AHLĐ Nguyễn Đăng Sâm (phải) chỉ huy đoàn vận tải lên Sơn La. Ảnh: Trang Vy
Nhiệm vụ tưởng như... bất khả thi
Ông Nguyễn Đăng Sâm - Tổng GĐ Cty vận tải Đa Phương thức (Vietranstimex) - cho biết, ngay giai đoạn tư vấn, thiết kế để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, giới chuyên môn, cơ quan tư vấn Chính phủ đã đặt vấn đề về vận tải. Đường lên Tây Bắc thuộc loại khó khăn, hiểm trở nhất nước. Đường quanh co, dốc, hẹp, lại quá nhiều cây cầu yếu. Đa số cầu chỉ chịu tải trọng 30 tấn, trong khi đó, các khối thiết bị rời lên đến 280 - 400 tấn (chưa kể tự trọng của phương tiện chuyên chở).
Ban đầu, các nhà tư vấn đã tính toán khả năng sẽ thiết kế nhà máy với 8 tổ máy để “chia nhỏ” thiết bị, giảm tải. Nhưng phương án này sẽ dàn trải, cồng kềnh và rất tốn kém về mặt bằng xây dựng, hệ thống nhà máy, thiết bị... đều phải có quy mô lớn hơn. Ngay từ lúc này, Vietranstimex đã khẳng định và chứng minh, chúng tôi có thể vận chuyển các thiết bị lên đến 400 tấn, đảm bảo cho việc thiết kế xây dựng nhà máy với 6 tổ công tác.
Phương thức truyền thống để vận tải những hàng siêu trường, siêu trọng là gia cố, chống đỡ các cầu yếu. Nhưng 17 cây cầu qua miền Tây Bắc có khẩu độ cao, đôi khi cả 40- 50 mét, mùa mưa nước chảy xiết, sẽ tốn cả trăm tỉ đồng mà bất khả thi. Để khắc phục, Vietranstimex đã phải cử chuyên gia sang Italia nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia để hợp tác, thiết kế các loại trục, dầm phân tải... chuyên dụng dùng cho công trình này.
Kết quả, Vietranstimex đã thành công vận tải 18.000 tấn hàng thường và 7.000 tấn hàng đặc biệt siêu trường siêu trọng từ Hải Phòng lên Sơn La. Trong đó có 6 máy biến thế nặng 280 tấn/máy; 6 bánh xe công tác nặng 210 tấn/kiện, rộng tới 8,3m và 6 trục chính nặng 110 tấn/trục.
Niềm kiêu hãnh của... anh hùng
Ông Sâm tâm sự, trước khi làm thuỷ điện Sơn La, chúng tôi đã vận chuyển thiết bị cho các nhà máy thủy điện Yaly, Vĩnh Sơn, Sông Hinh... rồi vận chuyển tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ từ Nam Định lên Điện Biên. Nhưng quả thực, với công trình thủy điện Sơn La là một trong những thách thức lớn nhất.
“Vũ khí” của Cty là những đoàn trục rơmoóc thủy lực và những đầu kéo siêu khỏe cùng với trí tuệ và kinh nghiệm của đội ngũ những người thợ vận tải đa phương thức. Các kiện hàng liền khối siêu trọng này được đặt trên những giàn rơmoóc với 50-60 trục, gần 500 bánh xe để phân đều trọng tải trên các trục, sau đó gắn vào 2 đầu kéo (loại 600CV) và 1 đầu đẩy khủng (tổng cộng 2.000 mã lực) để di chuyển.
Thế nhưng, sau thành công này, vẫn còn nhiều băn khoăn. Không phải là mồ hôi, công sức của hàng trăm cán bộ, công nhân Vietranstimex đã đổ ra trong 3 năm liền (2009-2011), đưa hàng chục ngàn tấn thiết bị đặc biệt siêu trọng, vượt qua bao nhiêu thác ghềnh, về miền Tây Bắc, mà như ông nói, buồn vì những “ứng xử” của chủ đầu tư: “Nhiều lần, tôi muốn bỏ dở dự án này vì khó khăn về vốn vay, bị o ép về giá... nhưng với sự kiêu hãnh của một đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng mà đành chịu nhiều thiệt thòi, hoàn thành tốt được nhiệm vụ”.
Phương án vận tải của Vietranstimex đã tạo cơ sở khoa học để Nhà nước quyết định thay đổi thiết kế từ 8 tổ máy xuống còn 6, mang lại hiệu quả rất lớn cho đất nước.
Theo: Lao động