Sự kiện

43 năm ngành điện miền Nam phát triển cùng đất nước

Thứ tư, 2/5/2018 | 09:49 GMT+7
Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa Xuân giải phóng hoàn toàn miền Nam. 7h30 sáng 01/5/1975, Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định (K9) đến tiếp quản Công ty Điện lực Việt Nam tại số 72 Hai Bà Trưng. Mới đó mà đã 43 năm.
Họp mặt kỷ niệm 10 năm ngày tiếp quản Công ty Điện lực Việt Nam tại số 72 Hai Bà Trưng, quận 1, TP. HCM (5/1985).
 
Trước ngày đất nước thống nhất, công suất lắp đặt của hệ thống điện miền Nam lúc này chỉ có 800MW, lưới điện cao áp gồm nhiều cấp điện áp chủ yếu là 230kV, 66kV và 15kV. Tổng chiều dài lưới truyền tải là 800km, trong đó 257km đường dây 230kV, 543km đường dây 66kV chia thành 3 khu vực vận hành độc lập: Miền Đông, miền Tây và cao nguyên. Lưới phân phối tập trung ở Sài Gòn và các tỉnh lỵ lớn, chủ yếu phục vụ cho thắp sáng, tiêu dùng ở Sài Gòn… tỉ lệ hộ dân có điện sử dụng khoảng 2,5%.
 
Sáng 1/5/1975, lúc 7 giờ 30, Tiểu ban Quân quản K9 do ông Lê Thành Phụng dẫn đầu đến trụ sở Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV) tại số 72 Hai Bà Trưng, kêu gọi những người phụ trách CĐV cộng tác đảm bảo nguồn điện hoạt động bình thường. Trong cuộc họp đầu tiên, Ban Quân quản yêu cầu bằng mọi cách giữ dòng điện hoạt động liên tục, không gây khó khăn cho việc tiếp quản và bảo đảm sinh hoạt của thành phố; triệu tập tất cả công nhân viên chức trở lại làm việc bình thường; sửa chữa ngay những đường dây bị hư hỏng vì bom đạn trong thành phố (trong ngày 2 và 3/5) và sửa đường dây Sài Gòn - Mỹ Tho (tại khu vực Thủ Thừa) trước ngày 4/5, sau đó là sửa chữa đường dây và nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Đồng thời phối hợp tổ chức canh gác các vị trí quan trọng, đề phòng bị phá hoại.
 
Lúc này, nguồn điện ở phía Nam chỉ có các nhà máy: Nhiệt điện Thủ Đức khả năng phát điện khoảng 165MW, Nhiệt điện Chợ Quán - 55MW, Nhiệt điện Trà Nóc - 33 MW, các cụm diesel đốt dầu FO, DO đặt ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam; còn Thủy điện Đa Nhim bị hư hỏng không phát điện được.
 
20 năm xây dựng và phát triển trong gian khó (1975 - 1995)
 
Tháng 8/1975, Tổng cục Điện lực được thành lập, quản lý điện từ Quảng Trị đến Minh Hải. Hoạt động điện lực lúc này thật vô cùng khó khăn, phức tạp do thiếu dầu chạy máy phát điện, các linh kiện thiết bị, phụ tùng hư hỏng không còn dự phòng thay thế… nhiều vùng ở miền Nam chưa hề có điện, hoạt động sản xuất, phân phối điện còn manh mún, chắp vá…
 
Ngày 07/8/1976, Bộ Điện và Than ra Quyết định số 1592/QĐ-TCCB.3, đổi tên Tổng cục Điện lực thành Công ty Điện lực miền Nam, quản lý điện từ Thuận Hải đến Minh Hải. Lúc này, tình hình cung cấp điện đã khá hơn nhờ có nguồn từ Thủy điện Đa Nhim đưa về TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên sau đó, tình hình mất cân đối giữa cung và cầu xuất hiện do các nhà máy điện bắt đầu trục trặc, hư hỏng xảy ra trong khi phụ tùng dự phòng để thay thế không còn, việc mua sắm từ nhập khẩu không lại thực hiện được do cấm vận. Thiếu dầu, thiếu vốn nên tình trạng thiếu điện ngày càng kéo dài và nghiêm trọng.
 
Ngày 09/5/1981, Bộ Điện lực ban hành Quyết định số 15/ĐL/TCCB.3 đổi tên Công ty Điện lực miền Nam thành Công ty Điện lực 2. Giai đoạn này, tình hình cung cấp điện càng trở nên khó khăn hơn. Nhà máy điện Thủ Đức - nguồn chủ lực cấp điện cho TP. Hồ Chí Minh, rồi đến các nhà máy điện Chợ Quán, Cần Thơ và các cụm Diesel ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phải đối mặt với liên tục với sự cố hư hỏng thiết bị của các tổ máy trong tình trạng không tìm ra được phụ tùng thay thế, việc sửa chữa, bảo trì cũng chỉ được thực hiện vá víu. Đặc biệt là thiếu dầu chạy máy, dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên.
 
Giai đoạn này đất nước còn nghèo nhưng Đảng và Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng các nguồn điện mới và phát triển hệ thống lưới điện, như: Xây dựng, mở rộng đường dây 230kV từ Cần Thơ về TP. Hồ Chí Minh, nâng cấp lưới điện truyền tải để phục vụ các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Năm 1983, khởi công xây dựng nhà máy Thủy điện Trị An 400MW - vận hành năm 1987 đã giải tỏa phần nào tình trạng thiếu điện ở miền Nam, tiếp đó là nhà máy Thủy điện Thác Mơ 150MW - hoàn thành năm 1994; năm 1994 đường dây 500kV hoàn thành đã đưa được nguồn điện từ nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào miền Nam, rồi nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa được hoàn thành cùng với việc chuẩn bị cho nhiều dự án nguồn điện quan trọng như: Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ, Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Thủy điện Đại Ninh… Nhiều đường dây 220kV, 110kV được xây dựng và kết nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Đến năm 1995, các tỉnh phía Nam đều có điện lưới, các cụm Diesel chỉ để dự phòng hoặc sử dụng bù công suất đỉnh cho hệ thống.
 
Tháng 02/1992 Sở Điện lực Bình Thuận và Sở Điện lực Ninh Thuận được thành lập (tách ra từ Sở Điện lực Thuận Hải); Sở Điện lực Cần Thơ và Sở Điện lực Sóc Trăng được thành lập (tách ra từ Sở Điện lực Hậu Giang), Sở Điện lực Vĩnh Long và Sở Điện lực Trà Vinh thành lập (tách ra từ Sở Điện lực Cửu Long). Tháng 3/1992 thành lập Công ty Điện lực 2 trực thuộc Bộ Năng lượng.
 
Công tác điện khí hóa nông thôn được bắt đầu thực hiện từ năm 1986 tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Tiếp sau đó triển khai trên nhiều tỉnh, thành phía Nam. Đến năm 1995, toàn miền Nam đã có 898 xã có điện (đạt 65,07%), 1.183.480 hộ dân có điện (đạt 37,08%), 620.314 hộ dân nông thôn có điện (đạt 24,82%). Năm 1995, Công ty Điện lực 2 đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
 
Đổi mới và trưởng thành
 
Ngày 01/4/1995, Công ty Điện lực 2 được thành lập lại trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phân phối điện năng trên địa bàn 18 tỉnh thành phố phía Nam. Tháng 3/1997 thành lập Điện lực Bình Dương và Bình Phước (tách ra từ Sông Bé), Điện lực Bạc Liêu và Cà Mau thành lập (tách ra từ Điện lực Minh Hải); tháng 6/1999 Điện lực Đồng Nai tách ra trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam; tháng 02/2004 thành lập Điện lực TP. Cần Thơ và Hậu Giang (tách ra từ Cần Thơ). Công ty Điện lực 2 quản lý kinh doanh điện trên địa bàn 20 tỉnh/thành phố (trừ TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai).
 
Công ty đã triển khai xây dựng nhà máy điện Diesel 6x500kW Phú Quý (1999); nhà máy điện Desel Phú Quốc - Kiên Giang: 2x1.500kW (2004), 2x2.500kW (2005), đồng thời bổ sung thêm các tổ máy Diesel từ đất liền ra nhằm, đảm bảo cung cấp điện cho huyện đảo đến năm 2012.
 
Năm 1995, chương trình điện khí hóa được tiếp tục triển khai ở Đồng Nai (1994-1995), tiếp theo là đưa điện về đến trung tâm 22 xã của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (1996) theo phương châm “nhà nước và nhân dân, trung ương và địa phương cùng làm”. Ngành Điện đầu tư lưới điện trung áp và trạm biến áp, địa phương đầu tư lưới điện hạ áp, nhân dân đầu tư nhánh rẽ vào nhà. Phương châm này sau đã trở thành phương thức huy động vốn cho việc đầu tư lưới điện nông thôn trong toàn quốc.
 
Tháng 5/2008, ngành điện triển khai dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện tỉnh Lâm Đồng với tổng vốn gần 208 tỷ đồng, với cơ cấu 85% vốn ngân sách nhà nước, 15% vốn đối ứng của ngành Điện được triển khai để cấp điện cho 36.421 hộ dân ở 475 thôn, buôn thuộc 116 xã của tỉnh Lâm Đồng (hoàn thành năm 2009). Đây cũng là giải pháp vốn đầu tư các dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer các tỉnh Tây Nam bộ và các dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia sau năm 2010.
 
Tổng công ty Điện lực miền Nam thành lập

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngày 05/02/2010, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 799/QĐ-BCT thành lập Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 2 và tiếp nhận Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, hoạt động trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam từ Ninh Thuận đến Lâm Đồng (trừ TP. Hồ Chí Minh).
 
Đầu tư cho phát triển lưới điện của riêng Tổng công ty tăng dần theo các năm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển tốc độc cao ở các tỉnh thành phía Nam (bình quân gấp 4-5 lần giai đoạn trước đó- năm 2017 khoảng 8.000 tỷ đồng) cho nhiều mục tiêu, như: Các trạm 110kV và 220kV để đảm bảo cung cấp điện, chống quá tải, tiêu chí N-1, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; đáp ứng tiêu chí số 4 về nông thôn mới, cấp điện cho các trạm bơm, tưới tiêu chống úng, chống hạn mặn; cấp điện cho vùng lõm chưa có điện, xóa câu đuôi, kéo chuyền; cấp điện cho nuôi tôm, trồng thanh long tăng rất cao về diện tích. Những công trình, dự án trọng điểm được đầu tư đã phát huy hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, như: Dự án cáp ngầm biển 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, lưới điện 110kV, 22kV vượt biển ra Kiên Hải, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Thơm, Tiên Hải; cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer có tổng mức đầu tư 1.216 tỷ đồng, cấp điện cho trên 90 ngàn hộ dân ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang…
 
Việc đầu tư cho khoa học công nghệ, nguồn nhân lực được quan tâm nhằm hiện đại hóa lưới điện, nâng cao năng lực quản lý điều hành, năng suất lao động và tính cạnh tranh, như: hệ thống SCADA điều khiển lưới điện 110kV tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam; Ứng dụng công nghệ mới trong đo ghi chỉ số công tơ từ xa PLC, GPRS, thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ trực tuyến; Vệ sinh cách điện lưới điện phân phối đang mang điện bằng nước áp lực cao, trang bị sửa điện nóng ở cấp 22kV…
 
Trải qua 43 năm kể từ năm 1975, ngành Điện lực miền Nam đã có những bước đi vững chắc và phát triển vượt bậc. Từ cơ sở vật chất rất khiêm tốn ban đầu, đến nay đã có 01 trạm biến áp 220kV, 5.643km đường dây 110kV, 212 trạm 110kV/16.863MVA; 68.069km đường dây trung áp, 90.498km đường dây hạ áp, 179.377 trạm biến áp phân phối/32.353MVA; cấp điện cho 2.513/2.513 xã phường thị trấn (đạt 100%), 7,67 triệu hộ dân có điện đạt 99,4% tổng số hộ, trong đó có 5,11 triệu hộ dân nông thôn có điện đạt tỷ lệ 99,18% số hộ dân nông thôn. Tổng công ty còn được giao tiếp nhận quản lý hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích đạt được trong suốt 40 năm nỗ lực phấn đấu kể từ ngày đất nước thống nhất, năm 2014 Tổng công ty được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
 
Trong suốt quá trình hình thành, phát triển và đổi mới từ ngày 30/4-1/5/1975 đến nay, các thế hệ CBCNV ngành Điện miền Nam đã luôn nỗ lực thi đua lao động cần cù, sáng tạo, cùng nhau giữ gìn, xây dựng và góp phần phát triển ngành điện Việt Nam lớn mạnh không ngừng. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh trong thời kỳ đổi mới của đất nước, làm tốt vai trò là một ngành kinh tế - kỹ thuật hạ tầng, tạo nền tảng và động lực góp phần cho sự phát triển toàn diện về mọi mặt của đất nước.
Mai Hoa/Icon.com.vn