Sự kiện

Vì dòng điện của Tổ quốc

Thứ sáu, 21/12/2012 | 15:18 GMT+7
Có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nay có thêm Nhà máy Thủy điện Sơn La, vài năm nữa, lại có thêm Nhà máy Thủy điện Lai Châu, một giọt nước sông Đà tới 3 lần làm ra điện có ý nghĩa thực sự lớn lao trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp của đất nước.

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (đứng giữa) và Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh (ngoài cùng, bên trái) thăm phòng điều độ Nhà máy Thủy điện Sơn La
Phóng viên đã trò chuyện với ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chủ đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, về những nỗ lực trong quá trình thi công và đóng góp của Nhà máy với nền kinh tế.

Khi công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) được chọn để xây dựng đập chính cho Thủy điện Sơn La, ông có băn khoăn gì không?

Trước Sơn La, công nghệ RCC đã được làm ở Thủy điện A Vương, nhưng quy mô nhỏ hơn. Bởi vậy, quyết định chuyển từ bê tông truyền thống sang RCC khi ấy cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, nhưng phải dám dứt khoát, quyết liệt.

Bê tông truyền thống sử dụng lượng xi măng lớn (khoảng 200 kg/m3 bê tông) nên phải đợi 5 - 7 ngày cho nguội sau đó mới có thể đổ tiếp block bên cạnh. Trong khi đó, chuyển sang dùng RCC, chỉ cần 60 - 70 kg xi măng/m3 bê tông, vì vậy, giảm được quá trình nhiệt thủy hóa, ít giải tỏa nhiệt và cho phép thi công liên tục.

Đập Sơn La có chiều cao cần thi công tới 135 m, nếu dùng bê tông truyền thống, thì cần 7 năm. Nhưng với công nghệ RCC có thể rút ngắn được thời gian và đó chính là điểm nút quan trọng, góp phần đưa công trình về đích sớm. Ngoài ra, tiết kiệm được xi măng đến 3 lần, lại sử dụng thêm được phụ gia là tro bay, phế thải của các nhà máy nhiệt điện than.

Ở giai đoạn này, RCC lần đầu tiên được đưa vào thi công đồng loạt ở nhiều nhà máy thủy điện tại Việt Nam. Ngoài Sơn La, còn có Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Bản Chát, Lai Châu, A Vương, Pleikrong, Sesan 4 và đã đẩy được tiến độ công trình.

Nhiều người đã không thể tin được Việt Nam lại có thể tự xây dựng được nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, thưa ông?

Có rất nhiều bài học đã được Ban Chỉ đạo nhà nước tổng kết trong quá trình xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này, như sự chủ động và quyết đoán giao cho doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận triển khai công trình, hay chia tách thành 2 giai đoạn để thi công sớm một số phần việc đã rõ ràng. Các doanh nghiệp xây dựng, lắp máy, cơ khí trong nước được giao việc đều rất nỗ lực, chủ động đưa ra nhiều giải pháp thi công với mục tiêu đảm bảo cao nhất an toàn, chất lượng cho công trình và về đích như đã hẹn.

Sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương trong việc di dân, tái định cư rất sâu sát với mong muốn tạo dựng cuộc sống ở nơi mới tốt hơn nơi ở cũ cho bà con.

Với EVN, còn có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể, giải quyết vốn để đảm bảo tiến độ cho công trình.

Ban Chỉ đạo nhà nước công trình Thủy điện Sơn La được thành lập do một Phó thủ tướng làm Trưởng ban với sự tham gia của các bộ, ngành rất hiệu quả. Ngoài ra, có đồng chí Thái Phụng Nê, phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước trực tiếp điều hành trên công trường, giao ban hàng tháng với các bên để giải quyết vướng mắc.

Đặc biệt, lòng yêu nước đã tỏa sáng trên công trường Thủy điện Sơn La. Từng công nhân, kỹ sư, chuyên gia của tất cả các bên không quản khó khăn, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt nơi vùng rừng núi sâu, trần lưng ra làm 3 ca liên tục, vì tiến độ của dòng điện. Có cả những thời khắc hiểm nguy, tính mạng của nhiều con người ngàn cân treo sợi tóc, nhưng họ vẫn không lùi bước, tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

Những nỗ lực đó đã đưa đến thành quả rất đáng trân trọng. Tổ máy 1 phát điện sớm 2 năm và toàn bộ Nhà máy về đích trước 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội. Với sản lượng điện 10 tỷ kwh/năm, nếu lấy giá điện 5 UScent/kwh, thì Sơn La đã làm lợi cho đất nước 500 triệu USD mỗi năm.

Riêng với EVN, sự có mặt của Nhà máy Thủy điện Sơn La có ý nghĩa như thế nào?

Hệ thống điện của Việt Nam năm 2012 sản xuất và mua ngoài 120 tỷ kWh. Như vậy, sự có mặt của Nhà máy Thủy điện Sơn La với sản lượng điện 10 tỷ kWh/năm, chiếm 9% điện của hệ thống, đóng góp rất đắc lực cho việc cấp điện của đất nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi có những thời điểm mùa khô, nguồn cung điện chỉ thiếu 1 - 2 tỷ kWh, chiếm chưa đến 1 - 2% hệ thống, nhưng dư luận đã rất lo lắng quan tâm.

Trong giai đoạn đầu hoạt động, Nhà máy còn phải khấu hao, nhưng càng về sau, khi khấu hao hết, trả nợ xong,   thì đây là nguồn năng lượng tái tạo có giá rẻ, giúp EVN đảm bảo cân đối điện cho hệ thống và dần dần lành mạnh bức tranh tài chính. Nhà máy Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động cũng giúp tăng sản lượng cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong mùa khô, khi tạo thêm hồ chứa ở bên trên cho Hòa Bình. Sự có mặt của các nhà máy thủy điện lớn, có giá thành hợp lý hơn các nguồn điện khác cũng góp phần ổn định an sinh xã hội, phục vụ đời sống kinh tế của đất nước.
Theo: Báo Đầu tư