Sự kiện

Thủy điện Hòa Bình trên dòng sông năng lượng

Thứ sáu, 10/11/2017 | 09:27 GMT+7
38 năm trước (6-11-1979), thủy điện Hòa Bình, một “công trình vĩ đại” của thế kỷ 20 được khởi công. Dòng sông Đà hung dữ, bất trị đã bị chế ngự để hôm nay dòng điện vẫn từ đây tỏa sáng mọi miền đất nước.
Thủy điện Hòa Bình nhìn từ trên cao - ẢNH: Ngọc Quang
 
Nói đến thủy điện Hòa Bình, không thể không nhắc tới Anh hùng lao động Thái Phụng Nê, nguyên bộ trưởng Bộ Năng lượng, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện Hòa Bình. Mọi người vẫn trìu mến gọi "ông thủy điện". Dù đã 85 tuổi, nhưng khi được hỏi về việc xây dựng các thủy điện, trong đó có thủy điện Hòa Bình, ông lại hào hứng, hồ hởi…
 
Chế ngự "sông Đà bất trị"
 
Từ những năm 1958-1963, khi đất nước vẫn còn chia cắt, Trung ương Đảng, Bộ chính trị đã có chủ trương, sách lược phát triển kinh tế và điện khí hóa sẽ đi trước một bước.
 
Đầu những năm 1970, sau khi học tiến sĩ "thủy công" ở Liên Xô về, đang tham gia xây dựng thủy điện Thác Bà (Yên Bái), ông Nê được điều về để nghiên cứu, lập luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng thủy điện Hòa Bình.
 
"Khi đó, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ trương của trung ương là phải điện khí hóa, phải xây dựng thủy điện", ông Nê nói.
 
Theo ông Nê, có nhiều phương án xây dựng thủy điện ở trên sông Đà, sông Lô, sông Thao, nhưng qua tính toán, làm thủy điện trên sông Đà là tốt nhất, kinh tế nhất, vừa có điện, vừa bảo vệ được miền Bắc và thủ đô Hà Nội (góc độ chống lũ).
 
Tuy nhiên, từ những năm 1940, người Pháp đã nhiều lần khoan thăm dò trên dòng sông Đà định làm thủy điện nhưng họ đều bó tay, đi đến kết luận "sông Đà bất trị".
 
Nhưng sau nhiều tranh luận về vị trí đặt thủy điện, quy mô thủy điện, cuối cùng, với sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia Liên Xô từ khảo sát đến tính toán công nghệ, trung ương đã quyết định chọn vị trí xây dựng nhà máy thủy điện tại khu vực thị xã Hòa Bình (nay là thành phố) làm địa điểm xây dựng công trình đầu mối thủy lực đầu tiên trong sơ đồ bậc thang sông Đà.
 
Để chuẩn bị các cơ sở vật chất, nhân lực cho công trình, hàng vạn thanh niên của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã được tuyển chọn đào tạo để trở thành những công nhân kỹ thuật phục vụ xây dựng công trình. Gần một ngàn chuyên gia Liên Xô đã tới Việt Nam. Đoàn 565 - bộ đội Trường Sơn vừa rời chiến trường được điều động về công trường…
 
10h sáng ngày 6-11-1979 cả nước hướng về Hòa Bình mừng ngày khởi công xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Ngày 6-11-1979, thủy điện Hòa Bình chính thức được khởi công xây dựng - ẢNH: Ngọc Quang
 
Đại công trường thanh niên
 
TS Phạm Bá Khoa, nguyên Giám đốc bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, người tham gia xây dựng thủy điện Hòa Bình từ những ngày đầu, cho rằng thế hệ ông "rất may mắn khi được tham gia xây dựng một công trình vĩ đại nhất thế kỷ, dù khi đó khó khăn thiếu thốn và vất vả vô cùng".
 
Theo ông Khoa, khi đó đã có nhà máy thủy điện Thác Bà, và nhà máy này từng bị Mỹ ném bom phá hoại. Vì thế, khi xây dựng thủy điện Hòa Bình với quy mô, công suất gấp gần 20 lần thủy điện Thác Bà, các phương án đều nghiêng về khoan hầm, đặt các tổ máy trong lòng núi đá.
 
Là người được đưa sang Liên Xô học chuyên ngành khoan thăm dò dầu khí vừa về nước, năm 1978, ông Khoa được đưa về Hòa Bình để phục vụ khoan thăm dò, và xây dựng thủy điện.
 
"Năm 1979, lệnh tổng động viên thanh niên ra trận, nhưng chúng tôi, những công nhân khoan đã được miễn chỉ để tập trung vào xây dựng công trình vĩ đại này".
 
"Khoan lộ thiên đã khó, vất vả, nhưng việc khoan trong hầm, xuyên vào giữa lòng núi đá thì vất vả, nguy hiểm hơn nhiều.
 
Nhưng khi đó, vì là đại công trường thanh niên, nên hàng ngàn hàng vạn lượt thanh niên, công nhân chúng tôi bất chấp khó khăn, làm hùng hục 3 ca 4 kíp, bản thân tôi 4 cái tết không về quê mà cứ lăn lộn trên công trường", TS Khoa hào hứng kể.

- 14h10, ngày 24-12-1988, tua bin tổ máy số 1 bắt đầu quay vòng quay đầu tiên, đánh dấu kết quả của 9 năm lao động quên mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc của gần 4 vạn cán bộ công nhân và gần 3.000 chuyên gia Liên Xô trên công trường.
 
- Từ 1991-1994, lần lượt các tổ máy từ số 2 đến tổ máy số 8 được khởi động và chính thức phát điện.
 
- Ngày 20-12-1994, nhà máy thủy điện Hòa Bình chính thức khánh thành, kết thúc 15 năm xây dựng.
 
Cửa vào hầm 8 tổ máy của thủy điện Hòa Bình - ẢNH: Ngọc Quang
 
Thắm đượm "mối tình Việt-Xô"
 
Ông Thái Phụng Nê vẫn nhắc đến các chuyên gia Pavel Timofeevich Bogachenko, Godunov Boric Ivanovich với sự trân quý. Theo ông Nê, các chuyên gia này được cử sang Việt Nam làm tổng và phó tổng chuyên viên, trực tiếp điều hành xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình, là những người đầu tiên, cũng là người đóng vai trò quan trọng để có Thủy điện Hòa Bình vận hành hiệu quả.
 
"Liên Xô cử sang các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, và điều hành công trình thủy điện. Họ không nề hà khó khăn, thiếu thốn, luôn sát cánh cùng chúng tôi trên công trường. Họ thường xuyên nghiên cứu kỹ từng chi tiết của dự án trong các điều kiện kỹ thuật sản xuất cụ thể, có khả năng tập hợp sự đoàn kết và tổ chức điều hành công việc của tập thể các chuyên gia, sử dụng hiệu quả bộ máy quản lý và các tổ chức xây lắp của Việt Nam".

Ông Thái Phụng Nê.
Ông Bùi Thức Khiết, người từng giữ vai trò giám đốc đầu tiên tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình, cho biết các chuyên gia Liên Xô đã để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời của ông.
 
Với ông, những chuyên gia Nga không chỉ là những người bạn thân thiết, gắn bó mà còn như những người thầy, và thủy điện Hòa Bình như một trường đại học lớn đã dạy cho các kỹ sư, công nhân, người lao động làm trong lĩnh vực thủy điện rất nhiều kiến thức quý giá. "Người Nga rất chân thật, sẵn lòng và tận tình trong mọi công việc", ông Thức trầm ngâm.
 
Công trình thủy điện Hòa Bình là công trình được đánh giá là phức tạp nhất nhì thế giới. Ông Khiết nói cái khó là thủy điện Hòa Bình được xây dựng trên cát (dày tới hơn 60 m) nên việc dọn hết cát hay đổ bê tông gần như là không thể làm được. Phương án mà các bạn Nga đưa ra là để nguyên và đắp đập, nhưng làm thế nào để giữ ổn định, không thấm và lún là một kỹ thuật phức tạp mà chỉ có Liên Xô mới làm được.
 
Trong trí nhớ của ông Khiết, những người bạn Nga không những làm việc như một chuyên gia, mà còn trực tiếp tham gia xây dựng như một công nhân, họ đứng máy khoan, điều khiển máy xúc, trực tiếp đào hầm, nổ mìn, dọn đá khi nổ mìn… mà không màng đến sự hi sinh, nguy hiểm tính mạng.
 
Ông nhớ đến hình ảnh một ông kỹ sư điện làm chuyên gia hướng dẫn cho các trạm phát điện để cung cấp điện cho các công trường. Một buổi trưa, khi công nhân, cán bộ, chuyên gia đã ăn cơm và nghỉ trưa, người kỹ sư này vẫn miệt mài làm việc, hoàn thành việc đấu điện cho máy nén khí đang dang dở. Thế nhưng, điều đáng tiếc xảy ra khi ông bị điện giật và hi sinh.
Khi công trình thế kỷ biến dòng nước sông Đà thành dòng điện quốc gia, đài tưởng niệm được dựng lên với 168 bát hương tưởng nhớ 168 người "lính sông Đà" đã ngã xuống, trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô - ẢNH: Ngọc Quang
 
TS Phạm Bá Khoa cho biết công trường cả vạn người, nhưng những chuyên gia Liên Xô luôn được những người thợ và người dân quý mến. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chúng ta trong điều kiện hết sức khó khăn, khắc nghiệt.
 
"Trên công trường, chúng tôi vẫn từng chia nhau điếu thuốc, cái bánh mỳ, chai sâm panh. Điều kiện thiếu thốn, lán trại của chuyên gia và công nhân ngay bên sườn núi cạnh công trường, nước sinh hoạt không có và chúng tôi vẫn cùng tắm chung dòng nước đục ngầu hút từ sông Đà đưa lên.
 
Những kỷ niệm này không thể phai mờ trong chúng tôi. Đây là những tình cảm chân thành, sự giúp đỡ vô tư trong sáng của những người bạn Xô Viết".
 
Hòa Bình bảo vệ thủ đô
 
Nói về vai trò của hồ thủy điện Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình, cho biết thủy điện là "công trình thiết kế đa mục tiêu", với 4 nhiệm vụ chính: trị thủy sông Đà, chống lũ giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an toàn cho vùng đồng bằng Bắc bộ và thủ đô Hà Nội; sản xuất điện năng; phục vụ nước tưới tiêu chống hạn; cải thiện điều kiện giao thông thủy, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Tây Bắc.
 
"Cho đến thời điểm này, sau 29 năm vận hành, thủy điện Hòa Bình đã phát huy rất hiệu quả, đạt tất cả các nhiệm vụ trên".
 
Giám đốc Minh dẫn chứng, về chống lũ, trước khi có nhà máy thì miền Bắc cứ vài năm lại có những trận lũ lịch sử, thậm chí năm 1945 lũ lịch sử dẫn đến hơn 2 triệu người chết đói. Nhưng từ khi có nhà máy, gần 30 năm qua Hà Nội và các tỉnh đồng bằng không bị lũ lụt, ngập úng nghiêm trọng nữa.
 
Thậm chí, năm 1996 lũ lịch sử, đỉnh lũ đạt 22.650 m3/s nhưng thủy điện Hòa Bình đã cắt lũ an toàn khiến hạ du không bị ngập lụt, đê điều không bị vỡ.
 
Gần đây nhất, ngày 10 và 11-10-2017, lũ về đạt đỉnh 15.900 m3/s, thủy điện đã thực hiện lần đầu tiên xả 8/12 cửa xả đáy.
 
"Việc xả lũ đúng quy trình đã đảm bảo hạ du không bị ngập lụt, không bị thiệt hại nhất là về người. Nếu không có thủy điện, không có điều tiết xả lũ thì khi lũ về, khối nước khổng lồ cả chục tỷ m3 trong hồ chứa là một sự đe dọa khủng khiếp cho Hà Nội và các tỉnh đồng bằng".
 
Thủy điện Hòa Bình trong lần xả lũ hồi tháng 7-2017 - ẢNH: Lâm Hoài
 
Không chỉ xả lũ, mùa khô, thủy điện còn tích nước để xả nước chống hạn cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ.
 
Về phát điện, thiết kế là phát hơn 8 tỷ kWh/năm, nhưng hiện nhà máy đã phát gần 10 tỷ kWh/năm. Đến nay, thủy điện Hòa Bình đã đạt kỷ lục phát 216 tỷ kWh điện, sản lượng điện chưa từng có nhà máy phát điện nào ở Việt Nam đạt được.
 
Bên cạnh đó, có thủy điện, giao thông đường thủy ở cả thượng du và hạ du thuận lợi hơn. Mùa khô, các dòng sông dưới hạ du vẫn đủ nước để tàu thuyền đi lại. Trên thượng du (lòng hồ), việc đi lại giữa các vùng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó là phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch.
Theo: Tuổi trẻ