Công nhân Công ty Truyền tải Điện 2 sử dụng thiết bị bay UAV kiểm tra định kỳ thiết bị đường dây và trạm biến áp 500kV. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo ông Hồ Công, với mức tăng trưởng truyền tải điện khoảng 10%/năm trong những năm về sau, khi nhu cầu cấp điện cho miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên ngày càng lớn, việc xây dựng các đường dây 500kV mạch 2, mạch 3 ngày càng cấp thiết để đảm bảo an ninh năng lượng thì đường dây mạch 1 vẫn làm nhiệm vụ then chốt, là xương sống truyền tải điện Bắc - Nam. 10 năm liền, đường dây từ Pleiku đến Tp. Hồ Chí Minh không bị sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, sau năm 2000, nền kinh tế đã có bước phát triển rõ rệt, nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng cao và đòi hỏi mức độ an toàn và tin cậy càng cao. Ngày 23/10/2005, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 tiếp tục được hoàn thành và đưa vào vận hành, đảm bảo hệ thống truyền tải điện 500kV có hai mạch song song, tạo liên kết vững chắc, vận hành an toàn, tin cậy cho Hệ thống truyền tải điện Quốc gia.
Đến ngày 5/5/2014, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (mạch 3). Việc đóng điện và đưa vào vận hành dường dây này cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, kịp thời cung cấp đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo.
Như vậy nếu năm 2014, tổng điện năng truyền tải qua TBA 500kV Pleiku là hơn 57,1 tỷ kWh thì sau 10 năm (tính từ năm 2004), lượng điện năng truyền tải đã tăng gần 33,8 tỷ kWh.
Với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là mùa khô nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tiếp tục tăng. Khi đó tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thuỷ điện như Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A, An Khê – KaNak, nhà máy Xekaman 1 của nước bạn Lào về Việt Nam, nhà máy nhiệt điện Sinh khối … với công suất lên đến hơn 1.000 MVA.
Để truyền tải hết lượng công suất của các nhà máy thuỷ điện trên dòng sông Sê San và khu vực miền Trung cùng với nhà máy thuỷ điện phía Lào lên hệ thống điện 500kV Bắc – Trung – Nam, mặc dù đã được xây dựng và mở rộng Trạm 500kV Pleiku với nhiều giai đoạn, nhưng TBA 500kV Pleiku vẫn phải thường xuyên làm việc quá tải, dẫn đến nguy cơ sự cố có thể xảy ra.
Ông Hồ Công nhớ lại, trước tình hình đó, TBA 500kV Pleiku 2 được đầu tư xây dựng và đóng điện vận hành vào ngày 4/3/2016 với mục tiêu đảm bảo trục truyền tải 500kV Bắc - Trung – Nam vận hành an toàn, tin cậy và giảm tổn thất điện năng. Đồng thời, tăng năng lực truyền tải của đường dây 500kV mạch kép Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; giảm nguy cơ sự cố và giảm áp lực vận hành cho TBA 500kV Pleiku hiện có. Ngoài ra trạm mới còn tăng cường lưới điện truyền tải Việt Nam - Lào; trong đó có việc đấu nối để tiếp nhận nguồn công suất từ Lào về Việt Nam.
Đến năm 2018, tổng lượng điện năng truyền tải qua 2 TBA 500kV Pleiku và Pleiku 2 là 72,1 tỷ kWh. Sau 25 năm, tổng lượng điện năng truyền tải đã tăng từ 801 triệu kWh (năm 1994) lên đến 72,1 tỷ kWh (năm 2018). Trong những tháng đầu năm 2019, lượng điện năng truyền tải qua hai TBA 500kV này vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Công, sau 25 năm, công nghệ đã thay đổi như các thế hệ bảo vệ rơ le nhiều tính năng, SCADA, hệ thống định vụ sự cố, đo đếm năng lượng, các máy đo xa phát nhiệt, khoảng cách đo xa phát hiện các sự cố có thể xảy ra… để đáp ứng công tác vận hành, dự báo, điều hành quản lý. Tuy nhiên, người công nhân truyền tải lại có kinh nghiệm vận hành nhiều hơn.
Qua gần 25 năm các đơn vị truyền tải ra đời và vận hành lưới điện 500kV trong bối cảnh kinh tế đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư hạn chế trong khi cần thay thế nhiều thiết bị đã vận hành lâu năm. Các Công ty truyền tải điện còn phải nâng cao hoạt động truyền tải theo pháp luật điện lực trong việc phối hợp tham gia đầu tư hoặc giám sát đưa vào vận hành các đường dây 220kV đấu nối gần 2.000 MW công suất các nguồn thủy điện ở miền Trung tại các vùng tây Thừa thiên - Huế, tây Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Các Công ty truyền tải điện cũng phải giám sát và khai thác các đường dây 220kV đấu nối sau các trạm 500kV để góp phần tiếp nhận nguồn thủy năng, cung cấp điện cho các trạm 220-110kV trên địa bàn.
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết, trong giai đoạn này cùng với việc tiếp nhận vận hành thêm 2 trạm 500kV Dốc Sỏi (công suất 450 MVA) và Thạnh Mỹ (900 MVA), Công ty trang bị nâng cấp hệ thống tụ bù dọc 2000 A và kháng bù ngang ở các trạm 500kV Hà Tĩnh, Vũng Áng, Đà Nẵng, Pleiku, Thạnh Mỹ để tăng khả năng tải của hệ thống 500kV và đảm bảo ổn định điện áp của các đoạn đường dây 500kV Bắc - Nam và đường dây 500kV mạch 2 Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng.
Trong 25 năm vận hành đường dây 500kV mạch 1, ngoài việc thường xuyên theo dõi, kịp thời phản ánh đến các cấp điều độ điều chỉnh phương thức phù hợp nhằm giảm tổn thất cũng như hạn chế truyền tải quá cao trên đường dây 500kV và hạn chế điện áp thấp tại các nút 220kV, 500kV, Công ty còn tập trung quán triệt các đội đường dây, công nhân vận hành chấp hành các quy trình vận hành, sửa chữa đường dây.
“Bên cạnh đó, Công ty còn tập trung quản lý, sửa chữa nhằm đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các đường dây truyền tải 500kV, 220kV, đặc biệt là đường dây 500kV trong bối cảnh công suất truyền tải cao liên tục để cấp điện cho hai miền Nam - Bắc và khu vực”, ông Phong cho biết.
(Còn tiếp)
Bài 3: Nâng cao trách nhiệm phối hợp và bảo vệ