Tin trong nước

1 tháng, lượng điện tiêu thụ ở TP.HCM phá kỷ lục 4 lần

Thứ tư, 17/5/2023 | 09:35 GMT+7
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tại TP.HCM, chỉ trong chưa đầy 1 tháng lượng điện tiêu thụ đã phá kỷ lục 4 lần.

Người dân ở quận 3 (TP.HCM) sử dụng máy lạnh trong những ngày nắng nóng - Ảnh: TỰ TRUNG

Việc tiêu thụ điện nhiều hơn, cộng với giá điện vừa tăng, dự báo hóa đơn tiền điện của người dân sẽ tăng theo.

Tại các tỉnh miền Nam, sản lượng tiêu thụ điện cao nhất tháng 4 cũng cán mức hơn 269 triệu KWh. Trước nguy cơ thiếu điện trong mùa hè dự báo sẽ "khắc nghiệt" sắp tới, phải dùng điện sao để tiết kiệm và hiệu quả?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCM), cho biết những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 nắng nóng tại TP.HCM kéo dài. Nhiệt độ cao khiến việc sử dụng thiết bị làm mát gia tăng, từ đó lượng điện tiêu thụ liên tục phá kỷ lục.

Cụ thể, ngày 21-4 sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,53 triệu kWh/ngày. Đến ngày 25-4, sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,566 triệu kWh/ngày. 

Ngày 5-5, sản lượng điện tiêu thụ đạt 94,434 triệu kWh/ngày. Ngày 6-5 ghi nhận lượng điện tiêu thụ lên tới 94,802 triệu kWh. Như vậy, mức tiêu thụ điện trong ngày 6-5 là cao nhất từ trước đến nay của TP.HCM.

Thống kê trên cho thấy người dân TP.HCM trong giai đoạn này sử dụng điện rất nhiều. Trong mùa nắng nóng, việc sử dụng quạt và máy lạnh thường xuyên hơn, thời gian sử dụng nhiều hơn nên điện năng tiêu thụ nhiều hơn.

Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến tiền điện tăng cao là do người dân thường chọn nhiệt độ máy lạnh trong phòng thấp hơn nhiều so với nhiệt độ ngoài trời khiến tiêu thụ điện nhiều hơn. Nhiệt độ môi trường tăng cao là nguyên nhân làm cho máy lạnh tiêu thụ điện nhiều, dù thời gian sử dụng không tăng.

Còn ông Đặng Nguyên Phương, Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Nam, cho biết tiêu thụ điện trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam đang có chiều hướng tăng cao. 

Cụ thể, sản lượng điện trong tháng 4 đạt trên 7 tỉ 700 triệu kWh, tăng 8,92% so với tháng 3. Trong đó, sản lượng tiêu thụ cao nhất rơi vào ngày 7-4, đạt hơn 269 triệu kWh.

Cùng việc giá điện vừa tăng thêm hơn 55,9 đồng/kWh (3%) và thực tế tiêu thụ điện tăng như trên, hóa đơn tiền điện của nhiều hộ dân tăng là khó tránh.

Mẹo nào giúp tiết kiệm điện?

Để sử dụng điện hiệu quả và hợp lý trong mùa nắng nóng, ông Bùi Trung Kiên cho rằng người sử dụng điện phải theo nguyên tắc "4 đúng" - đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu. 

Song song với đó là kết hợp các giải pháp như: lắp đặt dàn nóng máy lạnh tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, chọn nhiệt độ phòng hợp lý từ 26oC trở lên, vệ sinh và bảo trì thường xuyên các thiết bị điện, chọn các thiết bị có nhiều sao về hiệu suất năng lượng...

Thắc mắc về tiền điện liên lạc ở đâu, theo ông Kiên, ngành điện TP.HCM đã phát triển ứng dụng EVNHCMC CSKH với nhiều tính năng như theo dõi lượng điện tiêu thụ, báo sự cố, so sánh sản lượng điện cùng kỳ... Ngoài ra, khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900 545454.

Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam cho hay việc tăng cường cây xanh trong nhà cũng giúp dịu bớt tác động của ánh nắng gay gắt.

Ngoài ra, sử dụng rèm cửa hợp lý cũng tăng độ sáng cũng như giảm nhiệt. Quá nắng nên kéo rèm vào. Thay vì các loại rèm mỏng, người dân nên chọn mua loại rèm có màu sắc trung tính với chất liệu màu trắng và bên trong vải tráng nhựa. Loại rèm xếp li này có thể giảm khí nóng lên đến 33%.

Về tủ lạnh, cần đặt tủ cách tường ít nhất 10cm. Đảm bảo nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3-6 độ C và âm 15 đến âm 18 độ C với chế độ đông lạnh. Đặc biệt hạn chế mở tủ lạnh vào những ngày nóng.

Cài đặt máy lạnh khiến tiêu thụ điện tăng 200% thế nào?

Máy lạnh là thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Khi thời tiết nắng nóng 35 - 40 độ C, nhiều người có thói quen cài đặt máy lạnh ở mức 18 độ C.

Theo ông Bùi Trung Kiên, điều này khiến mức tiêu thụ điện của máy lạnh có thể tăng lên đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và khi cài máy lạnh ở mức 26 độ C.

Chính vì vậy dẫn đến tổng lượng điện năng tiêu thụ có thể tăng trên 200% so với các tháng trước đó, hóa đơn điện "nhảy múa" cũng chính do điều này gây ra. 

Phân tích cho thấy khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1oC thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh có thể tăng từ 1,5 - 3%. Như vậy, nhiệt độ tăng khoảng 5oC thì điện năng tiêu thụ có thể tăng thêm khoảng 10%- Ông BÙI TRUNG KIÊN (Phó tổng giám đốc EVNHCM) cho biết.

Nỗ lực đảm bảo điện liên tục

Ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay từ đầu tháng 5 khu vực miền Bắc và miền Trung đã ghi nhận những đợt nắng nóng kỷ lục.

Nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, như 6-5 dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng phụ tải hệ thống điện quốc gia đã lên mức kỷ lục mới tới hơn 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 12,34% so với cùng tháng năm 2022.

Trong khi đó, theo EVN, có 11/47 hồ thủy điện, với công suất khoảng 4.500 MW, đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Nước còn lại trong hồ có thể phát 4,5 tỉ kWh, thấp hơn 1,6 tỉ kWh so với kế hoạch.

Do đó, để đảm bảo điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17-4.

Theo ông Võ Quang Lâm, trước tình hình bất lợi, EVN đã và đang chỉ đạo các phương án đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt trong tình huống nóng cực đoan; chuẩn bị nhiên liệu, bảo dưỡng tổ máy, tăng cường trực vận hành sửa chữa lưới điện 24/24; chỉ đạo các đơn vị rà soát, củng cố sửa chữa lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục cho hệ thống điện.

Link gốc

 

Theo: Tuổi trẻ