà máy. Những chiếc chân đế chắn sóng đúc bằng bê-tông chịu mặn hàng nghìn khối xếp chồng chéo lên nhau hình thành những vòng cung chống sạt lở ở khu vực cảng để xây dựng cầu tàu tiếp nhận than đã cơ bản hoàn thành.

Bước vào tòa nhà lắp đặt hai tổ máy cao như một tòa nhà năm tầng. Vừa đi, kỹ sư Nguyễn Duy Lợi, Trưởng ban quản lý dự án, báo cáo nhanh với Tổng Giám đốc Lilama: "Đến ngày 19-8, Lilama đã hoàn thành 93% khối lượng công việc của toàn bộ dự án. Công việc còn lại chỉ còn là đo đạc, hiệu chỉnh thiết bị, máy móc chuẩn bị cho chạy thử".

Các công việc trọng tâm như đặt hàng, chế tạo, mua sắm thiết bị đã được các nhà thầu phụ vận chuyển đến chân công trình đạt 99,1%. Bước lên sàn tầng 5 của tòa nhà, nơi lắp đặt tổ máy số 1, Tổng Giám đốc Lilama 69-1 Ngô Quốc Thịnh cho chúng tôi biết: Trong hơn hai năm vừa qua, Lilama 69-1 đã tập trung mọi nguồn lực như con người, máy móc, thiết bị hoàn thành nhiệm vụ lắp đặt Stato và Rôto tổ máy số 1 đúng tiến độ, bảo đảm kỹ thuật được nhà thầu ToShiba (Nhật Bản) đánh giá cao. Kỹ sư Ngô Quốc Thịnh tâm sự tiếp: Có những lúc cao điểm công ty chúng tôi tập trung đến 800 con người có trình độ tay nghề cao thi công và làm việc liên tục hai ca trên công trường để bảo đảm tiến độ".

Trong khoang đặt hai tổ máy rộng trên 5.000m2, các kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản đang chăm chút, kiểm tra lần cuối thớt chụp trục đỡ Rôto tổ máy số 1. Chiếc cần cẩu từ từ hạ xuống móc nâng khối thép nặng di chuyển một cách cẩn thận, nhẹ nhàng vào vị trí lắp đặt với độ chính xác cao từng mm. Kỹ sư Nguyễn Duy Lợi nói với chúng tôi: "Đây là công đoạn cuối cùng của quá trình lắp đặt tổ máy số 1".

Bước sang địa điểm lắp đặt tổ máy số 2 - toàn tổ máy nặng hàng chục tấn đang được các kỹ sư Lilama 10 và chuyên gia Nhật Bản cân chỉnh để đưa vào lắp ráp "Đây là loại tuabin hơi kiểu ba thân, đồng trục, có công suất thiết kế 600 MW (công suất cực đại lên đến 629 MW) lớn nhất Việt Nam hiện nay", - kỹ sư Ngô Văn Thiêm, Chỉ huy trưởng Công ty Lilama 10 đơn vị được giao lắp đặt tổ máy số 2, nói trong niềm tự hào.

Đi từ trên giàn đặt hai tổ máy xuống tầng 1 chúng tôi đi qua nhà điều khiển trung tâm, hệ thống vận chuyển than, hệ thống cấp dầu nhiên liệu và hệ thống nước làm mát với hàng trăm mét đường ống, hàng triệu mét cáp điện ngang - dọc mới thấy bàn tay khối óc của người thợ lắp máy Việt Nam anh hùng đang tiếp tục làm nên những kỳ tích về sức sáng tạo tinh thần tự lực tự cường. Tổng Giám đốc Lê Văn Tuấn cho chúng tôi biết: Đây là công trình mà chủ đầu tư giao cho Lilama làm tổng thầu (EPC). Với một công trình trọng điểm cấp quốc gia, thì ngoài quyết tâm cao, còn phải có trình độ và năng lực quản lý. Quả thật trong biểu đồ theo dõi tiến độ của công trường, chúng tôi thấy có tới 20 nhà thầu phụ mà toàn là những công ty của Đức, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Nhật Bản tham gia. Kỹ sư Lê Văn Tuấn nói: "Việc chia nhỏ các gói thầu thì khó kiểm tra, kiểm soát tiến độ hơn nhưng giá rẻ hơn. Đây cũng là "cách làm rất Việt Nam", nhưng cho đến nay việc khớp nối các hạng mục công trình diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Mà cụ thể nhất là việc đốt lò hơi số 1 thành công".

Sau gần bốn năm thi công, lắp đặt, từ một vùng đất hoang hóa, chỉ có cây sim, cây mua và cỏ tranh, giờ đây, vùng đất đồi gò xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh đã hiện lên sừng sững một nhà máy nhiệt điện hiện đại. Tháng 12 tới đây nhà máy sẽ được đưa vào vận hành, mỗi năm có thể sản xuất ra 7,2 tỷ kW/giờ điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nhưng điều quan trọng hơn là sẽ trở thành "cú hích" để khu công nghiệp quan trọng này nhanh chóng vận hành các nhà máy thuộc các ngành công nghiệp điện tử, hóa dầu, sắt, thép, v.v.

Với diện tích gần bốn nghìn ha, ngót 100 nhà máy sẽ mọc lên, thì cần rất nhiều, rất nhiều điện. Mai này Vũng Áng sẽ có nhà máy nhiệt điện thứ hai do Nhật Bản và Hồng Công (Trung Quốc) đầu tư, nhưng kỹ sư Lê Văn Tuấn khẳng định: "Chắc chắn lại là chúng tôi - những người thợ lắp máy Lilama - sẽ đảm nhận phần thi công".

Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sau hơn 1.300 ngày đêm lắp đặt, xây dựng, giờ đây một nhà máy nhiệt điện hiện đại đã hiện hữu bên bờ vịnh Vũng Áng, như một điểm nhấn cho khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh. Cầu cảng gần hai km, băng chuyền than dài gần 8 km đã được lắp đặt xong, chuẩn bị cho việc đón những con tàu vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện từ Hòn Gai, Vàng Danh - Uông Bí về đây.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một vùng quê nghèo đã và đang có những bước đi đầu, mà quả tim của khu công nghiệp là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chuẩn bị đập những nhịp đầu tiên. Tự hào lắm vùng quê Cách mạng Nghệ Tĩnh những ngày Tháng Tám lịch sử này.
 
Theo: Nhân dân Online