Sự kiện

Gương sáng công trường thủy điện Sơn La giỏi quản lý vững chuyên môn

Thứ ba, 18/12/2012 | 10:59 GMT+7
Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi rồi hoàn thành chương trình Thạc sỹ ngành công trình, về công tác tại Ban quản lý dự án (BQL DA) nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La từ năm 2003, đến năm 2006 được bổ nhiệm Trưởng phòng Thí nghiệm xây dựng (TNXD), ông Phạm Thanh Hoài luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ dược giao.
 
Nhân dịp tổng kết phong trào thi đua liên kết công trình Thủy điện Sơn La giai đoạn 2006-2012, ông Phạm Thanh Hoài đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba
Trên cương vị lãnh đạo, người kỹ sư sinh năm 1971 ấy không ngừng nỗ lực trong cả nhiệm vụ quản lý và chuyên môn, thực hiện kịp thời các công việc trước mắt và đưa ra các định hướng lâu dài. Nhờ vậy, đơn vị của ông đã đạt được nhiều thành công. Tiêu biểu như: Kết quả nen mẫu của trên 32.000 mẫu đúc và trên 900md khoan tại kết cấu đập công trình TĐ Sơn La cho thấy chất lượng bê tông ổn định đạt và vượt yêu cầu kỹ thuật; trên 15.000md đường hàn của đường ống áp lực, của khung ROTO máy phát đã được kiểm chứng qua các đợt kiểm tra; việc thử áp lực nước của đường ống áp lực và các tổ máy vận hành ổn định ... đã phản ánh vai trò của thí nghiệm trong công tác quản lý chất lượng.

Bên cạnh đó, ông Hoài đã có sáng kiến xây dựng tương quan giữa các thiết bị đo độ cứng của bê tông máy (máy Vebe kiểm tra chỉ số công tác của bê tông đầm lăn). Việc này tạo ra sự linh hoạt khi sử dụng các thiết bị khác nhau có trên công trường. Các chỉ số thí nghiệm được đưa về cùng mặt bằng để đánh giá giúp cải tiến, gia tăng phạm vi khoan lấy mẫu bê tông trên kết cấu công trình, tạo các khuôn bê tông kích thước lớn, có bảo ôn nhiệt độ để xác định nhiệt độ Max của bê tông, phục vụ cho việc thiết kế cấp phối và xác định các thông số về nhiệt độ. Biện pháp này đã hạn chế được hiện tượng nứt do nhiệt độ ở bê tông. Ngoài ra, ông còn cải tiến một số thiết bị đo phục vụ cho quan trắc công trình. Tại hiện trường, ông Phạm Thanh Hoài đã giải quyết các vấn đề về kỹ thuật khi dùng 700.000 m3 cát xay (tại chỗ) thay cho cát tự nhiên (vận chuyển từ Sông Lô với quãng đường trên 400km), sử dụng cho bê tông thông thường. Qua đó giảm được kinh phí xây dựng và tăng tính chủ động trong thi công. Thành công này của dự án đã trở thành kinh nghiệm đối với các công trình khác. Hơn nữa, vị Trưởng phòng TNXD cùng đơn vị cũng đề xuất nghiên cứu sử dụng Silica Fume vào thành phần cấp phối bê tông sử dụng cho bê tông hạng mục xả lũ. Thực tế kiểm nghiệm, sử dụng vật liệu này đã hạn chế việc sửa chữa thường xuyên các hư hại khi xả lũ lớn.

Ông Hoài cũng tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng các thiết bị cơ khí thủy công - thực hiện ngay từ khi gia công và lắp đặt. Toàn bộ vật liệu chính đều được kiểm tra cơ tính và thành phần hóa học, loại bỏ các sản phẩm không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Hay như việc kiểm tra đường hàn kết cấu bằng phương pháp không phá hủy đã phát hiện kịp thời khuyết tật của đường hàn và đưa ra biện pháp xử lý đạt yêu cầu kỹ thuật. Thông qua các kết quả đạt được, cá nhân ông và đơn vị đã được các cơ quan quản lý nhà nước, tư vấn giám sát, thiết kế đánh giá cao. Thành công ấy đã khẳng định vai trò của phòng TNXD - là đơn vị chuyên môn cung cấp các kết quả thí nghiệm và các ý kiến xác đáng, lâm cơ sở thực hiện công tác quản lý chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.
Báo Công thương