Ngoài mục tiêu đảm bảo điện năng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn quận thì quy hoạch điện của quận cũng phải đảm bảo yếu tố mỹ quan đô thị.
Cầu Giấy là một quận nội thành mới nhưng trên địa bàn hiện tập trung khá nhiều cơ quan, tổ chức hành chính quan trọng như các cơ quan Đảng, quân đội, trường học, bệnh viên. Đặc biệt thời gian gần đây tốc độ di dân từ các địa phương khác tới ngày càng nhanh khiến nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh. Vì vậy, việc đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở đây gặp không ít khó khăn, thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu điện. Nhiều trạm biến áp đầy tải dẫn tới quá tải; nhiều thiết bị như cầu dao, tủ bảng điện hoạt động với cường độ cao nhanh chóng bị lão hóa, hệ thống lưới điện trung áp dù đã được ngầm hóa một phần nhưng vẫn còn tình trạng “mạng nhện”… Dự kiến giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của Cầu Giấy đạt 12,5%/ năm, nhu cầu điện thương phẩm sẽ là 1.125 triệu kWh; giai đoạn 2016-2020 mục tiêu GDP là 12%, nhu cầu điện thương phẩm sẽ phải đạt 2.202 triệu kWh.
Với những lý do trên, Quy hoạch phát triện điện lực quận Cầu Giấy giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 được xây dựng và UBND thành phố đã phê duyệt hồi tháng 2-2012 với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của quận. Kết cấu lưới điện được xây dựng theo hướng đảm bảo độ tin cậy, cung cấp điện theo nhu cầu của từng loại hộ phụ tải, tiết kiệm vốn đầu tư và giảm tổn thất điện năng; có sự kết nối lưới điện với quy hoạch phát triển điện lực Thành phố và quận, huyện lân cận, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng của quận.
Theo đó, các công trình lưới điện khi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo phải tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành điện và xây dựng theo quy định, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch như: Đối với lưới điện 110kV, các trạm biến áp phải được thiết kế mang tải không lớn hơn 75% công suất định mức ở chế độ vận hành bình thường để có đủ dự phòng công suát khi xảy ra sự cố hoặc sửa chữa. Quy mô công suất trạm biến áp được thiết kế tối thiểu là 02 máy biến áp, sử dụng máy biến áp có công suất định hình 63 MVA đối với các trạm công cộng, đối với các trạm khách hàng chuyên dùng tùy theo nhu cầu sẽ được tính toán squy mô công suất cho thích hợp… Với lưới trung áp, sẽ thực hiện cải tạo toàn bộ lưới 6-10kV lên 22kV để tiêu chuẩn hóa vận hành lưới điện trung áp ở cấp điện áp 22kV. Phấn đấu tới năm 2015, toàn quận Cầu Giấy đạt tỷ lệ ngầm hóa đường dây trung áp 100%... Về trạm biến áp phân phối, công suất trạm sẽ được tính toán theo nguyên tắc đủ khả năng cung cấp điện cho các phụ tải dân sinh trong vòng bán kính 50-300m tùy thuộc mật độ phù tải với khả năng mang tải từ 65% trở lên. Với lưới điện hạ áp, áp dụng hệ thống hạ áp 220/380V, 3 pha 4 dây có trung tính nối đất trực tiếp.
Về khối lượng xây dựng theo Quy hoạch giai đoạn 2011-2015 sẽ thay dây dẫn đường dây 110kV mạch kép Chèm - Thanh Xuân từ AC-185 bằng dây GZTACSR-200, nâng công suất các trạm 110kV Nghĩa Đô, Thanh Xuân đồng thời xây dựng mới trạm 110/22kV Cầu Diễn công suất 63MVA. Giai đoạn 2016-2020 quận sẽ được cấp điện bổ sung từ các trạm 110kV Công Viên Thủ Lệ và trạm Tây Hồ Tây. Lưới điện trung áp sẽ được cải tạo toàn bộ lưới 6kV và lưới 10kV sau trạm 110kV Nghĩa Đô lên lưới 22kV. Cải tạo nâng điện áp, nâng công suất 130/132 trạm/ máy biến áp với tộng dung lượng trên 68 MVA; xây dụng mới 185/218 trạm/ máy biến áp với tổng dung lượng gần 247 MVA. Cải tạo hạ ngầm 20,7 km đường dây trung áp đồng thời xây dựng mới 57,4km cáp ngầm. Lưới điện hạ áp sẽ cải tạo, nâng cao chất lượng và khả năng tải 76km, xây dựng mới 70km. Lắp đặt mới 17.450 công tơ, thay thế 16.500 chiếc.
Với quy hoạch trên, tổng vốn đầu tư cho cải tạo và phát triển lưới điện phân phối quận Cầu Giấy giai đoạn 2011-2015 dự kiến trên 732 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn Tổng Công ty điện lực Hà Nội và các đơn vị phân phối điện khác, vốn ngân sách cho việc hạ ngầm đường dây điện nổi.