Sự kiện

Chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam tăng 32 bậc: Ghi nhận những nỗ lực của ngành điện

Thứ năm, 2/11/2017 | 15:29 GMT+7
Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business 2018) do Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) vừa công bố kết quả đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017 của 190 nền kinh tế trên thế giới đã ghi nhận chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Kết quả này đã ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của ngành điện trong suốt 5 năm qua, đặc biệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ (ngày 06/02/2017) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017. 
 
Công bố của nhóm nghiên cứu Ngân hàng thế giới cho thấy, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế. Đây là năm thứ 4 liên tiếp (kể từ năm 2013) chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện về vị trí, và là năm thứ 2 được Doing Business ghi nhận có các cải cách lớn. Việt Nam cũng là nền kinh tế có chỉ số Tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực ASEAN. 
 
Để đạt được kết quả đáng ghi nhận này, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện trong hoạt động điện lực, từ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho đến cung cấp dịch vụ điện ngày một tốt hơn theo hướng đơn giản và thuận tiện hơn cho khách hàng. 
 
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa VCCI và EVN về khảo sát và công bố cảm nhận của khách hàng và sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với chất lượng cung ứng dịch vụ của ngành điện lực đầu năm nay là một sáng kiến có tính chất tiên phong của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên thực hiện công tác này. Điều tra doanh nghiệp của VCCI trong thời gian qua cho thấy ngành điện đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng, nhiều thủ tục liên quan tới tiếp cận điện đã được rút ngắn. 
 
Ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, "theo chức năng nhiệm vụ của mình, VCCI có chức năng tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học định kỳ để công bố chỉ số hài lòng của các DN đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước và chất lượng thực hiện các dịch vụ công của các tổ chức cung ứng các dịch vụ công ở VN và PCI là một ví dụ điển hình. Trong thời gian qua, để thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, Bộ Tài chính đã là cơ quan Chính phủ đầu tiên tiên phong trong việc phối hợp với VCCI, thông qua VCCI để thực hiện việc khảo sát về sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với công tác thuế và hải quan. Có thể nói, đó là một trong những nguyên nhân giúp cho chỉ số cải cách của ngành thuế và hải quan đang là chỉ số dẫn đầu trong các cơ quan Chính phủ của Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là tập đoàn Nhà nước đầu tiên ký và thực hiện với VCCI một thỏa thuận tương tự nhằm thông qua VCCI để lắng nghe phản ánh của cộng đồng DN về sự hài lòng của mình".
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay EVN đang bán điện trực tiếp tới trên 25 triệu khách hàng sử dụng điện trên cả nước. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 về cơ bản tất cả các hộ dân đều được sử dụng điện. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh, nhiều năm qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực xây dựng hình ảnh người thợ điện thân thiện với khách hàng, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng theo phương châm “đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục với chất lượng tốt nhất tới người tiêu dùng và thân thiện, cởi mở với khách hàng”. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, 100% các dịch vụ cung cấp điện năng của EVN đều có thể thực hiện đăng ký trực tuyến và đây là một trong những nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng, cải thiện độ tin cậy cung cấp điện để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng sử dụng điện trên cả nước. 
 
"Trong Báo các đánh giá của Doing Business có sự ghi nhận rất lớn đấy là về mức độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện thì Việt Nam được 6/8 điểm - tăng 3 điểm so với Doing Business 2017 (Doing Business 2017 là 3/8 điểm). Đây là yếu tố rất quan trọng để giúp cho chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện nhiều trong năm vừa qua. Kết quả này là ghi nhận của Doing Business thể hiện qua các cải cách của EVN trong việc cung cấp điện. Khi EVN áp dụng được hệ thống SCADA vào điều khiển hệ thống điện, giúp cho việc giám sát được chỉ số về độ tin cậy, sớm phát hiện ra được những khiếm khuyết và những sự cố trên lưới và cũng có thể tự động khôi phục lại được việc cung cấp điện, nâng cao được chất lượng điện, cung cấp ổn định. Ngoài ra, (mặc dù chưa được Doing Business ghi nhận nhưng) trong năm qua EVN cũng đã triển khai rất nhiều các biện pháp để rút ngắn thời gian và đơn giản hóa hồ sơ thủ tục và đẩy mạnh việc công khai minh bạch các dịch vụ của ngành điện đến với khách hàng. Trong năm 2017, Tập đoàn cũng đã ban hành được quy định về cung cấp dịch vụ điện của EVN và trong đó có việc rút ngắn thời gian thực hiện và giảm các thủ tục liên quan đến các công việc thuộc trách nhiệm của ngành điện. 
 
Cụ thể như EVN đã gộp 2 thủ tục là “tiếp nhận yêu cầu và thỏa thuận đấu nối” và “khảo sát hiện trường” thành 1 thủ tục là “tiếp nhận yêu cầu, khảo sát hiện trường và thỏa thuận đấu nối”, nhờ đó thời gian đã giảm từ 4 ngày xuống còn 2 ngày. Hay EVN cũng đã giảm thời gian thực hiện thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện, nghiệm thu đóng điện từ 7 ngày xuống còn 3 ngày đối với TP HCM và 5 ngày đối với các tỉnh, thành phố khác. Và với các giải pháp này thì trong năm nay, các đơn vị trong ngành điện chỉ thực hiện 2 thủ tục với thời gian là 5 ngày tại TP. HCM và 7 ngày với các Tổng công ty điện lực còn lại. Và thực tế qua 9 tháng của năm 2017 thì các Tổng Công ty cũng đã cấp điện mới cho 9914 hộ khách hàng tiếp cận điện năng cới thời gian giải quyết các thủ tục của ngành điện bình quân chỉ có 4,75 ngày, rút ngắn thêm được 2,25 ngày so với mục tiêu mà EVN đã đề ra.
 
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh, EVN, thực tế sau 5 năm kể từ khi triển khai “Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng - 2013”  với hàng chục chỉ tiêu cụ thể được EVN yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện, đến nay, qua kết quả đánh giá của Tư vấn độc lập cho thấy, mức độ hài lòng của khách hàng bình quân toàn EVN đã tăng dần theo thời gian. Có những nhóm định lượng được như nhóm chỉ số về nâng cao chỉ số cung cấp điện (SAIDI, SAIFI và MAIFI) và thời gian giải quyết cấp điện cho khách hàng (khi lắp đặt công tơ 1 pha, công tơ 3 pha, TBA…) đã giảm đáng kể. Việc triển khai 5 trung tâm chăm sóc khách hàng ở 5 Tổng công ty điện lực miền đã giúp nhận và giải đáp hàng triệu thông tin từ khách hàng gửi về trung tâm trong thời gian qua. Ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch, TGĐ Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết thực tế, nhờ TTCSKH mà chúng tôi kiểm soát việc khắc phục sự cố, thời gian rã lưới của các  đơn vị ở dưới khi giải quyết việc mất điện của khách hàng.
 
Chỉ số Tiếp cận điện năng là 1 trong 5 chỉ số được Doing Business đánh giá có thay đổi tích cực giúp cho chỉ số đánh giá chung của nền kinh tế Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh so với năm 2016. Với mức tăng 6,46 điểm so với 2016, Tiếp cận điện năng là chỉ số xếp thứ nhì trong các chỉ số có mức độ cải thiện xếp hạng tốt nhất (chỉ sau chỉ số về Nộp thuế) so với nhiều chỉ số khác như báo cáo đánh giá. Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện trong phạm vi công việc của ngành Điện lực thì Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực (chỉ xếp sau Brunei).
 
Nhìn lại 4 năm qua, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã cải thiện tới 92 bậc, từ vị trí 156/năm 2014 lên vị trí 64/năm 2018. Và, với kết quả đánh giá lần này, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam đã đạt và vượt so với yêu cầu về thứ hạng tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 (trong đó mục tiêu về chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2017 là thứ hạng 70).
Nguyên Long/Icon.com.vn