Trạm bơm Phù Sa (Sơn Tây, Hà Nội).
Để bảo đảm cấp đủ cho toàn bộ diện tích gieo cấy theo kế hoạch và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 874/TB-BNN-TCTL ngày 06/02/2020 thông báo điều chỉnh lịch lấy nước đợt 2 và đợt 3 phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (Thông báo 874) phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Thông báo 874, đợt 2 lấy nước đã bắt đầu lúc 0 giờ 00’ sáng ngày 05/02 đến 24 giờ 00’ ngày 09/02/2020 (5 ngày), trong đó duy trì mực nước hệ thống sông Hồng như sau: Từ 0 giờ 00’ ngày 05/02 đến 24 giờ 00’ ngày 07/02/2020 (3 ngày): Tại Trạm Thuỷ văn Sơn Tây đạt từ 2,5m trở lên; Từ 0 giờ 00’ ngày 08/02 đến 24 giờ 00’ ngày 09/02/2020 (2 ngày): Tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt từ 2,0m trở lên;
Theo Tổng cục Thủy lợi, trong đợt 2 lấy nước, dòng chảy hạ du hệ thống sông Hồng được duy trì ở mức đảm bảo cho các trạm bơm dã chiến thuộc Thành phố Hà Nội hoạt động hiệu quả; mực nước trung bình tại Trạm Thủy văn Hà đạt trung bình 1,62m, đạt cao nhất 1,96m lúc 10h ngày 9/2.
Sau khi kết thúc đợt 2 lấy nước, 10 địa phương đã hoàn thành 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch đủ nước hoặc còn một phần diện tích nhỏ chủ động cấp nước. Riêng Thành phố Hà Nội diện tích đủ nước đạt 84,7% và tiếp tục vận hành công trình lấy nước khi nguồn nước thuận lợi.
Để hoàn thành kế hoạch lấy nước đổ ải, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức vận hành tối đa công trình lấy nước bảo đảm 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch có nước sản xuất, tránh phát sinh yêu cầu bổ sung nước ngoài thời gian lấy nước đợt 2 và đợt 3 tại Thông báo 874 ngày 6/2/2020 của Bộ NN&PTNT.
Tiếp tục tổ chức vận động, hướng dẫn người dân tăng cường thực hiện việc làm đất để giữ nước trên ruộng, gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.
Tổ chức vận hành tối đa công trình thủy lợi để tập trung cấp nước cho các diện tích chưa đủ nước đồng thời tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng,... để phục vụ tưới dưỡng.
Kim Thái