Tin tức Quy hoạch điện

Ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện

Thứ sáu, 21/3/2014 | 14:06 GMT+7
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện lên 21.300MW vào năm 2020.

Nhu cầu điện năng lớn

Ông Phạm Quang Huy-Cục Điều tiết Điện lực thuyết trình về nhu cầu năng lượng điện ở Việt Nam. Ảnh VGP/Phan Trang
Trong buổi Hội thảo “Việt Nam - Na Uy về thủy điện và cải cách thị trường điện” sáng 19/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, tại Việt Nam, mức tiêu thụ năng lượng năm 2013 khoảng 57 triệu tấn dầu qui đổi. Dự báo mức tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp tục gia tăng ở mức cao, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2020 và xấp xỉ 5% trong giai đoạn 2020-2030.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện, mặc dù có chậm lại do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng từ 12%-15% trong giai đoạn 2011-2020 và khoảng 10% trong giai đoạn 2021-2030.

Để đáp ứng nhu cầu này, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020.

Thủy điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng

Theo ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương), do Việt Nam là quốc gia thiếu nước, vì vậy việc xây dựng các hồ chứa lợi dụng tổng hợp, thủy điện kết hợp thủy lợi vẫn được ưu tiên phát triển.

Cũng theo ông Quân, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Trong năm 2012, các nhà máy thủy điện đã đóng góp tới 48,26% công suất (13.000MW) và 43,9% (53 tỉ kWh) sản lượng điện  cho hệ thống điện. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn so với các nguồn điện khác. Quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động.

Các hồ thủy điện với tổng dung tích hàng chục tỉ mét khối nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động tích trữ để bổ sung lưu lượng, cấp nước về mùa kiệt và cắt giảm lũ phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ môi trường... cho hạ du. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các hồ thủy điện sẽ chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước (56 tỉ m3/65 tỉ m3).

Đây là nguồn dung tích trữ nước cực kỳ quan trọng, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, đóng vai trò chủ chốt, đảm bảo chủ động điều tiết cấp nước và chống, giảm lũ cho hạ du đặc biệt là khu vực miền Bắc.

Thủy điện Việt Nam còn nhiều hạn chế

Chuyên gia của Na Uy đưa ra các kinh nghiệm thủy điện của nước mình. Ảnh VGP/Phan Trang
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, hiện nay phần lớn các nguồn năng lượng thủy điện cơ bản đã được khai thác hết. Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; tối ưu vận hành các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang thủy điện để đạt tối đa khả năng khai thác.

Tỷ trọng thủy điện trong cơ cấu nguồn của Việt Nam hiện nay tương đối lớn lên tới khoảng 40% và dự kiến đạt khoảng 36% và 25% vào các năm 2015 và 2020. Vì vậy, công tác vận hành hệ thống điện sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức về công tác quản lý, phối hợp và vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện.

Đặc biệt là các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang nhằm đáp ứng các mục tiêu phát điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống lũ hạ du.

Vụ trưởng Vụ Thủy điện Đỗ Đức Quân cho biết việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã gây ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực dự án, đời sống sản xuất của nhân dân vùng tái định cư chưa được ổn định; chiếm dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng làm thu hẹp không gian sống, tác động tiêu cực nhất định đến môi trường-xã hội… “Đây là những vấn đề lớn còn tồn tại và cần phải tiếp tục giải quyết, đặc biệt là tại các dự án thủy điện vừa và lớn”, ông Quân nói.

Na Uy là đối tác tiềm năng

Na Uy là quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn trên thế giới. Trong liên minh châu Âu, điện năng thủy điện của Na Uy luôn đứng đầu với sản lượng hàng năm chiếm trên 95% tổng điện năng tiêu thụ tại Na Uy.

Tại hội thảo, các chuyên gia thủy điện Na Uy đều đánh giá cao tiềm năng thủy điện và khả năng quản lý thị trường điện của Việt Nam.

Việc này đang tạo cơ hội lớn để hai bên hợp tác về đào tạo nhân lực quản lý thủy điện, tài chính, an toàn liên hồ và sự tham gia trực tiếp của phía Na Uy vào các nhà máy thủy điện của Việt Nam. Phía Na Uy dự định sẽ đầu tư lớn về trang thiết bị vào hệ thống thủy điện để tiến tới vận hành hệ thống này một cách đồng bộ.

Về an toàn đập thủy điện, các chuyên gia Na Uy cho rằng, việc xây dựng các đập phải được tiến hành theo một quy trình rất khắt khe, với những luật lệ nghiêm ngặt để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc về an toàn đập.     
Theo: Trang tin Điện tử Chính phủ