Tại cuộc Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Khăm-ma-ni In-thi-lát diễn ra chiều 04/4/2018, hai Bộ trưởng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước thời gian qua, nổi bật là lĩnh vực công nghiệp năng lượng và khoáng sản và khẳng định sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả hơn các lĩnh vực này trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là sản xuất và truyền tải điện, Lào có rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Năng lượng được kỳ vọng là đầu tàu phát triển kinh tế của Lào với tham vọng trở thành “quả pin cho châu Á”, Lào lên kế hoạch sản xuất 10.000 MW điện từ các nguồn khác nhau (thủy điện, điện gió, điện than và điện mặt trời, vv…) vào năm 2020 và 75% sản lượng điện đó được kỳ vọng sẽ xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Về phần mình, Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Dự kiến, các nguồn nhập khẩu sẽ cung cấp cho khoảng 37,5% nhu cầu năng lượng của Việt Nam vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035. Trong bối cảnh đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Lào đã trở thành một nhu cầu tự thân, phục vụ nhu cầu và lợi ích thiết thực cho phát triển của cả hai nước. Đó cũng chính là lý do nhân dịp kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, tổ chức tại Viêng-chăn, Lào tháng 02 năm 2018, đã có 06 trên tổng số 12 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai nước đều thuộc lĩnh vực năng lượng.
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng hợp tác năng lượng và khoáng sản sẵn có giữa hai nước, nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đồng chí Khăm-ma-ni In-thi-lát, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 05 tháng 4 năm 2018. Trong thời gian ở Việt Nam, đồng chí Khăm-ma-ni In-thi-lát đã đến báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và có cuộc hội đàm quan trọng với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ngoài ra, Bộ trưởng Khăm-ma-ni In-thi-lát cũng đến thăm và làm việc tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại cuộc Hội đàm tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Khăm-ma-ni In-thi-lát đã rà soát đánh giá tình hình hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản giữa hai nước trong thời gian vừa qua.
Trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, một trong những kết quả hợp tác nổi bật thời gian qua là hai Bên đã hoàn thành đàm phán và ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào tạo nguồn điện về Việt Nam, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện giữa hai nước; thúc đẩy tiến độ đàm phán và ký các Hiệp định, thỏa thuận khác như Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về Dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La đi Khăm-muộn, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Lào về dự án nhà máy thủy điện Mỹ Lý-Nậm Mô 1; thống nhất hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng dự án đường dây siêu cao áp 500 KV để nhập khẩu điện về Việt Nam; ký Bản ghi nhớ về việc mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với một loạt các nhà đầu tư dự án nguồn điện (điện than, thủy điện) tại Lào, vv...
Cũng trong buổi Hội đàm, hai Bộ trưởng đã thống nhất về cơ bản các nội dung chính của Hiệp định sửa đổi Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực Năng lượng và Khoáng sản năm 2006 để có cơ sở báo cáo Chính phủ hai nước phê duyệt, ký trong thời gian sớm nhất, tạo khuôn khổ hợp tác ổn định, dài hạn về năng lượng và khoáng sản giữa hai nước cho phù hợp với tình hình mới của khu vực và thế giới. Các nội dung chính bao gồm danh sách các dự án nguồn điện Chính phủ Lào xác nhận giới thiệu bán điện về Việt Nam, phương án đấu nối và đường dây liên kết để chuyển tải điện về Việt Nam, cơ chế đàm phán giá mua bán điện...
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với dự án muối mỏ ka-li; sớm hỗ trợ dự án thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô 1 đi vào triển khai, vv...
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào có ý nghĩa quan trọng giúp hai Bộ rà soát, thống nhất phương hướng tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản giữa hai nước Việt Nam và Lào, đặc biệt là thống nhất kế hoạch triển khai các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hai Bên đã ký nhân kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.
Tại cuộc Hội đàm, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh thông tin, Quý 1/2018, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt, đã có sự tăng trưởng cao trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần đưa tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng 7,38% so vói cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo yêu cầu cho tăng trưởng GDP thì mức tăng trưởng của điện cũng phải từ 10-11%, từ nay đến cuối năm nhằm đảm bảo cho tăng trưởng GDP cả năm, Việt Nam cũng đã có phương án cho tăng trưởng điện. Trong khuôn khổ hợp tác toàn diện ấy thì những lĩnh vực hợp tác như năng lượng và mỏ đều rất trọng tâm.
Liên quan đến vấn đề kết nối hệ thống điện, hiện vẫn chưa có kết nối lưới điện chính thức giữa hai quốc gia, do vậy các cơ quan chức năng đang nghiên cứu phương án kết nối riêng lẻ. Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, đã đưa ra 3 phương án kết nối. Cụ thể, giai đoạn 1 tập trung mua điện ở Nam Lào với công suất khoảng 1.126 MW. Giai đoạn 2 (từ 2021-2025) sẽ kết nối dự án mua điện ở Nam Lào, Trung Lào với công suất 3.000 MW nhằm chủ yếu cung cấp điện cho miền Trung Việt Nam. Giai đoạn 3 (từ 2026-2030) Việt Nam có thể tính toán nhập khẩu khoảng 2.000 MW từ Lào. Tuy nhiên, về lâu dài hai Bộ cần tính đến xây dựng việc kết nối lưới điện quốc gia giữa hai nước và liên thông với lưới điện của ASEAN. Về vấn đề này 2 bộ cần sớm thống nhất và xin ý kiến Chính phủ để có thể nghiên cứu và định hướng phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế và hội nhập của hai nước.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cũng thông tin, để thúc đẩy hợp tác năng lượng và giá điện giữa hai nước, nhằm có ý kiến chính thức và khung chính thức, với tổng sơ đồ điện mới của Việt Nam, Bộ sẽ trình Chính phủ phương án khung giá điện nhập khẩu để đảm bảo thu hút đầu tư. Hiện nay phương án đưa ra là sẽ chỉ đạo EVN và nhà đầu tư tính toán phương án mua bán điện cho từng dự án tại Lào có tính đến các chi phí liên quan của quá trình đầu tư.
Một khía cạnh khác, liên quan đến lĩnh vực điện gió, điện mặt trời... đây là ưu tiên của Việt Nam và nhiều nước nhằm mục đích bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị phía bạn Lào cùng nghiên cứu nhằm hợp tác để cùng phát triển.