Kết thúc đợt 1 lấy nước đổ ải: Các hồ thủy điện xả trên 1,1 tỷ m3 nước
Đợt 1 lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã thực hiện đúng kế hoạch, từ 0h ngày 20/01/2020 đến 24h ngày 23/01/2020 (tổng cộng 4 ngày). Sau khi kết thúc đợt 1, diện tích có nước tính là 286.100 ha, đạt 54% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.
54% diện tích gieo cấy đã có nước
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Để bảo đảm dâng mực nước cho hạ du, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện từ 0h ngày 18/1/2020 (trước thời gian lấy nước 2 ngày).
Về diễn biến dòng chảy ở hạ du sông, mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong ngày đầu tiên của đợt lấy nước chỉ đạt trung bình 1,15m. Thời gian còn lại của đợt 1 lấy nước, dòng chảy được duy trì ở mức tương đối cao, mực nước Hà Nội đạt 1,6m, cao nhất đạt 1,94m (ngày 22/1). Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 là 1,11 tỷ m3 nước.
“Việc duy trì dòng chảy ở mức 1,6m tại Hà Nội đã bảo đảm yêu cầu đẩy mặn cho các công trình vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn lấy nước tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho các trạm bơm đã được nâng cấp hạ thấp cao trình hút và các trạm bơm dã chiến ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP Hà Nội vận hành lấy nước tốt”, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết.
Chính yếu tố trên giúp diện tích có nước tính đến kết thúc đợt 1 là 286.100 ha, đạt 54% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Trong đó một số địa phương có diện tích đủ nước rất cao như: Hà Nam 84,7%; Nam Định 74,2%; Phú Thọ 72,4%; Ninh Bình 60,1%; Thái Bình 55,5%.
Đánh giá việc lấy nước đợt 1, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết thêm: Để chủ động thích ứng với tình trạng dòng chảy bị thiếu hụt, các địa phương đã chủ động vận hành công trình lấy nước sớm và tăng cường lắp đặt trạm bơm dã chiến nên diện tích có nước trước đợt 1 lấy nước ở mức tương đối cao (trung bình 33,3%). Kết thúc đợt lấy nước, diện tích có nước đạt cao hơn kế hoạch từ 15-25%, cao hơn khoảng 20-30% so với một số năm gần đây (năm 2018 là 29,5%, năm 2017 là 22,22%, năm 2015 là 34,7%) và tương đương năm 2019 (năm thuận lợi do có mưa trước đợt 1 lấy nước).
“Việc vượt tiến độ lấy nước đợt 1 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành sớm kế hoạch lấy nước chung của toàn vùng”, ông Tỉnh nhấn mạnh.
Đợt 2 lấy nước sẽ bắt đầu thực hiện theo đúng kế hoạch (ngày 5/2/2020). Tập đoàn Điện lực sẽ tăng cường phát điện trước khoảng 2-3 ngày.
Đây là đợt lấy nước chính, dòng chảy duy trì ở mức cao nên các công trình thủy lợi sẽ có điều kiện thuận lợi để lấy nước. Dự kiến, kết thúc đợt 2, hầu hết các địa phương sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước, trừ một số khu vực thuộc TP Hà Nội (các huyện Mê Linh, Phúc Thọ, Thạch Thất) và tỉnh Bắc Ninh (các huyện Tiên Du, Từ Sơn,..).
“Trường hợp tiến độ lấy nước vượt dự kiến, đợt 2 có thể được xem xét điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện, đồng thời bảo đảm các địa phương chưa hoàn thành kế hoạch tiếp tục lấy nước”, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhấn mạnh.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước xả, Tổng cục Thủy lợi đề nghịSở NN&PTNT các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ tiếp tục vận hành công trình để tăng cường lấy nước trong thời gian trước đợt 2 nếu điều kiện nguồn nước cho phép.
Tổ chức vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.
Các địa phương đang có diện tích đủ nước thấp và nhiều diện tích khó cấp nước (Hà Nội, Bắc Ninh) cần rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và thực hiện các phương án bổ sung nguồn nước.
Để đảm bảo lấy nước theo đúng kế hoạch đợt 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi thực hiện xả nước các hồ thuỷ điện theo đúng lưu lượng tính toán của Tổng cục. Đồng thời, EVN mong muốn các địa phương đẩy nhanh tiến độ lấy nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả nhằm giảm lượng xả nước từ các hồ chứa thủy điện.