Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mấu chốt dẫn đến thay đổi là sau khi gặt hái được nhiều thành công với việc tổ chức các cuộc vận động, nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Barack Obama – trong suốt nhiệm kỳ của mình đã đầu tư cho năng lượng tái tạo tới 150 tỉ USD, Shellenberger và đồng sự vấp phải những vấn đề không dễ giải đáp như tính không liên tục của điện mặt trời, điện gió do phụ thuộc vào thời tiết và chưa có đột phá về công nghệ lưu trữ. Ông hoàn toàn lúng túng và bất ngờ khi đọc được khuyến cáo từ Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu vào năm 2014 về thúc đẩy kết hợp nguồn cung năng lượng từ năng lượng tái tạo lẫn năng lượng hạt nhân, và thực chất, năng lượng hạt nhân tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn bốn lần so với năng lượng mặt trời.
Năng lượng tái tạo không hoàn toàn rẻ và sạch
Bước đầu trong tìm hiểu về năng lượng hạt nhân của Shellenberger bắt nguồn từ việc “tìm hiểu về đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Pháp và Đức cũng như chất thải từ sản xuất năng lượng tái tạo”, Shellenberger nói. Nếu Pháp đang phụ thuộc lớn vào năng lượng hạt nhân với tổng lượng điện hạt nhân chiếm hơn 72% cơ cấu điện năng, khoảng 18% năng lượng tái tạo và hơn 8% là năng lượng hóa thạch thì Đức tuyên bố sẽ thay đổi cơ cấu điện năng, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo là chính (với mục tiêu rất gần là đạt 50% vào 2030). Cho đến năm 2017, cơ cấu điện năng của Đức gồm 40% là điện than, 13% là điện hạt nhân, 12% từ khí đốt tự nhiên và chỉ có 12% từ điện gió, 6% từ điện mặt trời. Mặc dù năm 2016, nước này đầu tư lắp đặt thêm 4% lượng pin năng lượng mặt trời nhưng sản lượng điện thu được một năm sau lại giảm khoảng 3% vì không đủ nắng; tương tự, 11% turbine gió được lắp đặt nhưng sản lượng điện gió lại giảm khoảng 2% vì ít gió.
Mặc dù kinh phí đầu tư cho năng lượng tái tạo đang rẻ đi nhưng việc đầu tư và duy trì nó vẫn còn khá đắt đỏ. Đức đang tăng cường đầu tư vào điện tái tạo nhưng giá điện của cường quốc năng lượng tái tạo này thậm chí đã tăng lên tới gần 50% trong vòng 10 năm, kể từ năm 2006 và hiện nay đắt gấp đôi so với Pháp. Ở bang California (Mỹ), người ta đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm hơn 30% cơ cấu điện năng vào năm 2020 nhưng nay cũng có giá điện cao hơn tới 1,6 lần so với giá điện trung bình của các bang còn lại ở Mỹ. Những thông tin trên được Shellenberger dẫn ra từ các báo cáo của Cơ quan thống kê châu Âu – Eurostat và Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (U.S. Energy Information Administration – EIA).
Mặt khác, sản xuất điện mặt trời đòi hỏi nhiều diện tích hơn điện hạt nhân. Để cùng tạo ra một đơn vị điện năng thì năng lượng mặt trời cần diện tích lớn 450 lần so với năng lượng hạt nhân.
Một trong những điểm được nhiều người đặt niềm tin vào năng lượng tái tạo là một công nghệ sạch và ưu việt so với năng lượng hạt nhân, vốn mang tai tiếng là “bẩn” và ẩn chứa nhiều nguy cơ phát thải phóng xạ. Nhưng trên thực tế, đây chính là một vấn đề nội tại của năng lượng tái tạo. Dẫn chứng là, những trang trại điện mặt trời như ở California đã tạo ra “lượng rác thải gấp khoảng 300 lần so với điện hạt nhân khi sản xuất ra một lượng điện năng tương đương”. Để dễ hình dung hơn, giả sử như đem toàn bộ lượng chất thải hạt nhân ở Mỹ đã được xử lý và chôn cất theo đúng quy định của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xếp chồng lên nhau trên diện tích tương đương một sân bóng đá thì nó sẽ có độ cao khoảng 50 mét (tương đương với tháp nghiêng Pisa ở Ý); còn với lượng chất thải từ điện mặt trời thì chiều cao sẽ là 16km (tương đương với hai lần chiều cao của đỉnh Everest). Đáng kể hơn, nguồn chất thải năng lượng mặt trời sẽ còn chứa cả các kim loại nặng như crom, cadmium và chì – vốn cũng tiềm ẩn nguy cơ làm ô nhiễm đất, nước và cây trồng. Vậy chúng sẽ đi đâu, nếu không thải vào môi trường? Đến nay, chưa có nước nào ngoài châu Âu có quy trình và kế hoạch tái chế các tấm pin năng lượng mặt trời đã qua sử dụng.
Sản xuất năng lượng nào cũng đều có nhược điểm và rủi ro
Năng lượng hạt nhân, mặc dù đã được Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu khuyến nghị là một trong những loại năng lượng có thể thúc đẩy phát triển nhằm giảm phát thải toàn cầu nhưng ở nhiều nơi, người ta vẫn còn sợ hãi và nghi ngại về nó. Ở thế kỷ 21, đại đa số người dân và nhà quản lý ở các nước đều rất lo ngại ba thảm họa hạt nhân tồi tệ như Three Mile Island (Mỹ) năm 1979, Chernobyl (Liên Xô cũ) năm 1986 và mới đây là sự cố nhà máy điện Fukushima (Nhật Bản) do sóng thần năm 2011.
“ Chernobyl” là một tai nạn khủng khiếp với quy trình xử lý chủ quan và sơ tán muộn nhưng những con số mà Ủy ban Khoa học của Liên Hợp Quốc về Tác động của Bức xạ nguyên tử (UNSCEAR) cho thấy, chỉ có 28 người chết tại chỗ vì nhiễm phóng xạ cấp tính và trong vòng 25 năm sau đó thì 15 người chết vì ung thư tuyến giáp. Các nhà khoa học ước tính, có khoảng 16.000 người bị ung thư tuyến giáp do Chernobyl và khoảng 160 người trong số đó sẽ chết vì căn bệnh này. Mặc dù theo dõi tích cực sau ba thập kỷ, nhưng UNSCEAR cho biết không có bằng chứng khoa học nào về sự gia tăng tỷ lệ mắc hoặc tỷ lệ tử vong do ung thư khác ngoài ung thư tuyến giáp liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ do thảm họa này gây ra. Hẳn nhiều người sẽ nghi ngờ về con số có vẻ đã được “làm đẹp” nhưng với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học uy tín ở các trường đại học lớn trên trên thế giới, kết quả mà đoàn giám sát của UNSCEAR là đáng tin cậy.
Đối với tai nạn gần nhất là Fukushima, các trường hợp tử vong là do tác động của sóng thần chứ không phải do phơi nhiễm phóng xạ. Năm năm sau trận sóng thần ở Nhật Bản, TS. David Robert Grimes, nhà nghiên cứu về vật lý y khoa và ung thư tại Đại học Oxford đã nhìn lại tai nạn này và đưa ra khẳng định trong bài viết “Tại sao đã đến lúc phải xua tan những thêu dệt xung quanh năng lượng hạt nhân” trên tờ TheGuardian, rằng “khối lượng phóng xạ bị rò rỉ tại đây nhỏ đến mức không có gì đáng lo ngại về sức khỏe; không có bức xạ nào có thể phát hiện được từ vụ tai nạn trong thực phẩm được trồng ở Fukushima cũng như ở cá được đánh bắt ngoài khơi”. Nếu so sánh những “thảm họa” này với những tai nạn thảm khốc của các loại hình năng lượng thì không đáng kể. TS. David Robert Grimes dẫn ra số liệu thiệt hại về người khi đập thủy điện Banqiao tại Trung Quốc bị vỡ là hơn 170.000 người và có 11 triệu người phải di cư.
Nhìn rộng hơn, các nguy cơ về phơi nhiễm phóng xạ đối với sức khỏe con người thấp hơn so với những mối đe dọa khác như ô nhiễm không khí hay do khói thuốc lá… Tình trạng ô nhiễm đáng báo động ở một số thành phố lớn khiến nguy cơ tử vong tăng cao lên 2,8%, còn những ai chung sống với người hút thuốc có nguy cơ tử vong tăng 1,7%. Trong khi đó, tỉ lệ những người làm công việc dọn dẹp ở Chernobyl tử vong do phơi nhiễm phóng xạ chỉ ở mức 1%.
Vậy còn đối với nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ các nhà máy điện hạt nhân đang được vận hành? Trước khi được các nhà vận động môi trường quan tâm, thì vấn đề chất thải hạt nhân đã được IAEA và cơ quan pháp quy của các quốc gia phát triển điện hạt nhân giám sát với một chu trình chặt chẽ và minh bạch. Xử lý chất thải hạt nhân hiện vẫn là một trong những vấn đề quan trọng của công nghệ hạt nhân và được các quốc gia hàng đầu về phát triển điện hạt nhân như Nga, Mỹ đầu tư nhiều kinh phí vào R&D nhằm tối ưu hơn quy trình này.
Tuy nhiên, công chúng vẫn bị ám ảnh bởi những thông tin đã cũ. Vấn đề là công chúng đã được tiếp cận với quá nhiều thông tin không chính xác và sự thêu dệt xung quanh năng lượng hạt nhân. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà khoa học và nhà môi trường là phải cung cấp thông tin chính xác về bức tranh công nghệ, năng lượng và môi trường để thay đổi nhận thức chung.
Dưới góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu chính sách năng lượng, bên cạnh ưu điểm, mỗi loại hình năng lượng đều có điểm hạn chế, kể cả năng lượng tái tạo. Do đó, một cơ cấu điện năng với sự chấp nhận các loại hình năng lượng khác nhau, tiến tới sử dụng năng lượng sạch nhưng không loại trừ điện hạt nhân mới là một chính sách điện năng hợp lý. Điều này có thể nhìn thấy khá rõ ràng qua trường hợp của Pháp, Đức và Nhật Bản. Trong khi Đức và Nhật đã dần đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân nhưng lại phải nhập khẩu năng lượng từ nguồn hóa thạch, và phát thải vẫn gia tăng (tới nay Nhật Bản đã quyết định tái khởi động nhà máy điện hạt nhân). Còn Pháp, đảm bảo được nguồn cung điện và giữ được môi trường trong sạch.
Năng lượng hạt nhân cũng có nhược điểm và rủi ro và giống như bất kỳ hình thức sản xuất năng lượng nào khác. Nhưng nó là loại hình năng lượng sạch, an toàn và đem lại hiệu quả to lớn. Nếu chúng ta thực sự muốn có một cuộc thảo luận hợp lý về cách cung cấp năng lượng tốt nhất, thì cần tìm hiểu về sự thật hơn là tin vào những hư cấu xung quanh nó.
Giá điện và năng lượng mặt trời, gió
Mỹ là nước sản xuất điện hạt nhân lớn nhất trên thế giới hiện nay và có số lò phản ứng hạt nhân nhiều nhất thế giới. Trong năm 2018 các Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đã tạo ra 807,1 tỷ KWh, đây là sản lượng cao nhất từ trước tới nay, kể từ năm 1990, tại Mỹ ĐHN cung cấp 20% sản lượng điện quốc gia, năm 2018 đã cung cấp 55% lượng điện không có các-bon tại Mỹ và trở thành nguồn năng lượng sạch lớn nhất. Tính đến tháng 9/2018 với 98 lò phản ứng hạt nhân thương mại đã cung cấp điện cho 30 bang của nước Mỹ. Trong đó bang Ilinois có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất - 11 lò, và cùng với các bang Nam Carolina, New Hampshire thì năng lượng hạt nhân cung cấp hơn 50% lượng điện.
Các NMĐHN tại Mỹ hoạt động hết công suất hơn 92% trong năm 2018 và trở thành nguồn năng lượng đáng tin cậy nhất. Nó còn đáng tin cậy hơn 1,5-2 lần các nhà máy điện khí đốt (58%), các nhà máy điện than (54%) và đáng tin cậy hơn khoảng 2,5-3,5 lần các nhà máy điện gió (37%) và điện mặt trời (26%). Chúng ta biết rằng các NMĐHN được thiết kế để hoạt động 24h/ngày/7 ngày/tuần và chúng có thể hoạt động một khoảng thời gian dài trước khi thay đảo nhiên liệu (thường là 1,5 năm đến 2 năm). Tất cả nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân Mỹ trong hơn 60 năm qua nếu chất kín một sân bóng đá thì độ cao dưới 10 yard (9,144m, theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ). Có một sự thật mà một số nước có nền kinh tế mạnh không đưa ra đó là: Muốn các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đó là lý do thực sự mà Điện lực Việt Nam luôn bị sức ép về tăng giá điện và truyền thông đẩy dư luận về hướng điện mặt giời, điện gió. Nhưng họ quên mất, tăng công suất phát từ các nguồn năng lượng mặt trời và gió sẽ tỷ lệ thuận với tăng giá điện.